PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Điều chỉnh tỷ giá để ổn định cung - cầu ngoại hối

Đó là ý kiến của PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia về tác động của việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá VND/USD tăng hơn 2% từ ngày 18-8-2010.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Điều chỉnh tỷ giá để ổn định cung - cầu ngoại hối

Đó là ý kiến của PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia về tác động của việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá VND/USD tăng hơn 2% từ ngày 18-8-2010.

* PV:
Theo một số chuyên gia, mục tiêu góp phần kiềm chế nhập siêu của đợt điều chỉnh tỷ giá lần này có vẻ kém thuyết phục. Quan điểm của ông ra sao?

PGS-TS Trần Hoàng Ngân

PGS-TS Trần Hoàng Ngân

* PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Tỷ giá chỉ là “cái hậu” của nhập siêu. Động thái điều chỉnh tỷ giá là giải pháp tình thế trong tình hình hiện nay. Dù không mong muốn nhưng Ngân hàng Nhà nước buộc phải phá giá VND vì dự trữ ngoại hối của chúng ta chưa đủ lớn để can thiệp vào thị trường và nguồn cung ngoại tệ vẫn còn những khó khăn nhất định do xuất khẩu chưa khả quan, tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu.

Hơn nữa, thâm hụt thương mại và nhập siêu của nước ta còn cao - trong 7 tháng đầu năm nhập siêu tới 7,4 tỷ USD, ước tính cả năm nhập siêu trên 14 tỷ USD. Mặc dù nhập siêu vẫn dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội (20% so với giá trị xuất khẩu) nhưng đe dọa cung cầu ngoại tệ và làm mất giá VND. Do vậy, điều chỉnh tăng tỷ giá là để bù đắp thiếu hụt cán cân ngoại tệ và đảm bảo an toàn dự trữ ngoại hối quốc gia.

* Nhưng rất khó nói rằng tỷ giá tăng sẽ làm thị trường ngoại hối ổn định. Vậy mặt trái của động thái này sẽ có mức độ đến đâu?

Giá vàng “chạy theo” giá USD

Trong ngày đầu tiên Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, giá USD quy đổi trên thị trường tự do cũng “thăng thiên”. Vào chiều 18-8, tại các điểm thu đổi USD ở quận 1, giá USD quy đổi dao động 19.430- 19.470 VND/USD (thu vào) và 19.470 - 19.500 VND/USD (bán ra), tăng khoảng 200 VND/USD so với mức giá trước đó một ngày.

Do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá nên cùng ngày giá vàng trong nước cũng tăng gần 300.000 đồng/lượng, lên 28,57 triệu đồng/lượng (thu vào) và 28,61 triệu đồng/lượng (bán ra) - mức giá cao nhất trong gần 2 tháng qua.

M.THI

* Tỷ giá sau khi điều chỉnh vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận được. Tính cả hai đợt tăng tỷ giá từ đầu năm 2010, đến nay USD đã tăng 5,46% so với VND, trong khi ngưỡng an toàn là 6% (là mức chênh lệch giữa lãi suất USD và VND).

Tuy tỷ giá tăng lần này để đảm bảo thị trường ngoại hối vận hành gần hơn với quy luật thị trường nhưng cũng gây nhiều hệ lụy. Thứ nhất là việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ bị đặt dưới áp lực lớn hơn (dù tôi tin rằng CPI năm nay sẽ được khống chế dưới 10%). Kế tiếp, niềm tin vào VND sẽ giảm sút; gánh nặng nợ nước ngoài và nợ công sẽ diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, tăng cao thêm.

* Vậy đâu là giải pháp lâu dài để nâng cao giá trị của VND?

* Trước hết, cần xóa bỏ tâm lý kỳ vọng USD sẽ tăng giá so với VND. Chúng ta cần có chiến lược dài hạn để cân bằng cán cân thương mại và tiến tới xuất siêu. Bài toán cốt lõi cho chiến lược này là nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trong nước.

Muốn vậy, các ban ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT phải đồng thuận. DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước lẫn DN làm hàng xuất khẩu phải được hỗ trợ hơn nữa về mặt bằng sản xuất kinh doanh, thủ tục hành chính, thuế, xúc tiến thương mại...

Cùng với đó là triển khai sâu rộng hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là trong tầng lớp cán bộ công chức; tuyên truyền nâng cao ý thức tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Để hàng hóa sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, chúng ta phải giảm chi phí sản xuất. Muốn vậy chúng ta phải giảm chi phí vay vốn của DN, phải có chính sách lãi suất giảm sâu.

Để làm được điều này cần thay đổi tư duy, tức là dẹp bỏ lối suy nghĩ rằng lãi suất tiết kiệm phải “nương theo” CPI, phải giảm lãi suất tiết kiệm xuống để hệ thống ngân hàng thương mại có được nguồn vốn giá rẻ. Đồng thời, gia tăng nguồn vốn đổ vào đầu tư sản xuất kinh doanh, giảm lượng tiền nhàn rỗi nằm trong ngân hàng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần kiểm soát tốt vấn đề nhập siêu, có chính sách nhập khẩu phù hợp với thực tế Việt Nam và những cam kết quốc tế. Một giải pháp không kém phần quan trọng nữa là kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công và bội chi ngân sách. Cần nâng cao hiệu quả và chất lượng chi tiêu công, các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách; có lộ trình sớm đưa bội chi ngân sách về dưới 5% GDP. 

HOÀNG LIÊM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục