Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa?

Bài 3: Khi làng hóa phố

Ở nhà lầu, chịu thất nghiệp
Bài 3: Khi làng hóa phố

Thu hồi đồng ruộng, nông dân ở nhiều làng quê có một khoản tiền đền bù trong tay đã đua nhau xây nhà, tậu xe… Thậm chí còn tiêu hoang, ăn nhậu, cờ bạc. Mọi thứ dần rối tung lên, làng quê chẳng yên ả nữa…

100% ruộng ở La Cả, Dương Nội (Hà Đông-Hà Nội) đã bị thu hồi để nhường chỗ cho những lô biệt thự.

100% ruộng ở La Cả, Dương Nội (Hà Đông-Hà Nội) đã bị thu hồi để nhường chỗ cho những lô biệt thự.

Ở nhà lầu, chịu thất nghiệp

Cách đây hơn năm, người làng Dục Tú, Vĩnh Ngọc thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), Đền Đô, Đình Bảng (Từ Sơn-Bắc Ninh) rộn ràng hẳn lên khi có dự án thu hồi ruộng để mở rộng quốc lộ 3 và xây các khu công nghiệp, khu đô thị trên những cánh đồng lúa xanh của họ. Mỗi sào ruộng được đền bù gần 70 triệu đồng rồi tăng lên 360 triệu đồng. Bởi thế, nhà ít cũng có 500 - 600 triệu đồng, nhà nhiều lên tới 1 - 2 tỷ đồng.

Để hỗ trợ nông dân nhiều nơi bị thu hồi đất nông nghiệp, Bộ LĐTB-XH đang xây dựng dự thảo “cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất nông nghiệp” trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, người bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tạo việc làm trong nước và sẽ được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài nếu có nhu cầu. Cụ thể, lao động được hỗ trợ 100% học phí học nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định, được hỗ trợ 100% chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, visa và lý lịch tư pháp khi đi xuất khẩu lao động. Thậm chí, lao động còn được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất khẩu lao động.

Cầm gần 1,5 tỷ đồng trong tay, vợ chồng anh Đỗ Đức Đoan ở thôn Đền Đô, xã Đình Bảng vừa mừng vừa lo. Mừng vì lần đầu tiên một hộ nông dân như vợ chồng anh có cục tiền tỷ trong tay, còn lo vì không biết sắp tới làm ăn ra sao khi ruộng không còn nữa.

Chị vợ khuyên chồng nên gửi ngân hàng để rút lãi ra ăn dần cho chắc. Nhưng anh chồng lại tặc lưỡi: “Thôi có tí tiền, mình cứ xây cái nhà ở cho sướng. Cả làng người ta đều xây nhà cửa thênh thang, chẳng lẽ mình cứ ở mãi nhà tùm hụp”. Mà đã xây phải cho oách, nhà cao 3 tầng, đổ mái, lợp ngói Hạ Long, nền rộng 80m², kiểu chữ “L”.

Tuy nhiên, anh tính, xây nhà chỉ hết khoảng 1 tỷ đồngï. Còn lại gần 500 triệu đồng vẫn gửi ngân hàng, tháng vẫn có dăm triệu lãi để đong thóc gạo, cho con ăn học. Nhưng gần năm trời quay lại, nhà anh vẫn còn dang dở mà chi phí đã đội lên 1,5 tỷ đồng do trượt giá, nhà xây to quá. Anh Đoan buồn: “Có khi toàn bộ số tiền đền bù chỉ cái khung nhà là hết, chẳng còn tiền mua sắm bàn ghế, giường tủ… bên trong”. Khoản tiền để gửi ngân hàng, anh chẳng dám nhắc tới. Hết tiền lại hoàn nghèo, dù sở hữu căn nhà to vật vã.

Ông Khái bán nước chè ở đầu làng An Khánh (Hoài Đức - Hà Nội) kể, sau khi được tiền đền bù, cả làng An Khánh gồm hàng trăm hộ đổ xô xây nhà, tậu xe máy. Chỉ 2 - 3 năm, An Khánh đã trở thành một “phố làng” sầm uất, nhà tầng lô nhô mọc kín. Nhưng xây xong thì tiền cũng hết. Nhiều nhà cho tới bây giờ vẫn chưa hoàn thiện được. Lại có nhiều nhà trông bên ngoài như biệt thự nhưng bên trong chỉ có một bộ bàn ghế rẻ tiền, cái ti vi Trung Quốc, 2 - 3 cái giường ọp ẹp. Chủ nhà ngày ngày phải lo chạy ăn từng bữa.

Kể chuyện mình, ông Khái nói: “Lúc thu hồi đất, giá đền bù có 54 triệu đồng/sào. Tôi được 300 triệu đồng, chẳng biết đầu tư vào đâu nên gửi tiết kiệm, dùng lãi suất để dưỡng già nên bây giờ còn giữ được. Chứ nếu đem xây nhà thì bây giờ cũng hết sạch”.

Theo ông Khái, trước bà con còn có ruộng mà bám, cũng đỡ vất vả, chứ bây giờ đi làm thuê, ráo mồ hôi là hết tiền. Mà người trong làng thất nghiệp nhiều lắm. Rít xong hơi thuốc, ông nói tiếp: “Như tôi còn có quán nước để nhặt nhạnh chút rau cháo, chứ hàng trăm người ở tuổi như tôi hiện phải ngồi chơi xơi nước từ khi bị thu hồi ruộng, xin vào nhà máy ở tuổi này thì ai nhận. Chỉ có vài người xin được chân làm bảo vệ, nhưng cũng không sẵn việc và cũng không quen”.

