NSƯT, soạn giả Viễn Châu – danh cầm Bảy Bá: Hơn 70 năm tay viết, tay đàn…

Ngày 21-10 vừa qua, người được mệnh danh là “Vua vọng cổ” – NSƯT, soạn giả Viễn Châu, tức danh cầm Bảy Bá, đúng 87 tuổi. Với 87 tuổi đời, ông đã có hơn 70 năm tay viết, tay đàn, sáng tác trên 2.000 bản vọng cổ và 50 kịch bản cải lương. Đặc biệt, ông là người sáng lập ra trường phái vọng cổ hài và tân cổ giao duyên, đã góp phần làm phong phú, hấp dẫn thêm cho nghệ thuật cải lương. Đồng thời với ngón đàn điệu nghệ, sáng tác tài hoa, ông đã đưa nhiều giọng ca trong làng cổ nhạc lên hàng ngôi sao.
NSƯT, soạn giả Viễn Châu – danh cầm Bảy Bá: Hơn 70 năm tay viết, tay đàn…

Ngày 21-10 vừa qua, người được mệnh danh là “Vua vọng cổ” – NSƯT, soạn giả Viễn Châu, tức danh cầm Bảy Bá, đúng 87 tuổi. Với 87 tuổi đời, ông đã có hơn 70 năm tay viết, tay đàn, sáng tác trên 2.000 bản vọng cổ và 50 kịch bản cải lương. Đặc biệt, ông là người sáng lập ra trường phái vọng cổ hài và tân cổ giao duyên, đã góp phần làm phong phú, hấp dẫn thêm cho nghệ thuật cải lương. Đồng thời với ngón đàn điệu nghệ, sáng tác tài hoa, ông đã đưa nhiều giọng ca trong làng cổ nhạc lên hàng ngôi sao.

  • Chuyện nghề... để nhớ!

Một sáng cuối tuần, chúng tôi đến nhà NSƯT Viễn Châu ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, Q1. Ông bảo: “Trò chuyện chắc lâu, đi lên phòng làm việc của tôi cho yên tĩnh, gian phòng có hơi bừa bộn một chút, tôi để đủ thứ tài liệu, hễ khi sáng tác, nếu cần đến là có ngay…”.

Mặc dù ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” và đang mang trong người nhiều chứng bệnh, như hai câu thơ ông tự họa: “Đầu nặng, tay run, chân khập khiễng/Lưng đau, cổ nhức, mắt lem nhem”, thế nhưng giọng nói của ông vẫn thanh trong, đầu óc rất minh mẫn và nhờ tài sáng tác nên vẫn đắt hàng.

Nhắc về những kỷ niệm khi viết vọng cổ, ông hào hứng kể: “Năm 1961, nghệ sĩ Út Trà Ôn đang là giọng ca hay của Hãng đĩa Hoành Sơn. Khi Hãng đĩa Hồng Hoa mời về cộng tác, ông giám đốc muốn tôi viết một bài thật hay để giới thiệu giọng ca này. Tôi cứ suy nghĩ, với một giọng ca hay như vậy, mình phải viết làm sao cho thật hay mới được. Một hai hôm sau, tình cờ trong một chuyến đi Bạc Liêu thăm bà con, về ngang Ngã Bảy Phụng Hiệp, tôi dừng chân ở một quán cà phê ven đường.

Tôi ngó qua bên đường thấy một anh bán chiếu còn rất trẻ, dáng vẻ quê mùa và hiền lành, đang dựng bao chiếu dưới gốc cây ngồi nghỉ mát. Rồi tôi ngó tuốt trong đồng thấy một đám cưới với những sắc hoa rực rỡ. Ngồi uống cà phê, tôi mới nghĩ ra một chuyện tình của anh bán chiếu trẻ với cô gái... Sau đó, lên xe hơi về lại Sài Gòn, tôi đã soạn xong những ý chính của bài vọng cổ Tình anh bán chiếu dành cho Út Trà Ôn ca.

Có 2 kỷ niệm này nữa cũng rất vui. Trong đời sáng tác, tôi có 2 bài hát viết chưa ráo mực đã được thu đĩa. Vào khoảng năm 1964, khi Hữu Phước đi gánh Thanh Minh ở các tỉnh miền Trung, về Sài Gòn, đến Hãng đĩa Hồng Hoa chơi, tình cờ lúc đó tôi cũng vô hãng đĩa chơi, vậy là giám đốc Hồng Hoa kêu: “Anh Bảy, có bài vọng cổ nào không, đưa cho Hữu Phước ca, thu đĩa liền!”.

Lúc đó đi chơi mà bài hát lấy đâu ra, với lại viết bài nào thì thu đĩa hết bài đó, còn đâu. Vậy là Hồng Hoa kêu tôi: “Ông viết đi, thu đĩa liền”. Thấy vậy, tôi nói: “Thôi được rồi, tôi viết liền”. Còn ông Hồng Hoa cho người đi chở nhạc sĩ Văn Vĩ, Năm Cơ – 2 người đờn cổ nhạc và một chuyên viên âm thanh lại.

