Thị trường xuất khẩu gạo: Cung vượt cầu

Thị trường bị thu hẹp
Thị trường xuất khẩu gạo: Cung vượt cầu

Sau cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, giá gạo tăng rất cao, nhiều quốc gia đã phải nhìn nhận lại và đánh giá cao vai trò quan trọng của lương thực. Vì vậy, nhiều nước đã và đang có chủ trương tự chủ về lương thực. Từ năm 2012, đã xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là trong năm 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp không ít khó khăn.

Thu hoạch lúa tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Thu hoạch lúa tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Thị trường bị thu hẹp

Những năm trước, hợp đồng tập trung cấp chính phủ (G to G) lên đến hàng triệu tấn gạo/năm với những quốc gia như Indonesia, Malaysia… đã giúp cho việc xuất khẩu gạo gặp thuận lợi. Vì vậy, từ chỗ hạn chế sản xuất lúa vụ 3 (thu đông), do lũ nhiều địa phương đã được Nhà nước khuyến khích mở rộng diện tích nhờ có hệ thống đê bao chống lũ. Tuy nhiên, khi thị trường bị thu hẹp, việc mở rộng này lại gây ra nhiều khó khăn cho người trồng lúa.

Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) dự báo sản lượng năm 2013 của Indonesia sẽ đạt kỷ lục năm thứ 2 liên tiếp, ở mức 72,1 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2012, nên sẽ giảm nhập khẩu để tiến đến mục tiêu tự túc lương thực. Vì vậy, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), không thể kỳ vọng vào việc xuất khẩu sang Indonesia trong năm nay. Còn Philippines, tuy nông nghiệp bị tàn phá nặng nề bởi thiên tai nhưng nhiều năm qua luôn tỏ ra quyết tâm sẽ tự túc lương thực. Năm nay, mặc dù vẫn mở đấu thầu 187.000 tấn gạo và Việt Nam đã trúng thầu nhưng chính phủ nước này tự tin cuối năm sẽ tự túc được lương thực, thậm chí có thể xuất khẩu. 230.000 tấn gạo ký bán cho doanh nghiệp tư nhân Philippines hầu như không thể thực hiện khi chưa có quota nhập khẩu. Cùng lúc đó, các nước châu Phi tỏ ra chưa vội vàng mua gạo để dự trữ như hàng năm do biết được nguồn cung dồi dào và giá cả chưa ổn định.

Nhu cầu thị trường thế giới yếu cùng với sức chịu đựng kém đang là vấn đề đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Một số doanh nghiệp do bị áp lực tồn kho và quay vòng vốn nên phải chấp nhận bán giá thấp để giải quyết đầu ra.

Chuyển giao trách nhiệm tạm trữ

Thực tế, dù giá gạo Việt Nam thấp hơn giá của Ấn Độ, Pakistan nhưng khách hàng ngại mua vì giá không ổn định, có tâm lý ngại giảm giá tiếp. Không phải ngẫu nhiên khi Trung Quốc, vốn mua gạo Việt Nam với lượng lớn từ năm 2012 đến nay, thời gian qua luôn tìm mọi cách trì hoãn nhận hàng. Trong tổng số 280.000 tấn gạo đã được ký hợp đồng nhưng sau đó bị hủy, Trung Quốc chiếm đến 141.000 tấn, kế đến là các nước châu Phi chiếm 52.000 tấn. Vì vậy, theo VFA, nếu các doanh nghiệp không đồng lòng sẽ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải bán lỗ, gây ảnh hưởng xấu đến các hợp đồng đã ký.

Sau khi mua hết 1 triệu tấn gạo tạm trữ và dù việc thu hoạch lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long đã kết thúc, lượng lúa gạo hàng hóa không còn nhiều, nhưng giá gạo 5% tấm giảm từ 200 - 300 đồng/kg so với thời gian mua tạm trữ. Nguyên nhân chính là do thị trường trầm lắng, xuất khẩu chậm và doanh nghiệp tồn kho nhiều. Giá gạo xuất khẩu giao dịch trong tháng 4-2013 giảm từ 10 - 15 USD/tấn so với tháng 3 do thiếu nhu cầu và áp lực bán ra để quay vòng vốn của doanh nghiệp nên với giá hiện nay mỗi tấn gạo tạm trữ lỗ từ 20 - 25 USD. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần giảm bớt áp lực lúa hàng hóa bằng cách giảm diện tích lúa vụ 3, chuyển qua một số cây trồng khác. Điều này dù không dễ dàng nhưng nếu không chủ động khuyến cáo người dân vẫn sẽ trồng lúa. Ngoài ra, trước những ý kiến cho rằng việc tạm trữ thời gian qua chỉ giúp doanh nghiệp hưởng lợi và cần thay đổi việc tạm trữ, có khả năng trong vụ hè thu tới việc tạm trữ lúa gạo sẽ được chuyển về giao cho các địa phương đảm nhận. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước nên đứng ra mua hết lúa hàng hóa trong dân, sau đó đấu thầu để doanh nghiệp tham gia nếu muốn xuất khẩu. Vấn đề này dù trước đây đã có không ít ý kiến đặt ra một cách dè dặt, nhưng đã đến lúc cần phải nhìn nhận để sớm đưa ra các giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn.

Hiện nay Thái Lan tồn kho khoảng 17 triệu tấn gạo và con số này sẽ lên đến 20 triệu tấn trước khi vào vụ chính từ tháng 11-2013. Vụ chính sẽ cung cấp thêm 25 triệu tấn lúa, tức khoảng 15 triệu tấn gạo. Trong khi đó, đến đầu tháng 4-2013, Ấn Độ tồn kho khoảng 35,5 triệu tấn gạo, gấp khoảng 3 lần mục tiêu của chính phủ nước này đề ra (12,2 triệu tấn). Dự báo sản lượng gạo năm nay Ấn Độ sẽ đạt 110 triệu tấn nên nước này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khiến thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục