Không xây dựng dịch vụ công trực tuyến theo kiểu hàn lâm, trên trời!

°Phóng viên:

“Tùy theo nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp mà các địa phương, sở ngành xây dựng các phần mềm dịch vụ công trực tuyến phù hợp, chứ không nên làm theo kiểu hàn lâm, trên trời”, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM Võ Thị Trung Trinh (ảnh) thẳng thắn khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP sau loạt bài Thách thức trong xây dựng chính quyền điện tử tại TPHCM, đăng trên Báo SGGP số ra ngày 7 và 8-3.   

°Phóng viên: Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, bà nhận diện đâu là nguyên nhân chính khiến người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến?

° Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH: Tôi có bài học kinh nghiệm về xây dựng phần mềm dịch vụ công trực tuyến khi còn làm việc ở Sở KH-ĐT TPHCM - một trong những đơn vị hiện dẫn đầu về lượng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến (đạt 50%-60%) nên tôi có thể lý giải vì sao người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến, như Báo SGGP phản ánh. Thứ nhất, chúng ta cần phải xem lại đối tượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến là ai? Đối với hộ kinh doanh cá thể như quán cà phê, tiệm tạp hóa… thì họ rất khó sử dụng máy tính nên vấn đề ở đây liên quan đến trình độ dân trí, phải công bằng nói với nhau như vậy. Kế đó là thói quen người dân. Người dân dù chữ viết có nguệch ngoạc, hoặc sai sót khi điền vào một mẫu thủ tục nào đó sẽ được cán bộ của phường, xã hướng dẫn lại nên cảm giác họ yên tâm khi đi làm trực tiếp. Chưa kể một số thủ tục liên quan đến nhà đất phải khảo sát thực địa, chuẩn bị bản vẽ… thì người dân không dễ dàng để thực hiện qua mạng hoàn toàn!

°Như vậy, việc công bố cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 tại các địa phương hiện nay chỉ là những con số đẹp để… báo cáo, thưa bà? Như lĩnh vực cấp phép xây dựng thì rõ ràng không thể nào thực hiện được qua mạng? 

°Thực tế này là đúng. Khi làm việc với các sở ngành, quận huyện tôi cũng đặt các vấn đề: Đầu tiên, thủ tục hành chính của anh đã tinh giản được đến mức độ làm được dịch vụ công trực tuyến chưa? Kế nữa là phụ thuộc vào một số phương tiện khác như scan giấy tờ, bản vẽ. Vậy ở khâu nào, phần nào khó thì mình tính phương án hỗ trợ người dân tại bộ phận một cửa liên thông ở quận, huyện, phường, xã để minh bạch vấn đề. Tôi nghĩ câu chuyện hỗ trợ người dân ở những công đoạn khó khi thực hiện thủ tục hành chính qua mạng đã đến lúc TPHCM phải bàn tính nghiêm túc. Còn không thì mình phải thẳng thắn nói với nhau, như với thủ tục đó, công đoạn nào chính quyền thực hiện được trực tuyến, công đoạn nào người dân phải thực hiện thủ công. Thật sự người dân không khó khăn gì, chỉ cần cơ quan quản lý nhà nước minh bạch thông tin.

Như vậy, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, theo tôi các quận, huyện cần tập trung vào nhóm dịch vụ công trực tuyến liên quan đến cá nhân hóa nhiều hơn như trích lục sổ hộ tịch, cung cấp thông tin cho người dân như thông tin về quy hoạch, đăng ký lao động…

°Nhưng thực tế, thưa bà, nhiều quận, huyện triển khai các dịch vụ trực tuyến khá đơn giản như đăng ký lao động, trích lục sổ hộ tịch… thì số người sử dụng cũng rất thấp, như quận 1 chỉ đạt khoảng 8% so với tỷ lệ người đi làm trực tiếp? Một câu chuyện nữa đặt ra ở đây là phải chăng chính quyền còn thụ động trong công tác tuyên truyền?

°Giải pháp tuyên truyền cũng cực kỳ quan trọng và đòi hỏi người dân cần tương tác với chính quyền cấp phường, xã nhiều hơn. Do vậy, phải xem công tác này phường, xã đã làm tốt chưa. Để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến yêu cầu thủ tục phải đơn giản hơn; rút ngắn thời gian so với thực hiện thủ tục bằng giấy, sắp tới, Sở Thông tin - Truyền thông sẽ tiến hành khảo sát một vài phường, xã để thí điểm trang bị máy tính và bố trí cán bộ hướng dẫn hỗ trợ người dân sử dụng máy vi tính, tra cứu thông tin, thao tác các dịch vụ công trực tuyến và tham mưu cho UBND TPHCM triển khai thực hiện thí điểm kế hoạch này.

°Qua ghi nhận thực tế, giao diện website các quận, huyện thiết kế khá cũ, lạc hậu, không bắt mắt, khó sử dụng. Phải chăng đây cũng là nguyên nhân dịch vụ công trực tuyến chưa hút người dân, doanh nghiệp?

°Đây cũng là vấn đề các địa phương kêu khó khi xây dựng phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Tôi cho rằng cái khó này hoàn toàn giải được. Đơn giản thôi khi làm phần mềm anh dựa trên nhu cầu của phòng đó với sự hiểu biết của cán bộ công nghệ thông tin đó hay anh dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp? Nếu như xuất phát từ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp thì anh phải xây dựng chương trình, phần mềm theo nhu cầu của họ bởi chính họ là người sử dụng chứ không phải cán bộ công chức. Hiện nay đã tiến đến xu thế xây dựng chính quyền điện tử phải theo hướng cá nhân hóa - nghĩa là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Khi nhận diện được đối tượng truy cập, sử dụng dịch vụ công là ai thì chắc chắn đơn vị quản lý, quận - huyện, phường - xã sẽ phải điều chỉnh phần mềm, giao diện website phù hợp. Phải tiến tới cách làm như vậy chứ không phải thực hiện theo kiểu hàn lâm, trên trời, phải để cho người dân tham gia góp ý hệ thống dịch vụ công theo đúng nghĩa là chăm sóc khách hàng, để hệ thống đảm bảo tính tiện ích, ngày càng hiện đại hơn.

VÂN ANH - VÕ LÊ (thực hiện)

>> Bài 2: Đi tìm công dân điện tử, cách nào?

>> Bài 1: Chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến

Tin cùng chuyên mục