Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM - Vừa xây dựng vừa nghiên cứu

“Đối với nước ta, một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, công nghệ sinh học (CNSH) có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn”. Đó là nội dung Chỉ thị 50-CT/TW năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM - Vừa xây dựng vừa nghiên cứu

“Đối với nước ta, một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, công nghệ sinh học (CNSH) có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn”. Đó là nội dung Chỉ thị 50-CT/TW năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

        Định hình bộ mặt HCM Biotech

Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM (HCM Biotech) được UBND TP thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11-2004, văn phòng nằm trong khuôn viên của Sở NN-PTNT TPHCM (quận 1). Sau khi hoàn thành các thủ tục, năm 2010, trên diện tích 23ha, tại phường Trung Mỹ Tây (quận 12), TP khởi công việc san lấp mặt bằng. Tháng 10-2012, các dự án thành phần thuộc dự án HCM Biotech được khởi công. HCM Biotech có 11 phân khu chức năng, trong đó quan trọng là khu nghiên cứu và sản xuất thử với 12 phòng thí nghiệm về CNSH, khu sản xuất chế phẩm sinh học, khu nuôi động vật thử nghiệm, khu nhà kính, nhà lưới… với kinh phí lên đến 100 triệu USD. Dù gặp khó khăn, TP vẫn quyết tâm xây dựng một trung tâm nghiên cứu ứng dụng CNSH quy mô và tầm cỡ cả nước và khu vực trong lĩnh vực CNSH.

Khu nhà kính và nhà lưới hiện đại nhưng phải sử dụng điện nhờ từ nơi thi công nên không đảm bảo sự đồng bộ khi vận hành.

Khu nhà kính và nhà lưới hiện đại nhưng phải sử dụng điện nhờ từ nơi thi công nên không đảm bảo sự đồng bộ khi vận hành.

Theo Tiến sĩ Dương Hoa Sô, Giám đốc trung tâm, HCM Biotech có nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao CNSH phục vụ nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghiệp thực phẩm và y dược học; tiếp nhận, triển khai các quy trình, kỹ thuật hiện đại về CNSH (công nghệ gene, công nghệ tế bào động thực vật, công nghệ vi sinh, công nghệ lên men...) phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp và xử lý môi trường. Ngoài ra, trung tâm còn đào tạo, huấn luyện các kỹ thuật viên; sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm CNSH. Trong đó, nghiên cứu ứng dụng CNSH thực vật, chọn tạo giống cây trồng biến đổi di truyền có đặc tính và phẩm chất tốt phục vụ sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu sinh lý bệnh thực vật, phát triển bộ kit chẩn đoán bệnh cây trồng. Nhiệm vụ trước mắt của HCM Biotech là nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ mới nhất để tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, góp phần chuyển đổi và hướng đến nền nông nghiệp đô thị của TPHCM, xây dựng thành công nông thôn mới.

Dù vẫn còn ngổn ngang công việc, nhưng bộ mặt của HCM Biotech đang định hình. Khu nhà kính, nhà lưới vào loại hiện đại nhất TP đã được ưu tiên xây dựng để đưa vào hoạt động. Dự kiến tháng 11 sẽ khánh thành. Hôm chúng tôi đến, các kỹ sư đang miệt mài làm việc. Nhưng do nguồn vốn bị hạn chế, hạng mục điện chưa xong nên phải câu điện nhờ từ nơi thi công để sử dụng, làm hạn chế một số công năng cũng như sự đồng bộ hóa khi vận hành. Theo chỉ đạo của TP, HCM Biotech hoàn thành những hạng mục cơ bản vào năm 2015, nhưng với việc chậm trễ nguồn vốn nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ. Tại buổi làm việc với Sở NN-PTNT TP, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách - HĐNDTP cho rằng, HCM Biotech góp phần quan trọng vào việc xây dựng chương trình nông thôn mới, các sở ngành tìm cách giải quyết nguồn vốn để các hạng mục chính có thể đi vào hoạt động một cách đồng bộ, tránh lãng phí.

        Những kết quả bước đầu

Bên cạnh việc xây dựng các hạng mục, HCM Biotech triển khai đồng thời 2 nhiệm vụ quan trọng: Nghiên cứu ứng dụng CNSH phục vụ sản xuất, ưu tiên cho nông nghiệp, thủy sản và đào tạo nguồn nhân lực CNSH. Dù cơ sở vật chất, thiết bị hạn chế, HCM Biotech nghiên cứu nhiều đề tài ứng dụng thiết thực các chương trình trọng điểm TP: Chương trình ứng dụng CNSH phục vụ nông nghiệp nông thôn; chương trình phát triển rau an toàn; hoa, cây kiểng và xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2006 đến nay, trung tâm triển khai 40 đề tài nghiên cứu CNSH phục vụ cây trồng, thủy sản và y dược. Một số kết quả nghiên cứu được sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa phục vụ nông dân như phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật hàng năm cung ứng 150.000 - 200.000 cây con cấy mô các loại (tập trung hoa, cây kiểng). Nghiên cứu thành công nhân giống cấy mô cây sâm Ngọc Linh và chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ cho Quảng Nam. Phòng công nghệ vi sinh đưa vào sản xuất chế phẩm sinh học cây trồng, phòng trừ dịch bệnh như chế phẩm sinh học BIMA để ủ phân chuồng, sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi được nhiều đơn vị, nông dân các tỉnh quan tâm.

Về thủy sản, tập trung nghiên cứu dịch bệnh tôm sú, cá tra - 2 sản phẩm chủ lực xuất khẩu ở ĐBSCL. HCM Biotech nghiên cứu và đưa vào sản xuất bộ kit PCR phát hiện 4 loại bệnh tôm (đốm trắng, hoại tử vỏ, còi, viêm gan tụy); giúp đơn vị quản lý dịch bệnh tôm phân tích mẫu bệnh nhanh, giá chỉ bằng 50% bộ kit nhập khẩu. Đặc biệt, HCM Biotech thành công bước đầu tạo vaccine ngừa bệnh gan thận mủ gan cá tra. Chủng E. Ictaluri nhược độc đầu tiên tại Việt Nam được tạo ra bằng công nghệ tái tổ hợp gene, HCM Biotech đăng ký bản quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Với chương trình hoa, cây kiểng, nhất là lan, từ 2005 - 2012, triển khai dự án sưu tập, nhập nội, khảo nghiệm và nhân giống các giống hoa lan phục vụ chương trình phát triển hoa, cây kiểng TP. Tiếp tục dự án “Sưu tập, nhập nội, khảo nghiệm một số giống hoa, cây kiểng giá trị kinh tế” từ năm 2012 - 2015. Đến tháng 8-2013, sưu tập được 334 giống hoa lan các loại, 91 giống kiểng lá và 30 giống hoa nền. Lai tạo thành công 28 tổ hợp lan lai các loại, trong đó 16 tổ hợp lai giữa các giống Dendrobium nhập nội, 3 tổ hợp lan lai khác loài giữa lan Dendrobium nhập nội với lan rừng Việt Nam. Hiện có 24 tổ hợp lan lai có cây con đủ chuẩn ra vườn ươm, trong đó 9 tổ hợp lan lai ra hoa. Các tổ hợp lan lai đều phát triển tốt, thích nghi cao, ít bị nhiễm sâu bệnh. Phòng nuôi cấy mô quy mô nhân giống 150.000 - 200.000 cây cấy mô/năm.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục