Không thể nóng vội

Những ngày qua, một trong vấn đề nóng mà dư luận đang đặc biệt quan tâm là thông tin về việc có thể thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên.
Đây là đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ với Chính phủ, dù mới chỉ là đề xuất tại một cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. 

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên; muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được “đột phá” cho quá trình đổi mới giáo dục. Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên. Vấn đề sâu xa đang giải quyết là thu nhập, môi trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng. Xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của người giáo viên được thể hiện qua thu nhập - là việc cần phải làm.

Với quan điểm này, khá nhiều người đồng tình, trong đó có cả các ĐBQH, nhiều người trong ngành giáo dục cũng như ngoài ngành. ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tin tưởng nếu đổi mới, học sinh được lựa chọn người thầy giảng dạy mà các em yêu thích. Điều này quyết định quan trọng đến sự hứng khởi của học sinh. Giá trị thứ hai là bản thân nhà trường và xã hội có cơ hội lựa chọn những người giỏi nhất để sử dụng. Và thứ ba là thay đổi này tốt cho giáo viên vì họ sẽ có cơ hội phấn đấu vươn lên, nếu giỏi sẽ được vào những trường tốt hơn, ở vị trí tốt hơn. Thế nhưng, đối lập lại, cũng có rất nhiều ý kiến phản đối, lo lắng, cho rằng sẽ lại có thêm một đổi mới gây bất ổn cho ngành giáo dục. Lo vì giáo dục là một ngành đặc thù, đặc biệt quan trọng, nghề giáo viên với vị trí xã hội đặc biệt của nó sẽ trở lên vô cùng nhạy cảm khi đặt trong mối quan hệ nhà trường như một doanh nghiệp, khi hiệu trưởng là một ông chủ còn giáo viên như một người làm công. Giáo viên sẽ bị cảm giác hụt hẫng, lo âu khi làm việc và nếu bị cắt hợp đồng, họ sẽ khó khăn khi đối mặt với học trò, với phụ huynh. Không thể đẩy người giáo viên vào tình cảnh bị mất việc chỗ này, đi xin việc chỗ kia. Ngoài ra, xã hội cũng lo lắng, nếu để quyền lực tuyển dụng nằm trong tay hiệu trưởng mà không có cơ chế kiểm soát tốt thì xảy ra hậu quả khôn lường. Ai sẽ đảm bảo ở đó không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân? Ai bảo đảm việc đánh giá giáo viên là chính xác, nên cuối cùng người chịu thiệt vẫn là học sinh. 

Những lo lắng đó là hoàn toàn dễ hiểu. Vì vậy, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, nếu thực hiện ký hợp đồng với giáo viên thì phải xác định rõ về chủ thể có quyền ký hợp đồng với các giáo viên là ai, cơ quan, tổ chức nào, quy trình thực hiện và cơ chế kiểm soát ra sao? Ngoài ra, cơ chế tiền lương và thu nhập cần tính toán rõ thực hiện theo hướng nào để đảm bảo một nguyên tắc là chỉ có thể tốt hơn chứ không thể làm ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên. 

Như vậy, phải tìm ra được cơ chế đánh giá phù hợp nhất, để làm sao đánh giá đúng giáo viên, từ đó quyết định ký hay cắt hợp đồng. Muốn thế, trong cơ chế đánh giá, học sinh, phụ huynh phải giữ vai trò quan trọng, bởi chính phụ huynh sẽ quyết định việc lựa chọn trường, lớp cho con. Tiếp đó còn có sự đánh giá giữa đồng nghiệp với nhau và cuối cùng mới đến người quản lý đánh giá. Người quản lý phải tổng hợp những đánh giá trên để đưa ra quyết định tiếp tục ký hợp đồng với ai, ai phải ra đi.

Đặc biệt, cần thấy là với cơ chế hiện nay, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được pháp luật trao rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng, quyết định về tài chính, nhân sự, điều hành hoạt động thường xuyên của đơn vị. Vậy nếu thực hiện chuyển chế độ viên chức theo hợp đồng làm việc sang chế độ hợp đồng thì cơ chế bổ nhiệm người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp trong hệ thống giáo dục cũng sẽ phải thay đổi. Cơ chế đánh giá giáo viên cũng phải được thực hiện đúng khi đánh giá người quản lý, hiệu trưởng. Nếu hiệu trưởng được quyền chọn giáo viên dựa trên ý kiến đánh giá của học sinh, phụ huynh, giáo viên thì vị trí của hiệu trưởng cũng phải được quyết định với kết quả đánh giá của tập thể giáo viên, học sinh, phụ huynh. Hiệu trưởng không hoàn thành nhiệm vụ cũng phải ra đi. Làm không tốt thì hiệu trưởng là người mất vị trí đầu tiên chứ không phải giáo viên… Nếu thực hiện được cơ chế đánh giá công bằng, minh bạch như thế thì xã hội sẽ không cần phải lo ngại chuyện giáo viên bấp bênh hay người tốt thì không được tồn tại.

Hiện đã có những bức tâm thư dưới với danh nghĩa các thầy cô giáo gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xuất hiện trên mạng. Rõ ràng, đây là vấn đề hệ trọng, sẽ tác động đến hàng triệu thầy cô giáo, tác động đến ngành giáo dục, do đó điều mà xã hội yêu cầu hiện nay là Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu thật kỹ. Trước mắt từng bước xin chủ trương thí điểm để có lộ trình phù hợp, tổng kết thực tiễn rồi mới đề xuất triển khai. Việc thí điểm cũng nên làm trước ở khối ĐH-CĐ và một số nơi có điều kiện thuận lợi của phổ thông, không thể nóng vội.

Tin cùng chuyên mục