Đừng để người tâm thần khiến xã hội loạn thần

Các khu dân cư trên cả nước có rất nhiều người bệnh tâm thần sống chung với mọi người trong cộng đồng. Do mất nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình, đôi khi người bệnh tâm thần có thể thực hiện các hành vi như tấn công gây nguy hiểm tính mạng người khác, gây mất trật tự, cản trở giao thông, đốt nhà... Đó là chưa kể đến nhóm loạn thần liên quan tới chất kích thích ngày càng tăng cao ở người trẻ, cũng có thể gây ra nhiều mối nguy hiểm cho xã hội.

Mới đây, tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, một người bệnh tâm thần điều khiển xe bán tải lưu thông trên quốc lộ 51, tông vào nhiều xe máy, lại còn dùng rìu tấn công người đi đường, khi bị truy đuổi thì lái xe ép xe mô tô cảnh sát giao thông vào cải phân cách, khiến một đại úy tử vong. Tại huyện Bình Chánh (TPHCM) một người bệnh tâm thần dùng dao sát hại mẹ ruột và tấn công những người hàng xóm. Tại quận 5 (TPHCM), có người bệnh tâm thần đi xe máy dùng vật nhọn đâm 10 người đi đường. Tại quận Phú Nhuận và quận Tân Bình (TPHCM) cũng đã từng có một người bệnh tâm thần điều khiển xe máy dùng búa đập vào đầu người đi đường. Năm trước còn có trường hợp người bệnh tâm thần trèo tường đột nhập sân bay Vinh (tỉnh Nghệ An) rồi vượt qua nhiều hàng rào an ninh khác, đi xuyên qua sân đỗ máy bay để trèo lên cầu thang vào máy bay. May mà tiếp viên phát hiện ra, nếu không thì tai họa khó lường...

Chuyện người bệnh tâm thần gây trọng án cũng đã xảy ra nhiều trong thời gian qua. Tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), một người bệnh tâm thần đã giết chết mẹ ruột và bà ngoại. Tại huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa), một người bệnh tâm thần đã giết chết mẹ ruột và vợ. Tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), một người bệnh tâm thần đã chém chết bà ngoại, cha, mẹ và chị họ. Tại huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định), một người bệnh tâm thần đánh chết cha ruột, vợ và con trai. Tại huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu), một người bệnh tâm thần đã chém những người hàng xóm khiến 3 người chết và 9 người bị thương. Tại huyện Hóc Môn (TPHCM), một người bệnh tâm thần dùng cây gỗ đập một công an viên tử vong. Tại thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), một người bệnh tâm thần dùng súng hơi bắn một bé gái tử vong...

Những vụ việc nêu trên thực sự là hiểm họa cho cộng đồng. Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do vậy, vấn đề đặt ra là quản lý thế nào để hạn chế tình trạng người bệnh tâm thần gây hậu quả nghiêm trọng. Trước hết là gia đình của người bệnh tâm thần cần quan tâm chăm sóc, điều trị và cảnh giác không để người bệnh tâm thần có hành vi gây nguy hiểm; thường xuyên đưa người bệnh đi khám bệnh để kịp thời giúp giảm triệu chứng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp quá sức của gia đình, vì thiếu kiến thức chăm sóc điều trị hoặc không đủ tiền đưa người bệnh tâm thần đi tập trung điều trị.

Theo quy định, những người tâm thần được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH để điều trị bệnh tâm thần miễn phí phải là người không còn thân nhân, không nơi nương tựa. Trong khi đó, những người tâm thần không còn thân nhân, không nơi nương tựa thì thường là người đi lang thang, không thuộc đơn vị hành chính nào, nên chẳng ai có trách nhiệm đưa họ vào trung tâm chữa trị, và cũng phải có đợt tập trung với sự phối hợp của nhiều ngành thì mới được tiếp nhận. Một lo ngại khác, ở nhiều tỉnh - thành hiện thiếu cán bộ chuyên ngành tâm thần, chưa có trung tâm chăm sóc người bệnh..., nên chưa thực hiện chu đáo việc hướng dẫn, chăm sóc, kiểm tra, quản lý người bệnh tâm thần trên địa bàn.

Trước thực trạng trên, chính quyền, công an và trạm y tế địa phương cần quan tâm sâu sát những trường hợp người bệnh tâm thần sống trong khu dân cư, kịp thời tư vấn và có biện pháp hỗ trợ đối với người bệnh tâm thần không được người thân chăm sóc chu đáo. Các cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để người bệnh được cấp cứu, khám chữa bệnh khi cần thiết. Mặt khác, cũng cần kiểm soát chặt chẽ công tác giám định pháp y tâm thần để phòng ngừa việc cán bộ ngành y bán rẻ lương tâm, vi phạm nghiêm trọng y đức, lập bệnh án giả với kết luận tâm thần, tiếp tay, tạo điều kiện cho tội phạm chạy tội, gây hiểm họa cho xã hội.

Tin cùng chuyên mục