Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Bài 3: Liên kết 4 nhà - Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Lâu nay chuyện “được mùa - dội chợ - rớt giá” luôn là nỗi ám ảnh đối với nông dân và ngành nông nghiệp. Để tháo gỡ thực trạng này, chủ trương “liên kết 4 nhà” nhằm gắn kết giữa sản xuất với nhu cầu tiêu thụ được xem là hướng đi đúng để phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời là giải pháp phát triển nông thôn mới một cách hiệu quả.
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Bài 3: Liên kết 4 nhà - Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Lâu nay chuyện “được mùa - dội chợ - rớt giá” luôn là nỗi ám ảnh đối với nông dân và ngành nông nghiệp. Để tháo gỡ thực trạng này, chủ trương “liên kết 4 nhà” nhằm gắn kết giữa sản xuất với nhu cầu tiêu thụ được xem là hướng đi đúng để phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời là giải pháp phát triển nông thôn mới một cách hiệu quả.

  • Lan tỏa những điểm sáng

Hạn chế lớn nhất của sản xuất nông nghiệp thời gian qua là đất đai manh mún, làm nhỏ lẻ, tự phát, theo phong trào… từ đó dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa khó khăn. Vì vậy, sản xuất theo đơn đặt hàng, ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp luôn là nỗi khát khao của nhiều nông dân ở ĐBSCL.

Đầu tháng 3-2012, chúng tôi tìm đến hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) ngay lúc các xã viên bước vào thu hoạch rộ lúa đông - xuân. Ông Trương Văn Hạnh, Phó chủ nhiệm HTX đưa tôi ra cánh đồng lúa rộng 95,6ha, được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, với 2 loại giống: OM 6162 và lúa cẩm Cai Lậy - giống đặc sản rất triển vọng.

Say mê nhìn cánh đồng lúa cẩm Cai Lậy oằn bông, ông Hạnh cho biết đây là giống lúa mới, có thể thích nghi tốt trong điều kiện sản xuất cả 3 vụ/năm, thời gian sinh trưởng ngắn, hàm lượng dinh dưỡng cao, chống được bệnh cháy lá, năng suất từ 4- 6 tấn/ha nhưng bù lại nhờ hạt gạo thon dài, cơm dẻo mềm, thơm ngon nên bán được giá cao.

Hầu hết xã viên trồng lúa cẩm vụ này đều trúng mùa, năng suất bình quân 6 tấn/ha, có hộ đạt 7 tấn/ha… Toàn bộ sản lượng lúa được Công ty TNHH ADC bao tiêu với giá cao hơn các loại giống chất lượng cao từ 35% trở lên.

Ông Lê Văn Chính, chủ cơ sở sản xuất lúa giống Chín Táo (người đứng giữa) ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, giới thiệu với nông dân về những giống lúa đạt năng suất cao.

Ông Lê Văn Chính, chủ cơ sở sản xuất lúa giống Chín Táo (người đứng giữa) ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, giới thiệu với nông dân về những giống lúa đạt năng suất cao.

Thành lập từ năm 2004 nhưng hoạt động của HTX nông nghiệp Mỹ Thành èo uột giống như nhiều HTX nông nghiệp khác ở ĐBSCL. Mãi đến năm 2008, khi rà “trúng đài” với Công ty TNHH ADC bằng việc liên kết sản xuất lúa chất lượng cao đã tạo hướng đi mới cho HTX. Vụ thu - đông 2008, công ty gặp 30 hộ xã viên với diện tích 11,4 ha để giới thiệu chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP.

Hàng trăm quy định được đưa ra như: chuyển từ sạ dầy sang sạ thưa, giảm lần phun thuốc, bắt buộc ghi chép sổ sách, làm nhà kho chứa thuốc và dụng cụ nông nghiệp, không được phun thuốc độc hại, bón phân cân đối, gieo sạ và thu hoạch đồng loạt… đã khiến nhiều hộ làm theo tập quán cũ “bỏ chạy”.

Cuối cùng chỉ có 15 hộ “đeo” theo công ty. Kết quả, vụ đầu tiên sản xuất Global GAP cho năng suất 5 tấn/ha, được công ty mua toàn bộ với giá cao nên hộ nào cũng thắng lớn. Thấy rõ hiệu quả từ mô hình liên kết, số nông dân tự nguyện đăng ký tham gia tăng liên tục. Đến nay, 101 xã viên kết chặt cùng Công ty TNHH ADC sản xuất 95,6ha lúa Global GAP được 12 vụ rất thành công.

Ông Trương Văn Hạnh, Phó chủ nhiệm HTX thừa nhận, nhờ hình thức liên kết mà nông dân thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ sản xuất, am hiểu thị trường nhiều hơn, lợi nhuận thu về tăng cao. Trong 101 hộ liên kết thì có đến 90% hộ đã xây được nhà tường kiên cố. HTX nông nghiệp Mỹ Thành còn được xem là một trong những nơi “khơi nguồn” về mô hình liên kết giữa “nhà nông - nhà nước - doanh nghiệp” về trồng lúa an toàn theo tiêu chuẩn Global GAP hiệu quả nhất ở ĐBSCL.

Không chỉ hạt lúa, tại ĐBSCL nhiều nhà vườn luôn ám ảnh chuyện trái cây trúng mùa - rớt giá phải bán đổ bán tháo. Gần đây nhờ sự liên kết giữa nhà vườn - nhà khoa học - doanh nghiệp để sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn Viet GAP và Global GAP đã tạo cho trái cây vị thế mới. Tại Bến Tre nhiều nhà vườn trồng bưởi da xanh theo mô hình liên kết đang vươn lên khá giả.

Ông Đào Văn Minh, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành cho biết, nhờ Viện Nghiên cứu cây ăn trái miền Nam hướng dẫn trồng bưởi da xanh tiêu chuẩn Viet GAP và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên mỗi năm vườn bưởi chỉ 8 công nhưng cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với hồi chưa liên kết.

Cũng từ việc liên kết với doanh nghiệp sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn Global GAP mà 36 nhà vườn ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) có thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha, nhờ đầu ra ổn định và bán được giá cao.

  • Động lực phát triển nông thôn mới

"Sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Viet GAP đã nâng cao giá trị rõ rệt. Nếu như bưởi Năm Roi giá bình quân 5.000 - 7.000 đồng/kg thì bưởi da xanh phải từ 18.000 - 30.000 đồng/kg, có lúc lên đến 35.000 đồng/kg. Dù giá cao nhưng sản lượng luôn thiếu hụt, không đủ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang châu Âu, châu Á, châu Mỹ"

Ông ĐÀM VĂN HƯNG, chủ doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre)

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An khẳng định: “Mô hình liên kết 4 nhà theo Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, các bên tham gia đều được hưởng thụ lợi ích một cách hài hòa; trong đó lợi ích của người trồng lúa được nâng lên nhờ được doanh nghiệp ứng trước vật tư, giống, bao tiêu đầu ra với giá hợp lý, giảm bớt được các khâu trung gian.

Còn doanh nghiệp thì thu mua được sản phẩm đồng nhất với số lượng lớn, chủ động được nguồn nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu. Cách làm này giúp ngành nông nghiệp quy hoạch lại sản xuất để hình thành những cánh đồng lớn, ứng dụng tốt cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; đồng thời xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản”.

Cũng theo ông Đức, trong vụ đông-xuân 2012 này, Long An thực hiện đến 8 mô hình liên kết giữa nông dân với Công ty cổ phần BVTV An Giang, Công ty Lương thực Long An… sản xuất 2.043 ha lúa xuất khẩu. Song song đó, quy hoạch 40.000 ha lúa chất lượng cao theo mô hình liên kết. Từ nay đến năm 2015, Long An xây dựng 36 xã nông thôn mới trong đó phát huy tối đa hiệu quả mô hình liên kết nhằm đóng góp vào các tiêu chí phát triển nông thôn mới.

Theo lãnh đạo UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), sau khi được Ban Bí thư Trung ương chọn là một trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2009 - 2011, địa phương phát huy tối đa các mô hình liên kết về sản xuất thủy hải sản thông qua 3 HTX, 13 tổ hợp tác sản xuất và 50 câu lạc bộ... gắn kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Nhờ đó mà thời gian qua xã Mỹ Long Nam phát huy tốt thế mạnh con tôm, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu, lợi nhuận bình quân đạt 700 - 800 triệu đồng/ha nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết liên kết phát triển kinh tế là giải pháp xây dựng nông thôn mới hiệu quả nhất, mà xã Mỹ Long Nam là điển hình cụ thể. Phát huy tốt liên kết đã đưa thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ Long Nam đạt 25 triệu đồng/người, bằng 1,8 lần mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh ở khu vực nông thôn. Hiện tại, tỉnh đang triển khai cách làm hiệu quả của Mỹ Long Nam để các xã nông thôn mới khác trong tỉnh học tập.

Còn theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong 30 xã điểm xây dựng nông thôn mới, tỉnh yêu cầu các địa phương linh động chọn những tiêu chí phù hợp thực tế để thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, người dân thật sự được hưởng những gì họ cần. Thuận lợi của Đồng Tháp là sản xuất nông nghiệp đang đi vào chiều sâu, lợi thế về cây lúa, cá tra, tôm càng xanh... đang được phát huy tốt. Đồng Tháp đã và đang tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp nhảy vào liên kết cùng nông dân xây dựng những cánh đồng lớn, gắn sản xuất nông nghiệp bền vững với xây dựng nông thôn mới.

Cũng từ mô hình liên kết mà nhiều hộ đồng bào Khmer ở Trà Vinh từ khó khăn vươn lên khá giả. Một trong những doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất hiệu quả là ông Lê Văn Chính, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh lúa giống Chín Táo, ở xã Song Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Ông đã mạnh dạn đầu tư theo hình thức “làm giống - cung ứng giống - thu mua sản phẩm cho dân”. Nhiều loại giống do Chín Táo cung cấp cho năng suất từ 8 - 12 tấn/ha, giúp nhiều hộ trúng đậm.

Hiện tại Chín Táo liên kết với 600 hộ nông dân, mỗi năm cung ứng cho thị trường 20 tỉnh thành phía Nam từ 6 - 7 ngàn tấn lúa giống. Những hộ liên kết được Chín Táo hỗ trợ nhiều mặt và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 30%.

 HUỲNH PHƯỚC LỢI

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

- Bài 1: Nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam

- Bài 2: Cánh đồng mẫu lớn - Mô hình mới cần nhân rộng

Tin cùng chuyên mục