Ông Báu đang ôm đứa cháu ngồi bên cạnh, góp chuyện: “Tôi còn may là có đứa cháu, trông nom giúp cho vợ chồng chúng nó vừa để khuây khỏa, vừa đỡ mất tiền gửi sang nhà trẻ. Giờ ruộng không có, đồng tiền khó khăn, bố mẹ các cháu không xoay được”.

Cứ một lúc lại có người trong làng lang thang đi qua, tạt vào, ngồi buôn chuyện. Ông Khái chỉ vào họ bảo: “Đây, cứ như 2-3 ông này chỉ ăn xong lại nằm, một năm chơi không cả 365 ngày”. Ông Quyết, một người dân ở thôn Yên Lũng, thừa nhận: “Buồn lắm chú ạ. Chẳng phải chúng tôi lười mà vì còn đồng ruộng nữa đâu để làm. Ở tuổi chúng tôi, lẽ ra vẫn có thể làm ăn được nếu còn đồng ruộng”.

Ngoài kia, khu đô thị mới vẫn đang san lấp mặt bằng dở dang, trong khi nông dân lại không có thửa ruộng để canh tác. Bạn ông ngồi bên cạnh bảo: “Ra đây ngồi chém gió tí chứ lát lại về làm ván tổ tôm, tá lả”. Tôi hỏi: “Có đánh tiền không?”. Ông cười: “Thì cũng phải có tí chứ”. Ông Quyết bổ sung: “Từ hồi mất ruộng cả làng mới sinh phong trào cờ bạc vậy”.

Nỗi buồn làng cổ hóa phố

Lại có những nơi việc thu hồi ruộng đã gây ra những hệ lụy không cưỡng lại được, thậm chí còn phá vỡ những giá trị không thể tái tạo, như chuyện ở làng cổ Cự Đà thuộc huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ông Đinh Khắc Cường, Phó trưởng thôn Cự Đà, kể: Hồi cuối năm 2010, ở đây bắt đầu rộ lên phong trào thu hồi ruộng để xây dựng dự án khu đô thị mới Thanh Hà. Do thu hồi toàn bộ ruộng nên tiền đền bù rất nhiều, có nhà nhận tới 6 tỷ đồng, còn mức từ 1,2 đến 2 tỷ đồng/nhà rất phổ biến.

Ở làng Cự Đà, hàng trăm gia đình xây nhà mới vì có tiền đền bù đất ruộng.

Ở làng Cự Đà, hàng trăm gia đình xây nhà mới vì có tiền đền bù đất ruộng.

Từ đầu năm 2011, tiền được giải ngân, chẳng biết làm gì, người dân Cự Đà bắt đầu thi nhau đập bỏ hàng trăm nhà cổ để xây nhà mới. Nhà ông Kim còn xây một lúc 2 căn cho 2 đứa con. Có thời điểm, cả làng hơn 200 ngôi nhà cùng xây dựng từ tiền đền bù đất ruộng. Đến thôn Cự Đà lúc này, những nếp nhà cổ trầm mặc bao đời rêu đen bám phủ mà các chuyên gia văn hóa đang kêu gọi cần gìn giữ, giờ bị đập bỏ tan hoang, gạch vỡ ngổn ngang để mọc lên những ngôi nhà lầu hiện đại.

Ruộng bị thu hồi, dân Cự Đà như “bội thực” vì tiền đền bù. Ông Vũ Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Cự Khê, giãi bày: “Có tiền nên dân mới đập nhà cổ để xây nhà mới, chính quyền cũng khó ngăn cấm”. Khi nhận được tin, Sở VH-TT-DL Hà Nội cử cán bộ xuống kiểm tra nhưng đã muộn. Cũng như An Khánh, Dương Nội và bao làng bị thu hồi ruộng đồng trước đó, những mặt trái ở Cự Đà hiện cũng bắt đầu phát sinh. Có sẵn tiền tỷ, nhiều nhà con cái đòi mua “a còng”, SH và cả ô tô, cha mẹ cũng chìu theo. Có nhà lại đứng ra cho vay nặng lãi để người vay đầu tư vào bất động sản. Nay bất động sản đổ bể, “con nợ” cao chạy xa bay thì chủ cũng trắng tay, ngồi khóc.

Hương, con gái ông trưởng thôn Cự Đà, sau khi nhận tiền đền bù, vợ chồng cô đã nhanh tay mua lại được 2-3 suất đất ở nơi khác, chứ nhiều nhà chẳng biết làm gì, đem xây nhà cửa, mua sắm xe cộ và chơi lô đề. Hương tiết lộ, vợ chồng cô cũng tranh thủ ra ghi lô đề thuê cho các chủ. Tôi hỏi: “Dân ở đây đánh nhiều không, mỗi lần có tới vài trăm ngàn không?”. Hương ngoắc nguẩy: “Vài trăm thế nào, từ hồi có tiền, có người còn đánh tới vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng một nháy.

“Lô đề ra đê mà ở” - các cụ chẳng đã bảo thế. Tương lai của người dân làng Cự Đà một khi không còn ruộng nữa, việc làm khó khăn, họ sẽ ra sao khi toàn bộ tiền tỷ đền bù ruộng rồi cũng “nướng” cả vào xây nhà lầu, lô đề, xe cộ… mà không có một sinh kế ổn định”.

Văn Phúc Hậu

Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa?

- Bài 1: Đã mất bao nhiêu bờ xôi ruộng mật?

- Bài 2: Nỗi niềm nông dân mất đất

Tin cùng chuyên mục