MeKong – Cần Thơ 2008: Đánh thức du lịch đồng bằng

MeKong – Cần Thơ 2008: Đánh thức du lịch đồng bằng

LTS: ĐBSCL đã hai lần tổ chức Fetival Du lịch mang tính vùng(Cần Thơ 2003 và An Giang 2006) đạt được nhiều thắng lợi. Nhưng đây là lần đầu tiên, một lễ hội du lịch có quy mô được tổ chức với tên gọi Năm Du lịch Quốc gia “Miệt vườn sông nước Cửu Long” Mekong – Cần Thơ 2008 (MC 2008). Phóng viên ĐTTC đã trao đổi với ông Đinh Viết Khanh (ảnh), Giám đốc Sở Du lịch Cần Thơ, Phó ban Tổ chức MC 2008 về sự kiện này.

PHÓNG VIÊN: - MC 2008 sẽ mang đến cho du khách những sự kiện đặc sắc, độc đáo nào, thưa ông?  

MeKong – Cần Thơ 2008: Đánh thức du lịch đồng bằng ảnh 1

Ông ĐINH VIẾT KHANH: - Cả đồng bằng sẽ sôi động trong bầu không khí lễ hội, trải dài suốt cả năm. Lễ khai mạc dự kiến vào ngày 21-2-2008, đúng ngay ngày Nguyên tiêu (15-1 Âm lịch) tại sân khấu nổi cặp sông Hậu thuộc cồn Cái Khế - TP. Cần Thơ với một kịch bản đồ sộ gồm 3 chương 8 hoạt cảnh tái hiện sống động, đầy nhân văn về cội nguồn, thế đất lòng người miền Tây Nam bộ. Song song với TP. Cần Thơ tổ chức hoạt động lễ hội chung, các địa phương khác trong khu vực cũng tổ chức lễ hội với tính đặc thù địa phương. Đó sẽ là chuỗi các sự kiện độc đáo, hoành tráng, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa của bốn dân tộc anh em Kinh – Khmer -  Hoa – Chăm đang chung sống thanh bình tại châu thổ sông Cửu Long.

Bức tranh sinh động của châu thổ còn được nhân lên từ liên hoan Văn nghệ các Dân tộc, liên hoan Văn hóa ẩm thực, Hội đua thuyền truyền thống toàn quốc, Hội thi Hoa hậu đồng bằng…cùng nhiều hội nghị, hội thảo hội chợ triển lãm du lịch - thương mại – kinh tế khác. Lễ bế mạc (ngày 21-12-2008) sẽ được tổ chức tại bờ kè dưới chân cầu Cần Thơ, khi công trình này đã hoàn thành. Không khí chuẩn bị cho ngày hội lớn thực sự đã nóng lên từng ngày.

Hy vọng MC 2008 sẽ tạo ra bước ngoặt mới để  ngành du lịch ĐBSCL cất cánh phát triển cùng với ngành du lịch cả nước, đồng thời mở ra cơ hội liên kết đầu tư để phát triển  kinh tế trong khu vực.

- Bến Ninh Kiều là hình ảnh rất thân quen đối với du khách gần xa, là “cái hồn” của Cần Thơ. Vì sao địa điểm này không được chọn là điểm trung tâm đêm khai mạc?

- Nhắc đến Cần Thơ là người ta nghĩ ngay đến ngã ba sông thơ mộng này. Hơn triệu du khách đến Cần Thơ mỗi năm hầu hết đều rảo bước trong công viên này. Tuy nhiên với khoảng 15-20 ngàn người  dự kiến sẽ tập trung trong đêm khai mạc thì cần tính toán lại. Khu vực được chọn là bãi cát cuối cồn Cái Khế nằm ngay trên sông Mekong (bến Ninh Kiều chỉ là nhánh sông) có diện tích lớn hơn nhiều. Tại đây có hậu cảnh là toàn cảnh cầu Cần Thơ và cồn Ấu, sẽ đẹp hơn nhiều dưới ánh trăng Nguyên tiêu của đêm khai mạc, sẽ tạo ấn tượng mạnh đối với du khách về sự thanh bình của cả một vùng đất. Đồng thời, công tác an ninh cho lễ hội, an toàn cho du khách sẽ tốt hơn.  

