Người nuôi cá tra vẫn khó chạm vốn ngân hàng

Người nuôi cá tra vẫn khó chạm vốn ngân hàng

Để làm rõ thực hư về 38.000 tỷ đồng mà các ngân hàng rót cho ngành nuôi cá tra, Bộ NN-PTNT vừa thành lập đoàn kiểm tra và có báo cáo mới nhất về việc nông dân, doanh nghiệp vay tiền của ngân hàng như thế nào...

Cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản.

Cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước báo cáo để gỡ khó khăn, khủng hoảng cho ngành cá tra, dư nợ “rót” cho các doanh nghiệp và nông dân vay nuôi cá trong 9 tháng đầu năm 2012 lên tới 38.000 tỷ đồng. Thế nhưng, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lại khẳng định không thể có con số này, vì nếu dư nợ cho vay lớn như vậy thì chắc chắn không có việc hàng loạt doanh nghiệp cá tra lâm vào cảnh khó khăn, phá sản hoặc ngừng sản xuất trong năm 2012. 

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có những giải thích về con số 38.000 tỷ đồng được đưa ra nhưng chưa thực sự thuyết phục. Để làm rõ hơn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Nhà nước triển khai kiểm tra xác minh việc vay vốn của doanh nghiệp và các hộ nuôi, chế biến cá tra từ các ngân hàng thương mại nhà nước năm 2012, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm về nuôi cá tra như Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ. Theo đó, thành lập hai đoàn kiểm tra, đoàn thứ nhất kiểm tra từ ngày 14 đến 18-1 do Ngân hàng Nhà nước chủ trì tại TP Cần Thơ và Đồng Tháp. Đoàn thứ hai từ ngày 23 đến 24-1 do Bộ NN-PTNT chủ trì làm việc tại tỉnh An Giang. Tham gia có đại diện Hội Nghề cá Việt Nam, VASEP và Ngân hàng NN-PTNT (Agribank).

Sau khi hoàn thành đợt kiểm tra trên, mới đây nhất, Bộ NN-PTNT vừa có công văn số 773/BNN-TCTS gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ TN-MT đưa ra kết luận: doanh nghiệp và người nuôi cá tra hiện nay vẫn đang rất khó vay vốn của các ngân hàng. Cụ thể, đoàn kiểm tra của Bộ NN-PTNT chủ trì đã khảo sát tại HTX Thủy sản Châu Phú (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang). Hiện tại, 100% xã viên HTX đều phải vay vốn nuôi cá, nguồn vay từ nhiều ngân hàng khác nhau như Agribank, Vietinbank, SCB... nhưng họ rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay, chỉ có một số hộ được vay vốn của Agribank với lãi suất thấp. Mặc dù lãi suất vay từ Agribank với người nuôi cá tra đã được điều chỉnh xuống mức 12%/năm nhưng các khoản lãi vay của các ngân hàng khác vẫn ở mức cao. Trong khi đó, người dân muốn chuyển sang vay vốn của Agribank cũng khó vì ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo thế chấp, có phương án kinh doanh hiệu quả.

Khảo sát tại các công ty đang gặp khó khăn nhất hiện nay là Công ty Thuận An, Công ty Việt An, Công ty Việt Ngư thì các công ty luôn trong tình trạng thiếu vốn sản xuất. Đoàn kiểm tra cũng đã làm việc với UBND tỉnh An Giang. Theo đó, hiện diện tích nuôi cá tra ở đây chỉ còn 1.348ha, chỉ bằng 85% so với năm 2011. Số hộ nuôi giảm 2.046 hộ so với 2 năm trước, sản lượng cá tra cũng giảm. Toàn tỉnh có 17 doanh nghiệp chế biến thủy sản, 23 nhà máy, công suất 335.000 tấn/năm. Năm 2012, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn từ chính sách của Chính phủ. Những doanh nghiệp có hàng tồn kho nhiều phải chấp nhận bán với giá thấp để có vốn tiếp tục sản xuất.

Đề nghị điều chỉnh thời hạn, hạn mức vay

Từ khảo sát về tình hình nuôi và chế biến cá tra tại ĐBSCL, Bộ NN-PTNT đưa ra đánh giá, mặc dù trong năm 2012, tổng dư nợ cho vay nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra của các tổ chức tín dụng trong khu vực ĐBSCL đạt 22.777,5 tỷ đồng (so với cuối năm 2011 doanh số tăng 16,5%, số dư tăng 25%) nhưng người nuôi và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Số hộ được vay vốn mới với lãi suất dưới 11% là rất ít.

Nguyên nhân người nuôi và doanh nghiệp khó “chạm tay” vào các khoản vay ngân hàng là do họ không còn tài sản thế chấp để vay mới. Như ở Đồng Tháp, chỉ có 885 hộ được ngân hàng cho vay vốn trong năm 2012 trong tổng số 1.647 hộ có nhu cầu. Trong khi các ngân hàng lại không hạ điều kiện cho vay. Thời gian cho vay cũng chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất (thời gian vay chỉ 4 tháng, trong khi chu kỳ sản xuất 8 - 12 tháng). Vì vậy đã làm tăng doanh số cho vay của các ngân hàng so với nhu cầu vốn để đầu tư thực tế cho nuôi, thu mua và chế biến cá tra. Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh các thủ tục, tăng chi phí đối với các ngân hàng (người vay đến kỳ đáo hạn phải trả nợ cũ rồi mới làm khế ước vay mới).

Để thực sự tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra trong năm 2013, Bộ NN-PTNT đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lại thời hạn vay nuôi cá tra (cho vay theo chu kỳ nuôi cá 8 - 12 tháng), cơ cấu lại nợ, tăng hạn mức cho vay trên cơ sở sửa đổi bổ sung giá trị cá trong ao và hạ tầng ao nuôi vào căn cứ tính hạn mức cho vay, tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng triển khai cho vay theo tinh thần văn bản 1149/TTg-KTN, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Hiện nay các công ty vẫn đang được vay vốn từ các ngân hàng nhưng do nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đều lớn nhưng không thể vay thêm vì hết tài sản đảm bảo, hạn mức vay còn thấp. Các doanh nghiệp đề nghị về tài sản đảm bảo là hàng tồn kho cần được đánh giá lại cao hơn. Có doanh nghiệp đề nghị giảm phần chiết khấu, như Công ty Thuận An trước đây được vay 300 tỷ đồng, chiết khấu chỉ 0,4 triệu USD. Hiện nay vẫn vay 300 tỷ đồng như vậy nhưng ngân hàng nâng mức chiết khấu lên tới... 2 triệu USD, như vậy thực tế vốn vay doanh nghiệp được sử dụng đã giảm đi 1,6 triệu USD. Lãi suất vay tại Agribank đã chuyển về mức 11%/năm, tuy nhiên thủ tục vay khá phức tạp và hạn mức được vay thấp hơn các ngân hàng khác.

Trần Phúc

Tin cùng chuyên mục