Khi các danh cầm, chuyên viên âm thanh đến thì tôi đã viết xong 3 câu vọng cổ của bài Nhớ mẹ, Hữu Phước lấy vô phòng thu. Khi thu xong 3 câu đầu, Hữu Phước trở ra hỏi “Còn 3 câu sau đâu?” thì tôi cũng đã viết xong 3 câu vọng cổ còn lại. Vậy là Nhớ mẹ ra đời và nổi tiếng cho đến giờ.

Rồi cũng năm đó, nghệ sĩ Thanh Nhàn đi gánh Kim Chung, gặp tôi ở Hãng đĩa Hồng Hoa, ông Hồng Hoa cũng kêu tôi viết liền. Lần trước với bài Nhớ mẹ, cảm hứng tới liền, viết rất nhanh. Còn bây giờ, viết cái gì đây? Lúc đó, tôi đang ngồi ở bàn ăn của công nhân hãng đĩa, bỗng có một anh đầu bếp đi chợ mua một thúng đồ ăn về tới, trong đó có đựng mấy trái khổ qua, vậy là tôi đặt bút viết Trái khổ qua. Tôi không ngờ bài hát này tồn tại đến giờ”.   

  • Trăn trở cùng cải lương

° Trong số hơn 2.000 bản vọng cổ, giới mộ điệu được thưởng thức không ít bản vọng cổ hài khá sinh động, dí dỏm của ông, nhưng dường như lâu rồi ông không viết vọng cổ hài nữa. Vậy phải chăng những bản vọng cổ hài mà ông viết trước đây đã quá hay rồi nên sau này ông ngại viết, hay sân khấu cải lương hiện nay đang thiếu những giọng ca hài khiến ông không còn “mặn mà” với vọng cổ hài?

° Sau này, hầu như tôi rất hiếm khi viết vọng cổ hài, bởi những bản vọng cổ hài trước đây khá nổi tiếng, không chỉ riêng tôi mà nhiều nghệ sĩ và khán giả mộ điệu rất yêu thích. Đó là điều tôi rất vui mừng, hạnh phúc, nhưng lại là một áp lực, đòi hỏi tôi khi đặt bút viết những bản vọng cổ hài mới phải làm sao hay hơn. Tuy vậy, nếu nhìn lại sân khấu cải lương hôm nay, giọng ca hài nào có còn mấy ai? Nếu viết ra vọng cổ hài, ai sẽ ca đây? Đó là một thực tế đáng buồn.

° Trong tình hình cải lương hiện nay, nhiều người cho rằng khán giả không hề quay lưng với cải lương, chỉ có điều cải lương đang thiếu một cái gì đó để hấp dẫn khán giả. Là một người gắn bó hơn 70 năm với cải lương, sáng tạo nhiều trường phái vọng cổ, tạo sự mới mẻ, sức hút khán giả, ông nhận xét thế nào về sân khấu cải lương hôm nay?

° Tôi nghĩ thế này, ngày xưa ở Sài Gòn có hàng chục rạp hát, các đoàn hát có thể luân phiên biểu diễn. Những người có tiền, thường bỏ tiền ra cho các đào kép lập gánh hát và ký hợp đồng với các đào kép hẳn hòi, nếu hát đoàn này thì không được hát cho đoàn khác. Còn bây giờ, cả một thành phố rộng lớn thế này, chỉ còn một rạp hát Hưng Đạo dành cho cải lương, việc sáng đèn cũng không được thường xuyên, chỉ tập trung vào những ngày cuối tuần.

Lâu nay, ai cũng nói cải lương xuống dốc, cần phải vực dậy cải lương, tôi suy nghĩ: cải lương muốn vững vàng, cần có nhiều yếu tố. Trước hết là đoàn hát, kế đến là bầu gánh hát, rồi đào kép hát và cuối cùng là tuồng hát. Bốn cái này luôn tồn tại, cải lương mới vững. Hồi xưa có tiền là làm bầu gánh hát được, đào kép luôn sẵn sàng tập trung “lúa thóc đâu, bồ câu đó”. Nhưng bây giờ, những người có tiền không ai dám làm bầu gánh, bởi kêu đào kép rất khó. Các đào kép hát trước đây, khi được các đoàn hát mời về ký hợp đồng đều có trình độ, giọng ca ngang nhau, làm việc quen hơi, bén tiếng, đóng cụp với nhau. Còn bây giờ, cứ mời đại, không có người này thì mời người khác, không ngang tài ngang sức cũng được.

Có một điều mà tôi cứ trăn trở, trước đây, tuy không có trường lớp, nhưng tại sao cải lương lại hay vậy? Hồi trước, gánh hát giống như một đại gia đình với nhau. Một khi đã vào đoàn, hát chung với nhau thì anh chỉ cho em, bàn bạc, góp ý, thương yêu lẫn nhau. Ai hát chưa hay, còn thiếu điều gì thì được các thành viên chỉ dạy, chỉnh sửa cho hay, thậm chí có lúc gây nhau, xong rồi thôi, vui vẻ làm việc, không giận nhau. Cho nên ngày qua ngày, cái nghề tiến triển hơn, giỏi lên lúc nào không hay. Còn bây giờ, không ai dám nói ai, sao cũng được, có dở cũng kệ, chứ nếu nói là sanh chuyện (?!). Tôi nhận thấy cải lương đang thiếu cái tình với nhau thì phải

ĐỖ HẠNH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục