Người nuôi tôm thẫn thờ nhìn... giá tăng

Tôm hết, giá tăng!
Người nuôi tôm thẫn thờ nhìn... giá tăng

Những ngày gần đây giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL tăng trở lại. Điều nghịch lý là giá tăng nhưng hàng loạt hộ nuôi tôm vẫn kêu khó, bởi lúc này không có tôm để bán, thiếu vốn tái đầu tư.

Vùng ĐBSCL cần thay đổi mô hình nuôi tôm thưa, chất lượng, bền vững… Ảnh: Huỳnh Lợi

Vùng ĐBSCL cần thay đổi mô hình nuôi tôm thưa, chất lượng, bền vững… Ảnh: Huỳnh Lợi

Tôm hết, giá tăng!

Tại Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu… nhiều hộ vẫn không vui mặc dù giá tôm đang nhích lên theo chiều hướng có lợi cho người nuôi. Ông Lê Hoàng Vũ, ở ấp 4, xã Bình Thới, huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết vừa thu hoạch một ao tôm được khoảng 900kg, bán cho thương lái với giá 130.000 đồng/kg (loại 30 con/kg); trừ hết các khoản chi phí còn lời chưa tới 15 triệu đồng. Theo ông Vũ, mức lợi nhuận không cao do tỷ lệ hao hụt lớn, tôm chết nhiều đã làm giảm sản lượng, cộng với tiền xử lý dịch bệnh tăng nên hiệu quả mang lại không như mong muốn. Ông Lê Minh Hùng, Bí thư chi bộ ấp 4, cho hay, đợt này người nuôi tôm lời ít như hộ ông Vũ đã là may lắm rồi. Bởi thực tế toàn ấp 4, số hộ còn tôm để bán chỉ khoảng 30%, khoảng 70% hộ nuôi đã rơi rụng do dịch bệnh hoành hành liên tục.

Đi dọc theo các vùng nuôi tôm trọng điểm ở huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), tình hình cũng tương tự. Nhiều hộ nuôi tiếc nuối khi thấy giá tôm tăng. Ông Đặng Văn Chiến, ở xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải cho biết khu vực này tôm bị chết la liệt. Ông may mắn giữ được ao tôm rộng 3.000m2, tuy nhiên khi thu hoạch, sản lượng giảm mạnh do nuôi không đạt nên không lời bao nhiêu. 

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có khoảng 9.000ha tôm bị chết, làm thiệt hại gần 2.300 tỷ đồng. Nhiều nông dân trong tỉnh tiếp tục thả nuôi lấp vụ gần 5.886 ha tôm, kết quả tôm vẫn chết tràn lan. Do bị thiệt hại trên diện rộng và kéo dài nên lúc này số hộ còn tôm để bán rất ít. Thiếu tôm nguyên liệu dẫn đến giá tăng là chuyện hiển nhiên. Có điều nông dân được hưởng lợi từ giá tăng đợt này là không đáng kể.

Trăn trở bài toán bền vững

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm của nước ta trong tháng 6 giảm khoảng 4% và tháng 7-2012 giảm tới 6,8% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do áp lực cạnh tranh từ nhiều nước, thị trường tiêu thụ khó khăn, cộng với nguồn nguyên liệu khan hiếm khiến các doanh nghiệp khó chủ động. Dự kiến, quý 3 này xuất khẩu tôm tăng trở lại, ước tổng giá trị xuất khẩu tôm 9 tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 1,7 tỷ USD.

Mặt được của xuất khẩu là vậy, song vấn đề bức xúc là người nuôi tôm năm nay không lời, số hộ thua lỗ tăng quá cao do ảnh hưởng dịch bệnh làm tôm chết nhiều. Tính từ đầu năm đến nay diện tích tôm chết hơn 40.000 ha, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Điều đáng lo ngại, các tỉnh ĐBSCL đã mời nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, rồi lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các viện, trường đại học… tới khảo sát thực tế, tìm nguyên nhân gây “đại dịch” và thuốc đặc trị… nhưng mọi chuyện đều bế tắc. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nóng lòng: “Năm nay tôm chết bất thường khiến người dân hoang mang. Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, bà con đều hỏi tôm chết do đâu, cách trị thế nào? Thế nhưng các nhà chuyên môn tìm hoài vẫn chưa ra. Vấn đề này tỉnh đang rối bời và chưa biết xử lý ra sao, trong khi để kéo dài sẽ càng khó bởi con tôm là thế mạnh của Trà Vinh”.

Là người nuôi tôm nhiều năm và được tôn là “Vua tôm”, ông Võ Hồng Ngoãn, ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đặt vấn đề: “Lâu nay chúng ta cứ hô hào vùng ĐBSCL là “mỏ tôm”, nơi xuất khẩu tôm chủ lực của cả nước… thế là ai cũng ùn ùn nhảy vào khai thác, tận thu nhưng thiếu đầu tư, bảo vệ. Thời gian qua các tỉnh chạy đua mở rộng diện tích tôm quá lớn, trong điều kiện thiếu đầu tư hệ thống thủy lợi, điện, đường giao thông, con giống, kỹ thuật… Nhiều nơi lạm dụng nuôi quanh năm, sử dụng thuốc quá nhiều, trong đó có loại độc hại đã dẫn đến môi trường ô nhiễm. Và nay tôm chết không có điểm dừng cũng là hậu quả của sự tham lam”. Ông Ngoãn thừa nhận, nhiều vùng ven biển ĐBSCL đổi đời nhờ con tôm là có thật. Nhưng hiện tại rất nhiều hộ te tua, phá sản, nợ chất chồng cũng vì con tôm. Và một thực tế phải nhìn nhận là nhiều ngân hàng đang lắc đầu với con tôm bởi tính rủi ro của nghề này ngày một tăng cao.

Ông Võ Hồng Ngoãn đề xuất, cần thay đổi quan điểm phát triển nghề nuôi tôm từ số lượng sang chất lượng. Trong điều kiện môi trường ô nhiễm hiện nay càng nuôi lạm dụng, càng dễ thiệt hại. Vì vậy, nên áp dụng nuôi thưa, nuôi theo mô hình sinh thái, thiên nhiên, nuôi luân canh, hoặc kết hợp với cua, sò, cá… vừa khắc phục ô nhiễm - vừa tăng thêm nguồn thu. Tăng cường đầu tư chất lượng tôm giống, đầu tư hệ thống thủy lợi đang thiếu và yếu; triển khai bảo hiểm cho người nuôi tôm, gắn kết người nuôi với nhà máy chế biến… Cần tạo hướng đi mới tích cực hơn để con tôm phát triển bền vững.

Huỳnh Phước Lợi

Tin cùng chuyên mục