Học để thành một công dân chính trực

Gia đình chị A. và anh S. ở Melbourne, Australia đang rất vui, vì T.U., con gái anh chị, vừa giành Huy chương Hướng đạo toàn Australia (Australian Scout Medallion) lứa tuổi 11 - 14. 
Lễ trao Huy chương Hướng đạo toàn Australia cho T.U.
Lễ trao Huy chương Hướng đạo toàn Australia cho T.U.

Niềm vui không phải là từ tờ chứng nhận hay tấm huy chương, mà là việc cô bé U. đã kiên trì và can đảm tham gia rất nhiều hoạt động huấn luyện các kỹ năng khó khăn suốt 7 năm qua. Từ cô bé nhút nhát ngày nào giờ  U. đã trở thành một cô gái khỏe mạnh, tự tin, vui vẻ.

U. bắt đầu tham gia hướng đạo năm 2012, ở lứa tuổi Cubs (Sói con), dành cho các bé từ  7 - 10 tuổi rưỡi. Ba mẹ cho U. tham gia để học các kỹ năng thể chất và tinh thần, một phần vì mong con khỏe mạnh và một phần cũng hy vọng có thể thay đổi chút gì ở cô bé vốn còn rất nhát, sợ nói chuyện với các bạn, với người lớn và người lạ. “Lúc U. bắt đầu tham gia, chúng tôi cũng rất lo lắng, đó là tâm trạng chung của tất cả các phụ huynh”, anh S., ba của U. cho biết.

Sau hơn 3 năm tham gia, U. tiếp tục tham gia hướng đạo ở lứa tuổi 11 - 14. Ở mỗi cấp độ, U. và các bạn được học rất nhiều kỹ năng: Về thể chất, các em phải biết lên kế hoạch tổ chức, thực hiện một buổi cắm trại hoặc đi bộ trong rừng cho 4 người trở lên, bơi thuyền, cứu hộ dưới nước và trên bờ, cách cắm lều, các quy tắc về phòng cháy chữa cháy khi ở ngoài thiên nhiên, kỹ năng an toàn và kỹ năng sinh tồn, những lưu ý khi bị lạc, bị tách khỏi đoàn, bị sốc nhiệt hay khát, bơi trong môi trường lạ, không biết địa hình...

Về lĩnh vực trách nhiệm công dân, các em phải tuân thủ những nội quy của hướng đạo, biết cứu thương - cấp cứu, kiểm tra hệ tuần hoàn, giữ người bị thương ở đúng vị trí, trị rắn cắn, nhện cắn, băng bó vết thương...

Trẻ em cũng phải tham gia các sinh hoạt cộng đồng, có kiến thức về di sản, tìm ra các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, giải trí ở địa phương phù hợp với lứa tuổi; thăm các tổ chức cộng đồng  như nhà dưỡng lão, đài phát thanh truyền hình địa phương...

Khi đạt được hết tất cả các yêu cầu của cấp độ Khăn xanh, một hướng đạo sinh có thể trở thành người công dân độc lập, tự tin và chính trực. Nhưng để nhận Huy chương Hướng đạo toàn Australia như U., cô bé còn phải lựa để được huấn luyện thêm 6 trong số 19 kỹ năng bổ sung. Chẳng hạn về kỹ năng truyền thông, Uyên chọn học kỹ năng nói chuyện bằng tay với người câm điếc; về kỹ năng thủ công, cô bé học trang trí bánh kem; về kỹ năng công nghệ thông tin, cô bé học viết coding; về âm nhạc, cô bé học chơi dương cầm; và về kỹ năng hoạt động ngoài trời, cô bé học lái cano...

U. nhớ nhất chuyến cắm trại hai tuần mang tên Jamboree ở Sydney. Cô bé cùng khoảng 12.000 bạn trẻ ở khắp nước Australia cùng tới cắm trại, gặp gỡ nhau, học cách sống xa nhà và không có bố, mẹ để giúp. “Sau chuyến đi đó con học được rất nhiều điều mới và thêm rất nhiều bạn ở Australia, Anh và New Zealand”, U. cho biết. Ở khu vực U. sống cũng có người Việt tham gia hướng đạo, những  khu vực khác ở Melbourne như Footscray, Sunshine và Springvale có rất nhiều nhóm dành riêng cho người Việt.

“Chỉ một năm sau khi tham gia hướng đạo, con trở nên mạnh dạn và tự tin hơn nhiều” - cô bé có gương mặt rám nắng tươi sáng và nụ cười rất thân thiện tự mình tiết lộ thế. “Tham gia hướng đạo, được va chạm với rất nhiều tình huống mà bình thường sẽ không có cơ hội. Con cũng gặp được rất nhiều bạn ở khắp nơi”, cô bé kể.

Có một điều thú vị là anh S., lúc đầu đi cùng con với tư cách là phụ huynh trợ giúp, nhưng sau đó anh cũng bị thuyết phục và tham gia huấn luyện các kỹ năng để trở thành một huynh trưởng, rất say sưa cùng con học các hoạt động. Còn U. thì rất thích khi hai ba con đi cắm trại cùng nhau, cùng thảo luận về các buổi huấn luyện. Cô bé còn được biết những “chuyện hậu trường” bận rộn mà các huynh trưởng phải làm trước khi dạy bọn trẻ.

Tin cùng chuyên mục