- Ông kỳ vọng gì trước sự kiện lớn này?

MeKong – Cần Thơ 2008: Đánh thức du lịch đồng bằng ảnh 2

Khách sạn 4 sao Golf, sẽ phục vụ khách tham dự lễ hội MC 2008

- Do nhiều nguyên nhân việc thu hút đầu tư vào ĐBSCL trong những năm qua còn thấp. 6 tháng đầu năm 2007, khi ta đã gia nhập WTO, ngành du lịch cả nước thu hút được khoảng 800 triệu USD vốn FDI nhưng cả ĐBSCL không có dự án nào. Trong khi đó, vùng đất này còn tiềm ẩn rất nhiều tiềm năng mà nhiều nơi khác không có. Chính vì vậy chúng tôi coi việc Chính phủ, Tổng Cục du lịch chọn Cần Thơ là nơi tổ chức sự kiện “Năm Du lịch Quốc gia” không chỉ là cơ hội tuyệt vời, thời cơ hiếm có để Cần Thơ và mảnh đất chín rồng quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của mình, mở ra khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội cho cả vùng. Sân bay, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu…hoàn thành trong năm 2008 càng tạo ấn tượng tốt hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Lễ hội 2008 cũng là dịp để du lịch đồng bằng nối kết với nhau nhiều hơn, mạnh hơn. Cho đến nay đã có 9 tỉnh thành đăng ký chương trình lễ hội mang nét đặc sắc riêng ( tổ chức tại địa phương) song hành với các hoạt động tại TP. Cần Thơ. Trong thời gian này ngành du lịch các địa phương còn phối hợp tổ chức các tour liên hoàn cho khách tham quan miệt vườn, làng nghề truyền thống các di tích lịch sử văn hóa trên tòan khu vực. Ngoài ra BTC cũng mời một số thành phố, địa phương nước bạn tham gia như Phnompenh (Campuchia), Sán Đầu (Trung Quốc), Lào, Thái Lan… Dự kiến năm 2008 TP. Cần Thơ sẽ đón tiếp hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có 900 ngàn khách lưu trú với tổng doanh thu 500 tỷ đồng. Sau lễ hội nhất định Cần Thơ và cả vùng đồng bằng sẽ gần hơn, thân thiết hơn trong mắt bạn bè gần xa.

- Kinh phí dành cho lễ hội dự kiến khoảng 30 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Điều này có phải là bài toán khó?

- Đúng. Đây quả là một khó khăn không nhỏ khi Bộ Tài chính đã chính thức thông báo nguồn kinh phí để tổ chức chủ yếu là vận động từ xã hội, ngân sách địa phương chỉ hỗ trợ. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của chúng tôi là phải làm tốt công tác vận động. Dự kiến đầu tháng 8-2007 lãnh đạo TP. Cần Thơ cùng Ban Tổ Chức sẽ đi vận động hỗ trợ từ nhiều nguồn. Tại địa phương, mới qua một cuộc phát động “ký sổ vàng” số tiền tài trợ đã là 750 triệu đồng từ các doanh nghiệp, chưa kể  một số đơn vị sẽ hỗ trợ bằng cách đăng ký tổ chức sự kiện, tự trang trải kinh phí… Đặc biệt, Công ty xây dựng 586 (đã ký tài trợ 500 triệu đồng) có thể sẽ nâng mức tài trợ lên 2 tỷ đồng để trở thành nhà tài trợ chính. MC 2008 cần sức mạnh của cả cộng đồng để nhân lên những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, ẩm thực…vốn phong phú, đa dạng của vùng đất phương Nam còn nhiều huyền bí này.

Nhân đây, qua báo ĐTTC, Ban tổ chức cũng kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hãy dành tình cảm cho đồng bằng. Thương hiệu, quyền lợi của doanh nghiệp, các nhà tài trợ nhất định sẽ được nâng cao, thị trường sẽ được mở rộng qua việc tham gia sự kiện du lịch lớn mang tầm Quốc gia này. Với quyết tâm chung, tôi nghĩ cuộc vận động sẽ có kết quả khả quan.

- Xin cám ơn ông.

Vũ Thống Nhất (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục