Hậu quả khó lường

Tàu cánh ngầm Vina Express đang lưu thông bất ngờ bốc cháy khiến hơn 80 hành khách hoảng loạn lao xuống sông đã gióng lên hồi chuông báo động về độ an toàn của loại phương tiện này. Trước đây, loại phương tiện vận tải hành khách bằng tàu cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu và ngược lại thường xuyên xảy ra hàng loạt sự cố như chết máy, mắc cạn, đâm vào tàu khác, gây ra nhiều vụ tai nạn làm chết người.

Tàu cánh ngầm Vina Express đang lưu thông bất ngờ bốc cháy khiến hơn 80 hành khách hoảng loạn lao xuống sông đã gióng lên hồi chuông báo động về độ an toàn của loại phương tiện này. Trước đây, loại phương tiện vận tải hành khách bằng tàu cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu và ngược lại thường xuyên xảy ra hàng loạt sự cố như chết máy, mắc cạn, đâm vào tàu khác, gây ra nhiều vụ tai nạn làm chết người.

Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, hiện có 3 công ty tham gia khai thác vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm trên tuyến TPHCM - Vũng Tàu, gồm: hãng Greenlines, Vina Express và Petro Express, hàng năm vận chuyển khoảng trên 1 triệu lượt hành khách từ TPHCM đi Vũng Tàu và ngược lại. Hầu hết các tàu đang hoạt động trên tuyến này đều có tuổi thọ trên 20 năm nên máy móc, vỏ tàu xuống cấp trầm trọng, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Lực lượng Thanh tra giao thông, Cảng vụ đường thủy nội địa thường xuyên kiểm tra và đã phát hiện nhiều bất cập nhưng vượt quá thẩm quyền xử lý. Các đơn vị trên đã có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị xem xét siết chặt quản lý hơn đối với tàu cánh ngầm như: rút ngắn thời gian đăng kiểm, ban hành quy định thời gian hoạt động vận tải hành khách cho các tàu này. Thế nhưng, kiến nghị vẫn chỉ là… kiến nghị. Cứ thế, đến hẹn kiểm định các tàu cánh ngầm đều được đem đi kiểm định và đều đạt yêu cầu, được phép sử dụng (!?).

Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TPHCM) đã từng thừa nhận, tàu cánh ngầm hoạt động tuyến TPHCM - Vũng Tàu và ngược lại vẫn còn một số hạn chế như máy móc cũ thường bị hư hỏng, chở hành khách vượt quy định tải trọng cho phép... Thế nhưng, Sở GTVT TPHCM chỉ kiểm tra về số lượng hành khách, áo phao, bằng cấp của lái tàu và một số quy định bề ngoài của vỏ tàu. Còn về độ an toàn của máy tàu thuộc về các cơ quan quản lý của Cảng vụ Hàng hải. Cơ quan đăng kiểm cho rằng, họ đã thực hiện công tác đăng kiểm đúng theo quy định của ngành. Nhưng đăng kiểm chỉ kiểm tra hàng năm, còn giữa các kỳ thì chủ tàu phải có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng để máy móc hoạt động bình thường.

Điều đáng lo ngại hơn là từ trước đến nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng, khả năng khai thác tối đa đối với tàu cánh ngầm; các tiêu chí kiểm định lạc hậu, không phù hợp thực tế nên những chiếc tàu cũ kỹ, được sử dụng hàng chục năm hiện vẫn còn hoạt động chính thức, bất chấp dư luận đã rất nhiều lần cảnh báo. Điều này cho thấy việc kiểm tra, kiểm định tàu cánh ngầm hiện nay đang thực hiện cho có lệ, còn hậu quả khi tai nạn xảy ra thì hành khách lãnh đủ.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục