Long đong trái thanh long

Tuần qua, khi Toàn quyền New Zealand, ngài Trung tướng Jerry Mateparae, kết thúc chuyến thăm Việt Nam cũng là lúc mở ra giai đoạn hợp tác 5 năm về gói hỗ trợ nông nghiệp trị giá 4 triệu USD. Dự án do Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) và Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam thực hiện với mục tiêu tạo ra giống thanh long mới và cung cấp mô hình mẫu cho các hoạt động chọn tạo, thương mại hóa các giống trái cây.
Long đong trái thanh long

Tuần qua, khi Toàn quyền New Zealand, ngài Trung tướng Jerry Mateparae, kết thúc chuyến thăm Việt Nam cũng là lúc mở ra giai đoạn hợp tác 5 năm về gói hỗ trợ nông nghiệp trị giá 4 triệu USD. Dự án do Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) và Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam thực hiện với mục tiêu tạo ra giống thanh long mới và cung cấp mô hình mẫu cho các hoạt động chọn tạo, thương mại hóa các giống trái cây.

        Uy tín trái kiwi

Về lĩnh vực cây ăn trái, Việt Nam và New Zealand có nhiều điểm tương đồng khá thú vị. Thanh long được nhiều nước biết đến như loại trái cây đặc trưng của VN. Đây là trái cây có lợi thế cạnh tranh và được xuất khẩu nhiều nhất cả về sản lượng và kim ngạch. Tiến sĩ Võ Mai, khi là Chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN, nay là Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit) từng đề nghị, lấy trái thanh long làm biểu tượng cho trái cây VN. Nhưng ít người biết rằng, loại trái này có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Trong khi đó, trái kiwi của New Zealand nổi tiếng toàn thế giới ngày nay lại xuất phát từ Trung Quốc với tên gọi quả lý gai. Sau năm 1904, hạt giống này được mang đến trồng ở New Zealand. Năm 1958, tên kiwi chính thức được sử dụng loại trái này. Kiwi là loài chim biểu tượng của New Zealand.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu (phải) giới thiệu về quả thanh long với Toàn quyền New Zealand, ngài Jerry Mateparae.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu (phải) giới thiệu về quả thanh long với Toàn quyền New Zealand, ngài Jerry Mateparae.

Nhiều thập niên trước đây, trái kiwi New Zealand cũng trồng theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm và cùng tranh giành thị trường như trái thanh long. Chính vì thế chất lượng trái kiwi không đều, thị trường tiêu thụ bị giới hạn. Năm 2000, Công ty TNHH Quốc tế Zespri được thành lập sau khi tái cấu trúc ngành công nghiệp quả kiwi, tạo ra đầu mối duy nhất để xuất khẩu quả kiwi được trồng tại New Zealand. Công ty Zespri là một công ty liên hiệp, có thể xem như hợp tác xã, do được sở hữu từ hơn 3.000 người trồng kiwi tại New Zealand. Zespri được thành lập theo Luật Tái cấu trúc ngành công nghiệp quả kiwi năm 1999, với cam kết chỉ trồng, cung cấp loại kiwi chất lượng, an toàn nhất. Chất lượng được kiểm soát từ nhà vườn tới bán lẻ. Bên cạnh tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức trồng cũng như bao tiêu sản phẩm, Zespri còn cung ứng giống tốt, hỗ trợ các nông trại về vốn...

3 nguyên tắc căn bản trong kinh doanh mà Zespri xem là động cơ để tạo ra loại kiwi tốt nhất là: Công bằng và công khai các hoạt động; Cam kết cung cấp quả kiwi ngon, chất lượng và an toàn nhất; Không ngừng cải tiến để tạo ra nhiều loại quả kiwi với khẩu vị khác nhau. Nhờ vậy, sau hơn 10 năm xây dựng thương hiệu, trái kiwi nổi tiếng của New Zealand đã chinh phục hầu hết thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, các nước châu Âu. Zespri nhanh chóng trở thành công ty xuất khẩu quả kiwi lớn nhất thế giới, đến hơn 60 quốc gia. Sản lượng kiwi thu hoạch mỗi năm khoảng 850.000 tấn, lượng bán trên toàn thế giới khoảng 116,5 triệu thùng kiwi vàng và xanh, doanh thu khoảng 1,62 tỷ USD năm 2012.

        Chậm chân uống nước đục?

Ngoài New Zealand và Trung Quốc, còn có Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Chile... trồng kiwi, nhưng kiwi Zespri của New Zealand lại là loại kiwi số 1 thế giới. Có thể nói rằng, nhờ Zespri mà thế giới biết đến trái kiwi của New Zealand. Với trái thanh long, Việt Nam đã xuất khẩu hàng chục năm, được nhiều quốc gia đánh giá cao. Giờ đây nhiều nước trong vùng đã nghiên cứu, lai tạo và trồng thanh long như Thái Lan, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, mới nhất là đảo Hawai của Mỹ ở Thái Bình Dương cũng đã trồng khoảng 500ha thanh long để cung ứng vào nội địa.

Trong khi đó, tình trạng manh mún, phân tán, tranh giành khách hàng hiện nay của các doanh nghiệp (DN) trồng và kinh doanh thanh long VN như trái kiwi của New Zealand hơn 1 thập niên trước. Nếu các DN không nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, VN khó mà độc chiếm thị trường như hiện nay một khi các nước tổ chức được chuỗi ngành hàng thanh long như cách làm của Zespri.

Từ thanh long ruột trắng, Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) đã lai tạo ra giống thanh long ruột đỏ năm 2006 có ưu điểm ít nước, phần cơm chắc hơn (giòn hơn), các tai vỏ bên ngoài đều khá dài, đáp ứng thị hiếu khách hàng châu Á. Nhưng từ nghiên cứu, lai tạo ra giống mới chỉ là giai đoạn mở đầu, đoạn đường còn lại là một cả quá trình từ chuyển giao cho nhà DN trồng, thu hoạch, chế biến, tiếp thị và buôn bán. PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Sofri, cho biết, sau khi tạo ra giống mới, năm 2010, Sofri liên hệ các DN trồng và xuất khẩu thanh long, trong đó có DN hàng đầu về xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận để bán bản quyền hoặc liên kết. Nhưng chỉ nhận cái lắc đầu!

Trong khi đó, Công ty Zespri đặc biệt quan tâm đến giống thanh long ruột đỏ khi biết thông tin này. Đại diện Zespri làm việc với Sofri đề nghị ký hợp đồng để thương mại hóa giống này trên thế giới. Theo đó, Zespri sẽ đứng ra tổ chức sản xuất từ giống do Sofri cung cấp, thu hoạch, chế biến, làm thương hiệu và xuất khẩu độc quyền một số nước như Mỹ, Úc... và sẽ trích 2% - 5% tổng doanh thu hàng năm cho Sofri. PGS-TS Nguyễn Minh Châu cho biết, đang nhờ luật sư xem xét các khía cạnh pháp lý để tránh bị thua thiệt về sau khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm về chuyện này. Trả lời câu hỏi, nếu sau khi ký hợp đồng với Zespri, DN Việt Nam có thể hợp tác với Sofri để sản xuất không, ông Châu cho biết, vẫn được nhưng sẽ phải chấp nhận một số điều kiện do đến sau như không được xuất khẩu vào thị trường mà Zespri đã ký với Sofri trước đó.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục