Tái cơ cấu nông nghiệp: Nhà nông là “gốc"

LTS: Việt Nam hiện vẫn là đất nước nông nghiệp (NN) với hơn 70% dân số sinh sống ở các vùng nông thôn. Nhiều năm qua, thực trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại khiến đời sống hàng chục triệu nông dân thường xuyên gặp khó khăn. Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xem việc tái cơ cấu NN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời gian tới.
Tái cơ cấu nông nghiệp: Nhà nông là “gốc"

LTS: Việt Nam hiện vẫn là đất nước nông nghiệp (NN) với hơn 70% dân số sinh sống ở các vùng nông thôn. Nhiều năm qua, thực trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại khiến đời sống hàng chục triệu nông dân thường xuyên gặp khó khăn. Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xem việc tái cơ cấu NN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời gian tới.

Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo

Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo trên cơ sở đã có trong thực tế mùa vụ lúa, giống lúa, hệ thống canh tác lúa chuyên canh, luân canh lúa - màu, lúa - tôm/cá, đa dạng hóa sản xuất trên ruộng lúa, vùng lúa, bao gồm cả ngành nghề. Tái cơ cấu sản xuất kinh doanh lúa gạo hướng vào lợi ích của nông dân còn có tác dụng như “sức đẩy” nông dân tích cực canh tác lúa, trước hết là khâu gieo trồng, khâu khởi đầu cho một vụ lúa mà người nông dân phải trực tiếp dùng lao động cơ bắp và kỹ năng sản xuất nhiều nhất, các khâu canh tác khác được cơ giới hóa ngày một tốt hơn và nhiều hơn. Đây là vấn đề cốt yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Thu hoạch bằng phương tiện cơ giới giúp giảm hao phí. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Thu hoạch bằng phương tiện cơ giới giúp giảm hao phí. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Trong chuỗi giá trị lúa gạo hàng hóa gia tăng, cái gốc của chuỗi này đương nhiên là nông dân, đang bị thiệt đơn thiệt kép. Do đó, việc cấu trúc lại nền NN, trong đó có nền sản xuất lúa bền vững cần lấy điểm xuất phát, lấy thước đo là mức độ cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của nông dân. Nông dân vùng lúa đã có thu nhập rất thấp từ sản xuất của mình, lại phải đóng góp nhiều.

Nằm trong phạm vi tái sản xuất NN, tái cơ cấu sản xuất lúa được cho là có mục tiêu chiến lược “tăng thu nhập thuần cho nông dân sản xuất”, trên cơ sở này mà có những mục tiêu trước mắt với những bước đi thích hợp.

Xây dựng nông thôn mới

Có người coi “ngành hàng” nông nghiệp là kinh tế trung mô, giữa vi mô ở phạm vi nông hộ và vĩ mô trong phạm vi vùng, phạm vi quốc gia. Hầu như chúng ta chỉ quan tâm đến kinh tế vĩ mô, sau đó là trung mô, còn vi mô kinh tế hộ, tiêu biểu là kinh tế sinh thái VAC thì gần như bỏ ngỏ. Cần nghiên cứu vận hành ngành hàng và quan tâm đúng mức đến kinh tế hộ để lợi ích hướng vào người sản xuất ra nông sản. Nhiều chuyên gia khuyên nông dân sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Nhưng nông dân chỉ biết sản xuất ra để bán cho thương lái, nghe và làm theo thương lái; nghe từ các nguồn thông tin khác mà sản xuất thì không hoặc khó bán được sản phẩm với giá thỏa đáng. Nghiên cứu dự báo thị trường có thể giúp doanh nghiệp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng, còn nông dân trực tiếp hưởng lợi có là bao!

Tái cơ cấu NN có thể hiểu là trên cơ sở cây trồng vật nuôi sẵn có, ta sắp xếp lại về thời gian và không gian hợp lý để có hiệu quả hơn. Về thời gian là bố trí thời vụ hợp lý, về không gian là cơ cấu sản xuất NN thích hợp cho mỗi vùng sinh thái, tỷ lệ diện tích cho mỗi mùa vụ và tỷ lệ đầu tư cho mỗi hoạt động sản xuất cây/con. Cũng cần đưa vào nội dung tái cơ cấu NN ngành hàng nông sản để vừa gia tăng giá trị qua mỗi khâu (sản xuất, thu gom, chế biến, xuất khẩu...) vừa phân phối lợi nhuận hợp lý, vì hiện nay chưa công bằng với người sản xuất.

