Yêu cầu bức thiết

Nông nghiệp nông thôn (NNNT) là khu vực liên quan đến hàng chục triệu nông dân, tạo ra phần lớn sản phẩm chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu chung đất nước. Những năm gần đây, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nguồn vốn cho phát triển NNNT với mức tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, đến nay, chính sách tín dụng cho lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, cần phải có bước chuyển quyết liệt để tạo đột phá…
Yêu cầu bức thiết

Khơi thông tín dụng cho nông nghiệp nông thôn

Nông nghiệp nông thôn (NNNT) là khu vực liên quan đến hàng chục triệu nông dân, tạo ra phần lớn sản phẩm chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu chung đất nước. Những năm gần đây, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nguồn vốn cho phát triển NNNT với mức tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, đến nay, chính sách tín dụng cho lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, cần phải có bước chuyển quyết liệt để tạo đột phá…

Khu vực nông nghiệp nông thôn rất cần vốn để sản xuất. Ảnh: VINH HIỂN

Khu vực nông nghiệp nông thôn rất cần vốn để sản xuất. Ảnh: VINH HIỂN

Nhu cầu vốn lớn

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực NNNT đạt gần 600.000 tỷ đồng. Tại ĐBSCL, vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia, đang có nhu cầu vay vốn rất lớn để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thế nhưng nguồn vốn huy động toàn vùng từ các tổ chức tín dụng chỉ đáp ứng được 77% nhu cầu vay vốn. Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều hộ chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, khiến việc sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Một vị lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Cà Mau cho biết: “Phần lớn các tổ chức tín dụng có xu hướng cho doanh nghiệp vay hơn là cho hộ nông dân. Lý do là tín dụng cho NNNT chủ yếu là món vay nhỏ lẻ dẫn đến chi phí hoạt động cao và rủi ro trong nông nghiệp lớn”.

Trong tâm trạng đó, chị Nguyễn Thị Hoa, ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) bộc bạch: “Hơn 2 năm qua việc chăn nuôi heo và trồng lúa gặp khó khăn do giá rớt khiến nhiều người thua lỗ. Khi nghe chủ trương hỗ trợ vốn để khôi phục ngành chăn nuôi, nông dân ai cũng mừng. Thế nhưng khi tiếp cận các ngân hàng xin vay vốn thì rất khó, bởi họ viện nhiều lý do như không đủ tiêu chuẩn, nghề chăn nuôi gặp nhiều rủi ro… cuối cùng từ chối cho vay?”.

Trong khi đó, việc triển khai Nghị định 41 của Chính phủ về cho vay NNNT trong 3 năm qua vẫn còn nhiều nút thắt. Theo đó, tín dụng dành cho nông dân thông qua Hội nông dân mới chỉ đạt 13.000 tỷ đồng, trong khi hộ nông dân trong cả nước là 14 triệu hộ, như vậy chưa đến 4% số hộ nông dân được vay vốn. Cụ thể, tại Hậu Giang, theo ông Lê Viết Quyền, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Hậu Giang (Agribank Hậu Giang), trong quá trình thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ, thực tế cho thấy còn nhiều bất cập, khó khăn. Nhu cầu vốn vay của hộ thì nhiều trong khi nguồn vốn huy động còn hạn chế; tiềm ẩn trong cho vay NNNT gặp nhiều rủi ro.

Còn đối với các hộ dân sinh sống ở các phường, thị trấn trước đây và hiện tại đều sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nhưng theo Nghị định 41 việc cho vay bị giới hạn bởi địa giới hành chính cấp xã thì mới được hỗ trợ lãi suất. Do đó, những hộ có đất sản xuất nông nghiệp nằm ở các phường, thị trấn phải chịu thiệt thòi. Song, mức cho vay đối với hộ cá nhân 50 triệu đồng không phải thế chấp theo nghị định này, hiện nay không còn phù hợp nữa, nên chăng định mức cho vay nâng lên từ 100 triệu đồng trở lên.

Tháo gỡ nút thắt

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), ngành ngân hàng đang từng bước tháo gỡ vướng mắc trong việc giải ngân vốn tín dụng cho nông nghiệp thời gian tới. Từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng trong lĩnh vực NNNT đã được quy định. Đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện giãn, hoãn nợ; giảm một phần lãi đối với những khoản nợ xấu.

Nói là vậy, song vấn đề bức xúc đặt ra là làm sao nông dân làm nông nghiệp được tiếp cận vốn ngân hàng? Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank đề xuất: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có cơ chế yêu cầu các ngân hàng phải cho vay lĩnh vực NNNT ít nhất là 20% trên tổng nguồn vốn cho vay; nếu ngân hàng nào giải ngân cho NNNT từ 35% vốn trở lên thì có những chính sách ưu đãi… Phải quy định như vậy thì lĩnh vực NNNT mới kích cầu được nguồn vốn”. 

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước có nhiều thay đổi, việc giải ngân tín dụng cho NNNT cũng phải thay đổi nhằm thích ứng với tình hình mới. Để cung ứng nguồn vốn cho NNNT ở ĐBSCL đem lại hiệu quả, một trong những vấn đề cần lưu tâm là nghiên cứu thay đổi tập quán, mô hình sản xuất nông nghiệp ở vùng này. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, để hỗ trợ, giúp nông dân bớt khó khăn về vấn đề tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cho vay một số chương trình mới, phù hợp với quy trình sản xuất của bà con. Đặc biệt, phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng lựa chọn những sản phẩm chủ lực có thế mạnh của Việt Nam, có thị trường tiêu thụ và tổ chức theo chuỗi giá trị.

Thời gian qua, khi kinh tế đất nước gặp khó khăn, NNNT vẫn đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ xuất khẩu. Chính vì thế, việc khơi thông nguồn vốn cho cho lĩnh vực này, nhất là khu vực ĐBSCL, là yêu cầu bức thiết để nông dân gắn bó với đồng ruộng, tái cơ cấu lĩnh vực NNNT. Tuy nhiên, ngoài chính sách chung phải có những chương trình riêng cho những sản phẩm chủ lực. Ví dụ như, cá tra, lúa gạo, cà phê, với mỗi đối tượng như vậy cần có cách tiếp cận khác nhau trong quá trình sản xuất cũng như thị trường thì chúng ta mới có chính sách riêng về tín dụng phù hợp.


Để người dân nông thôn có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình thì cần giải quyết 3 vấn đề thiết thực. Thứ nhất, ngân hàng cho vay với lãi suất hợp lý theo từng thời điểm; thứ hai là thủ tục cần đơn giản, nhanh gọn tránh phiền hà; thứ ba là cung ứng nguồn vốn cho nông dân phải kịp thời, đúng thời điểm bà con cần tiền đầu tư sản xuất. Nếu các ngân hàng làm tốt 3 việc trên sẽ góp phần to lớn thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An


Hàm Luông-Huỳnh Lợi

Tin cùng chuyên mục