Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp - Bài 2: đặt hiệu quả lên hàng đầu

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là nhu cầu bức thiết ở ĐBSCL. Việc này không chỉ làm hạ nhiệt nỗi lo về giá cả và tiêu thụ lúa đang ngày càng ảm đạm, mà còn góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân… Tuy nhiên, chuyển đổi thế nào, phải được tính trong tổng thể và phải hết sức thận trọng, không nên ào ạt chuyển đổi khi chưa có chiến lược, giải pháp đồng bộ, tính bền vững, đặc biệt là lợi ích của nông dân.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là nhu cầu bức thiết ở ĐBSCL. Việc này không chỉ làm hạ nhiệt nỗi lo về giá cả và tiêu thụ lúa đang ngày càng ảm đạm, mà còn góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân… Tuy nhiên, chuyển đổi thế nào, phải được tính trong tổng thể và phải hết sức thận trọng, không nên ào ạt chuyển đổi khi chưa có chiến lược, giải pháp đồng bộ, tính bền vững, đặc biệt là lợi ích của nông dân.

Nhu cầu bức thiết

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, ngành sản xuất lúa gạo của nước ta đang gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ hẹp, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm. Các nước nhập khẩu lúa gạo chính của Việt Nam như Indonesia, Philippines đã bắt đầu tự sản xuất. Mặt khác, Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar… nên thị trường xuất khẩu lúa gạo được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Do vậy, việc chuyển đổi là vấn đề tất yếu, trong đó, cây bắp và đậu nành đang là ưu tiên hàng đầu vì thị trường đang có nhu cầu lớn.

PGS-TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Những năm qua, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,5 - 1,7 triệu tấn bắp hạt, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành, 600.000 tấn hạt đậu nành và một số nguyên liệu khác, tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 3,4 tỷ USD, gần bằng với tổng kim ngạch xuất khẩu lúa gạo (năm 2012 hơn 3,7 tỷ USD). Các mặt hàng này, Việt Nam (đặc biệt là vùng ĐBSCL) hoàn toàn có điều kiện sản xuất và khả năng đáp ứng… Theo tính toán của Cục Trồng trọt, ĐBSCL có khả năng phát triển diện tích trồng bắp lai lên đến 100.000ha, 350.000ha đậu nành trong vụ xuân hè và hè thu sớm trên các diện tích lúa kém hiệu quả. Mỗi năm cung cấp khoảng 700.000 tấn đậu nành và 550.000 tấn bắp cho nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Phạm Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, mục đích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nếu thu nhập của nông dân trồng lúa là 10 triệu đồng/ha, phải chuyển thế nào để người nông dân có thu nhập cao hơn chứ không phải là chỉ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả. Bởi vậy, việc chuyển đổi đầu tiên phải xác định thị trường của sản phẩm với các đối tượng cụ thể là cây bắp, đậu nành và các cây nhu cầu trong nước có nhưng hẹp hơn như rau, hoa, hoa quả.

Theo chủ trương của ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi 200.000ha đất lúa sang trồng màu với 2 loại cây chủ lực ưu tiên phát triển là bắp và đậu tương được nhiều địa phương khuyến khích bởi mang lại hiệu quả cao và ổn định.

Từ bài học đắt giá

Dù nhất trí cao với chủ trương này nhưng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý đặc biệt lưu ý hết sức thận trọng khi nhân rộng ra đại trà. Đối với diện tích chuyển đổi nhỏ có thể đạt hiệu quả cao nhưng khi sản xuất đồng loạt trên diện rộng là cả vấn đề. Thực tế tại ĐBSCL thời gian qua có nhiều bài học đắt giá từ sự nóng vội, chạy theo phong trào. Ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đưa ra bằng chứng sinh động về câu chuyện vận động nông dân huyện Tháp Mười đẩy mạnh chuyển đổi từ việc trồng lúa thường sang lúa thơm ở tỉnh Đồng Tháp hồi năm 2008. “Hồi đó, thu hoạch lúa rồi mà nông dân bán không được, thương lái không mua; buộc lòng tỉnh phải xuất tiền ra mua hết lúa cho nông dân. Rồi phong trào trồng cỏ nhập bò sữa về nuôi còn là bài học đắt giá hơn. Lúc đó, phát động rần rần, nhưng chết tươi ngay sau đó bởi chương trình đổ vỡ ngay từ khâu nhập giống”.

Ông Huỳnh Minh Đoàn nhấn mạnh: “Chuyển đổi phải được đặt trên cái nền thị trường với sự gắn kết chặt chẽ, minh bạch và chia sẻ quyền lợi, nghĩa vụ giữa doanh nghiệp - nông dân và sự hỗ trợ của Nhà nước và nhà khoa học. Không được xuất phát từ ý chí, nếu không sẽ thất bại. Nhà nước nên thiết lập hàng rào bảo vệ sản phẩm từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời có chính sách bảo hộ cho nông dân, phải dành nguồn kinh phí đầu tư 50 - 100 triệu USD. Chắc chắn sau sự xuất hiện của hàng trong nước, các nhà sản xuất nước ngoài sẽ tìm cách giành lại thị phần. Với thế mạnh về công nghệ, giống chuyển đổi gien… họ sẽ có nhiều ưu thế trong cuộc cạnh tranh với hàng trong nước…”. Trăn trở với vấn đề này, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói: “Đừng tham vọng quá lớn trồng cây gì hay nuôi con gì sẽ hốt bạc liền, làm cái gì cũng phải biết nhìn, chắc chắn… Tôi còn nhớ hồi trước thực hiện chương trình bò sữa, lúc đó An Giang nhập về 200 con. Cùng lúc một công ty ở TPHCM nhập cả ngàn con, nhưng nuôi đều bị lỗ lã đành phải bán bò thịt. Kế đến tôi lập trại bò giống lai Sind ở Tri Tôn số lượng hơn ngàn con nhằm cung cấp cho các hộ đồng bào Khmer nuôi để thoát nghèo. Nhưng rồi cũng không cạnh tranh nổi. Sau là nhà máy bột mì ở Lương An Trà, huyện Tri Tôn không hiệu quả đành phải dẹp bỏ…”. Cậu chuyện mới nhất xảy ra trên cánh đồng mẫu lớn, đang được triển khai rầm rộ ở các địa phương ĐBSCL. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho hay: “Vừa qua, chúng tôi đã xuất ngân sách bù lỗ 400 đồng/kg lúa trên các cánh đồng mẫu lớn. Chúng tôi mạnh dạn xử lý để nuôi dưỡng mô hình tốt này vừa phát động xây dựng lại gặp trong lúc khó khăn. Nhưng nếu xử lý hoài thì khó. Giữa nông dân và doanh nghiệp đều có nhu cầu năng suất và lợi nhuận cao, việc này không mâu thuẫn nhau. Nhưng vấn đề quan trọng là cơ chế chính sách làm sao cho nhu cầu này được đảm bảo”…

Điều đó cho thấy, một trong những yêu cầu bức thiết nhất hiện nay đó là phải sớm tìm những “phương thuốc” để người nông dân không thờ ơ với “bờ xôi ruộng mật”. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, đây là giai đoạn quan trọng để đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển nguyên liệu phục vụ chăn nuôi và đảm bảo an ninh lương thực.

  •  Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát

"Đã đến lúc chúng ta phải chuyển từ nền nông nghiệp tập trung cho sản lượng sang một nền nông nghiệp tập trung nâng cao chất lượng, đặc biệt là giá trị gia tăng làm tăng thu nhập cho nông dân. Điều đó đã thể hiện rất rõ trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt"

NHÓM PV

- Bài 1: Điệp khúc mất mùa được giá...

Tin cùng chuyên mục