Thăm thành nhà Hồ

Từ thành phố Thanh Hóa, theo đường quốc lộ 45 ngược lên phía Bắc, rồi lại ngược con đường Thiên Lý xưa kia độ 2km là chúng ta đã đến thành Tây Đô hay còn gọi là Thành An Tôn, thành Tây Giai, thành Nhà Hồ thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.
Thăm thành nhà Hồ

Từ thành phố Thanh Hóa, theo đường quốc lộ 45 ngược lên phía Bắc, rồi lại ngược con đường Thiên Lý xưa kia độ 2km là chúng ta đã đến thành Tây Đô hay còn gọi là Thành An Tôn, thành Tây Giai, thành Nhà Hồ thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

Thăm thành nhà Hồ ảnh 1

Thành Tây Đô (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Ảnh: M.Anh

Thành do Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397, đời vua Trần Thuận Tông (1388-1398). Sử cũ cho biết, thành được xây dựng trong thời gian 3 tháng.

Dựng thành xong, Hồ Quý Ly tiến hành một cuộc thiên đô từ Thăng Long vào và đầu năm sau lại bức Trần Thuận Tông nhường ngôi cho Hoàng Thái Tử Án, đồng thời đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ nhất.

 Từ đây thành Nhà Hồ chính thức được coi là Kinh đô của đất nước và được gọi là Tây Đô. Trong lúc triều Trần suy vong, Hồ Quý Ly lên thay, lập ra một vương triều mới - Triều Hồ (1400-1407) đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Cùng năm đó, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương và mình làm Thái Thượng Hoàng cùng coi triều chính.

Thành Tây Đô được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, hai mặt Nam và Bắc dài hơn 900m, Đông và Tây dài hơn 700m và tường thành bao quanh. Thành hiện có độ cao trung bình từ 7m đến 8m, các cổng thành còn khá nguyên vẹn, riêng cửa nam cao tới 10m. Thành nhà Hồ là bằng chứng về sức lao động và tài năng của nhân dân ta, là công trình mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa to lớn.

Nét đặc sắc của tường thành này là phần xây đá bên ngoài, còn bên trong chủ yếu là đắp đất. Mặt ngoài thành được gia cố bằng những tảng đá xanh đẽo vuông vức, công phu ít nhất có từ 4 đến 5 mặt phẳng. Nhiều phiến rất to ở cửa Tây dài tới 5,1m; rộng 1,59m; cao 1,30m, được xếp chồng lên nhau thành hình chữ “công”, không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững qua hơn 600 năm trường tồn.

Thăm thành nhà Hồ ảnh 2

Một điệu múa thuyền Rồng tại lễ hội đền thờ Trần Khắc Chân.

Cho đến nay, công trường cung cấp đá cho việc xây dựng thành Tây Đô và cả việc chuyên chở vật liệu đang là đề tài bàn bạc. Gần đây, những hộ dân sống ở vùng này còn phát hiện được những viên bi đá. Đá lấy từ nhiều nơi khác, chuyên chở bằng đường sông, đường bộ, bằng các loại xe lớn có một bánh gỗ, bằng voi kéo, hoặc dùng những viên bi đá cho khối đá khổng lồ trượt lên trên.

Sự vĩ đại của thành Tây Đô không chỉ là những tường thành được ghép bởi vô số các khối đá khổng lồ mà còn được bao bọc bởi con hào vừa rộng, vừa sâu bao quanh bốn mặt bên ngoài tường thành có cắm chông.

Thành Tây Đô, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, công trình kiến trúc vững chắc, đồ sộ, độc đáo, đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa. Vẫn còn những bí ẩn cần tiếp tục được nghiên cứu, khám phá và đầu tư thỏa đáng cho công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, phát huy giá trị của di tích để nơi đây luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. 

Hiện nay chưa có tour đến thăm thành nhà Hồ. Tuy nhiên, nếu thích bạn có thể đặt hàng các công ty du lịch thiết kế tour theo yêu cầu.

Một số công ty du lịch chuyên thiết kế tour theo yêu cầu là: Công ty DL Hoàn Mỹ (ĐT: 8390413), DL Thế Hệ Trẻ (ĐT: 8422432), Fiditourist (ĐT: 9141414), Saigontourist (ĐT: 8303029), Sasco Travel (ĐT: 8487142).

ANH LUẬN

Tin cùng chuyên mục