Giải pháp nào tiêu thụ lúa hàng hóa?

“Chết đứng” vì lúa... ngã! 
Giải pháp nào tiêu thụ lúa hàng hóa?

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã triển khai thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ (quy lúa) vụ hè thu được hơn 1 tuần. Thế nhưng, những ngày qua nông dân ĐBSCL lại lãnh trọn “mùa mưa” do áp thấp - bão, khó khăn chồng chất khó khăn. Trong bối cảnh đầu ra hạt gạo chịu nhiều áp lực, việc triển khai các giải pháp mang tính chiến lược để giúp nông dân trụ lại nghề trồng lúa là rất cần thiết.

Nhiều nông dân may mắn thu hoạch lúa hè thu trước khi mưa dầm.

Nhiều nông dân may mắn thu hoạch lúa hè thu trước khi mưa dầm.

“Chết đứng” vì lúa... ngã! 

“Chưa bao giờ hạt lúa buồn như lúc này. 10 ngày qua, mưa liên tục, nước ngập nặng chân ruộng, gần 10 thửa ruộng hè thu bị ngập hết 8, máy gặt đập liên hợp không vào được. Giá công cắt, từ 300.000 đồng/công nhảy vọt lên 500.000 đồng/công”, anh Hai Thức ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang than thở. Anh Hai Thức vừa thuê công cắt một ít, còn lại phải huy động anh em và vợ con để cắt 6 công lúa chạy mộng! Đây cũng là tình cảnh chung của hàng trăm ngàn nông dân ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Long An…

Anh Út Nhỏ, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, Hậu Giang, cho biết: “Lúa chín rục. Từ lúa đứng, chuyển sang đổ ngã hàng loạt, khiến chi phí thu hoạch tăng cao, cộng với lúa thất thoát nhiều, chất lượng giảm… đồng nghĩa giá bán giảm theo. Vụ này, nông dân coi như lỗ nặng”. Tình cảnh chung của nông dân là lúa gặp mưa dầm khiến việc thu hoạch bị ùn ứ do lúa đổ ngã, ẩm ướt. Lúa gặp mưa làm chất lượng giảm nên bị thương lái chê, từ đó đẩy nông dân vào cảnh khốn đốn vì không tiêu thụ được.

“Nhiều nông dân ở Hậu Giang chỉ bán lúa tươi với giá 3.000 đồng/kg, mức giá này nông dân lỗ nặng vì quá thấp so với giá thành sản xuất”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang bày tỏ.

Đối với những hộ có lúa mới trổ hay gần chín thì khó khăn chồng chất. Anh Trần Văn Hết ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cho biết: “Mưa dầm trong những ngày qua khiến tôi như ngồi trên đống lửa. Bởi 2,7ha lúa của gia đình trong vụ này còn khoảng 10 ngày nữa thu hoạch, nhưng nay có gần phân nửa diện tích bị ngập từ 30% - 40%. Lúa còn xanh nằm trong nước, nếu để kéo dài sẽ làm giảm chất lượng và năng suất là điều khó tránh khỏi”.

Bình quân các tỉnh có diện tích trồng lúa lớn như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, An Giang, có từ 20.000ha - 30.000ha lúa bị ngập/địa phương. Chưa có con số thông kê chính xác những thiệt hại do mưa dầm gây ra nhưng nhiều người đặt câu hỏi: Có nên tính những thiệt hại này như một dạng thiên tai, để có chính sách hỗ trợ?

Đồng bộ chính sách tạm trữ

Theo một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến cuối ngày 24-6, các doanh nghiệp đã thu mua khoảng 70.000 tấn gạo trong chỉ tiêu 1 triệu tấn gạo tạm trữ vụ hè thu. Tiến độ thu mua tạm trữ trong những ngày qua cực kỳ chậm do tác động của thời tiết. Nổi lên là nhu cầu sấy lúa của nông dân tăng mạnh khi lúa gặp mưa dầm; hệ thống lò sấy còn yếu, bị quá tải.

Trong gần 2 tuần qua, câu chuyện tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL trở nên nóng từ các phương tiện truyền thông địa phương cho đến trung ương. Trong đó, nhiều bài viết đã trích dẫn lại câu nhận định khá chua chát của Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong: “Với tình hình hiện tại đừng nên đòi hỏi mức lời tối thiểu 30% mà hãy hỏi bán hay để vịt ăn?”. Trớ trêu thay, thực tế đã có không ít nông dân phải “bấm bụng” bán lúa ngập cho vịt ăn.

Có thể nói chính VFA cũng đang rơi vào thế khó và “đau đầu” trước dư luận khi đầu ra hạt gạo liên tục gặp khó khăn. Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa năm 2013 khoảng 43,49 triệu tấn. Sau khi trừ đi tiêu thụ nội địa, dự kiến lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ khoảng 8 triệu tấn (chưa kể tồn kho năm 2012 chuyển sang khoảng 1,85 triệu tấn). Như vậy, lượng gạo cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm 3,57 triệu tấn.

Cách đây vài năm, chuyện lo đầu ra 3,5 triệu tấn gạo trong khung thời gian 6 tháng không phải là chuyện lớn. Nhưng bối cảnh kho gạo của thế giới đang “phình” ra ở Ấn Độ và Thái Lan và ngày càng có nhiều đối thủ xuất khẩu gạo trên thế giới thì việc tìm đầu ra đang tạo nên áp lực căng thẳng! Đây là lúc VFA cần minh chứng sự lèo lái với kinh nghiệm đã tích lũy trong nhiều năm qua!

Trong gần 3 năm qua, giá lúa gạo luôn đi theo chiều sụt giảm. Trong khi chờ những quyết sách đồng bộ để điều chỉnh diện tích sản xuất lúa hợp lý, hiện ngành nông nghiệp nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL đang chờ đợi câu trả lời của Bộ NN-PTNT: Trong bối cảnh đầu ra hạt lúa đầy khó khăn, có nên sản xuất tiếp lúa vụ 3 (vụ thu đông), và nếu sản xuất thì bao nhiêu là vừa?. Hiện tại, dù khó khăn đang chồng chất nhưng nông dân một số nơi đã bắt đầu xuống giống lúa vụ 3!

“Lúa, gạo đang là câu chuyện nóng, Chính phủ nên mua tạm trữ 20% - 30% sản lượng/vụ. Các doanh nghiệp VFA phải mua dự trữ 20% - 30%, hỗ trợ nông dân dự trữ 10% - 20%/vụ. Số còn lại lưu thông mua bán là hợp lý, giảm bớt áp lực ùn ứ lúa hàng hóa”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang đề xuất. Theo ông Nguyễn Văn Đồng, cần hỗ trợ với tỷ lệ nhất định cho nông dân mua máy sấy dạng 2 tấn (giá thành khoảng 20 triệu đồng/máy), để tránh tình trạng lúa lên mộng như hiện nay khi gặp mưa dầm. Loại máy sấy này cơ khí Cần Thơ đã sản xuất được.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục