Đà Lạt có còn hấp dẫn du khách?

Dịp lễ 2-9 năm nay, lần đầu tiên trong nhiều năm qua Đà Lạt đã vắng du khách. Thời điểm của năm 2006 nhiều người chạy đôn chạy đáo nhưng cả phố núi đều không còn phòng. Ngược lại, năm nay nhiều nhà nghỉ, khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngũ Lão và cả khu vực trung tâm Hòa Bình vẫn còn treo biển báo còn phòng. Các điểm du lịch khá hấp dẫn trước đây như Vườn hoa thành phố, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở cũng chung tình cảnh này.
Đà Lạt có còn hấp dẫn du khách?

Dịp lễ 2-9 năm nay, lần đầu tiên trong nhiều năm qua Đà Lạt đã vắng du khách. Thời điểm của năm 2006 nhiều người chạy đôn chạy đáo nhưng cả phố núi đều không còn phòng. Ngược lại, năm nay nhiều nhà nghỉ, khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngũ Lão và cả khu vực trung tâm Hòa Bình vẫn còn treo biển báo còn phòng. Các điểm du lịch khá hấp dẫn trước đây như Vườn hoa thành phố, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở cũng chung tình cảnh này.

Đà Lạt có còn hấp dẫn du khách? ảnh 1

Đến chiều ngày 1-9-2007, nhiều KS trên đường Bùi Thị Xuân vẫn đang đợi khách.

Lý giải nguyên nhân vắng khách, một cán bộ ngành du lịch Đà Lạt cho rằng: “Vì năm nay chỉ có 3 ngày nghỉ nên khách không chọn tour Đà Lạt”. Trong khi đó, các nhà thiết kế tour chuyên nghiệp thì lại cho rằng thời gian 3 ngày 2 đêm là một tour lý tưởng dành cho khách tham quan Đà Lạt. Nhiều người cho rằng năm nay các tour Phú Quốc, Côn Đảo, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu vẫn bị “cháy” trong khi khách du lịch gần như không mấy mặn mà với tour Đà Lạt…

Vậy điều gì khiến du khách không chọn tour Đà Lạt? Câu hỏi này chỉ có ngành chức năng và những người làm du lịch của thành phố hoa mới có câu trả lời thỏa đáng. Trước đây, không ít lần du khách đến Đà Lạt đã từng nhận xét: “Đà Lạt làm giàu là nhờ bán dần rừng thông và không khí”. Nhưng rồi “rừng xưa nay đã khép” nhiều, khí hậu giờ cũng thay đổi...

 Rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho công trình xây dựng, oái ăm thay nhiều người tìm đủ mọi cách để chặt hạ rừng thông sau đó dựng lên vài thanh đá cảnh và trồng lại ít gốc cổ thụ nửa vời thế là có thể treo bảng hiệu “khu du lịch sinh thái”, trong khi Lâm Đồng vẫn chưa xây dựng được bản đồ các khu sinh thái rừng? Chưa hết, Đà Lạt vốn được mệnh danh là thành phố hoa nhưng thực chất hoa được trồng trên phố còn ít hơn so với TPHCM, Vũng Tàu và một số thành phố khác.

Có thể sẽ khiên cưỡng khi có người cho rằng Đà Lạt làm du lịch theo kiểu kinh doanh “đúng hẹn lại lên” nhưng thực chất là vậy. Từ năm 2000 đến nay, để phá thế độc đạo của Đà Lạt, chính quyền 2 tỉnh Lâm Đồng - Khánh Hòa cùng xây dựng tuyến đường 723, mở ra nhiều triển vọng cho việc phát triển kinh tế, du lịch của 2 địa phương. Tuy nhiên, tuyến giao thông 723 chưa phát huy hiệu quả thì quốc lộ 20 - tuyến giao thông huyết mạch nối TPHCM - Đà Lạt, đã xuống cấp, chỉ có 300km đường nhưng phải mất hơn 6 giờ chạy xe, điều này làm cho du khách ngán, ngại mỗi khi muốn lên Đà Lạt.

Về sản phẩm du lịch, địa phương mới chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lưu trú mà chưa đầu tư cho các dịch vụ vui chơi giải trí để “níu” chân du khách. Quanh đi quẩn lại trừ một vài điểm du lịch được cho là mới như đồi Mộng Mơ, thung lũng Vàng, cáp treo Tuyền Lâm, máng trượt Datanla còn lại trong những năm qua cũng chỉ là du lịch thác và dinh (Dinh Bảo Đại), trong khi đó điểm vui chơi giải trí về đêm cho thanh thiếu niên và người già thì dù đốt đuốc đi tìm cũng không có. Chợ Âm Phủ, một nét riêng về đêm của phố núi, từng để lại ấn tượng khá riêng trong lòng du khách, cũng đã bị dẹp bỏ chỉ vì... không quản lý được trật tự!

Một trong những công trình được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam là “phố đi bộ Đà Lạt”, sau hơn 2 năm khai trương vẫn đơn giản chỉ là “phố cấm xe” vào các tối cuối tuần. Du khách vào phố đi bộ chỉ có duy nhất một hình thức giải trí là ngồi quán cà phê hoặc ghé các quầy hàng lưu niệm để mua những món quà mà có thể mua ở bất cứ cửa hàng lưu niệm nào ở các đô thị khác nhưng với những cái giá chẳng hề...lưu niệm chút nào!

Chuyện đa dạng hóa sản phẩm du lịch và cả đặc trưng  hóa du lịch phố núi đã được đặt lên khá nhiều diễn đàn để tìm cách thay đổi, cải thiện. Nhiều lễ hội hoành tráng và tốn kém cũng đã được tổ chức tại phố núi với mục đích quảng bá cho xứ hoa để thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thành quả đưa lại thì còn quá khiêm tốn so với ưu thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố du lịch này mà mùa lễ vắng khách năm nay chỉ là một biểu hiện nhỏ của sự sa sút về thương hiệu, sự “tụt hạng” của Đà Lạt so với các điểm du lịch khác nằm trong tam giác du lịch của khu vực! Có lẽ đã đến lúc những người làm du lịch tại Đà Lạt không thể thờ ơ trước những diễn biến vốn chẳng lấy gì làm vui của xứ sương mù.

Võ Đình

Tin cùng chuyên mục