Trong mối quan hệ “nông dân - nông thôn - nông nghiệp”, nông dân là chủ thể vì xây dựng nông thôn và làm NN là do nông dân. Trong mối quan hệ “4 nhà”, nhà nông đứng vị trí chủ thể, trong đó quan hệ liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp nếu có hiệu quả thì là mối quan hệ trực tiếp và thường xuyên. Nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao giống, kỹ thuật vào sản xuất tất nhiên phải qua nông dân. Nhà nước quản lý và hỗ trợ sản xuất NN thì đối tượng chính vẫn là nông dân.

Theo kết quả điều tra của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), trên cả nước vừa qua, bình quân mỗi hộ nông dân phải chịu 30 - 40 khoản đóng góp, với mức 250.000 - 800.000 đồng/năm. Hai khoản nông dân phải đóng nặng nhất là xây dựng giao thông nông thôn và trường học, bình quân 672.000 - 872.000 đồng/hộ/năm. Tại Hà Nội, ngày 7-8-2013 Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương công bố báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam, kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh cho thấy thu nhập của hộ gia đình nông dân chỉ đạt hơn 48.000 đồng/ngày, tức 1.458.000 đồng/tháng. Nếu trên cơ sở mỗi hộ 4 người thì 1 năm mỗi nông dân chỉ đạt thu nhập trung bình 4,2 triệu đồng, tương đương 200 USD. Đây cũng là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trước thời kỳ đổi mới. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là hơn 1.600 USD/năm, có thể thấy sự giãn cách về thu nhập nông thôn và thành thị ngày một nhiều. Tái cơ cấu nền NN cũng phải nhằm tới mục đích thu hẹp khoảng cách theo hướng tăng thu nhập thuần cho nông dân. Trong tình trạng trên, chương trình xây dựng nông thôn mới là rất bức thiết.

GS-TS NGUYỄN VĂN LUẬT-TÔ NGUYỄN (ghi)


Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ NN-PTNT: Phát triển toàn diện chuỗi ngành hàng

Mục tiêu chính của công tác tái cơ cấu ngành NN nhằm hướng tới phát triển NN hiệu quả, bền vững có hàm lượng khoa học công nghệ cao, cơ giới hóa cao, tạo ra giá trị cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện thu nhập nông dân, gắn với kinh tế nông thôn phát triển năng động và đa dạng. Để phục vụ mục tiêu này, Bộ NN-PTNT đã đề xuất một số định hướng tái cơ cấu ngành như sau:

Cần trợ giúp các hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đang gặp khó khăn để có thể giữ vững ao nuôi và đầu tư tái đàn bằng hỗ trợ tài chính, giãn nợ...; đồng thời cần có giải pháp để trợ giúp các doanh nghiệp nông thôn còn hoạt động duy trì và khôi phục sản xuất thông qua các giải pháp tài chính.

Tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân (cả trong và ngoài nước) đầu tư vào lĩnh vực NN-PTNT, chuyển các hoạt động quan trọng mà trước đây nhà nước đầu tư hoàn toàn sang hợp tác công tư (PPP). Các hoạt động đề xuất là: sản xuất công nghệ cao, áp dụng tiêu chuẩn sản phẩm quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, thông tin thị trường, quản lý rủi ro, vận hành và bảo trì hệ thống thủy lợi, quản lý cơ sở hạ tầng nông thôn, nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp, dịch vụ khuyến nông, dịch vụ thú y, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, tài chính nông thôn và bảo hiểm nông nghiệp.

Nhóm giải pháp quan trọng nhất, cần tập trung sức để giải quyết là đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành: Phát triển khoa học công nghệ; tập trung đầu tư kết hợp cải tiến tổ chức, phát triển toàn diện chuỗi ngành hàng (từ sản xuất, chế biến đến buôn bán) đối với những ngành có lợi thế như lúa gạo, cá da trơn ở ĐBSCL, cây công nghiệp ở Tây Nguyên... tại các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu trọng điểm (theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết…).

Cải cách và tăng cường vai trò của hội nông dân, vai trò của các hiệp hội ngành hàng và các HTX NN. Nâng cao vai trò của các tổ chức này trong việc cung cấp các dịch vụ công. Nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với các dịch vụ công và các hoạt động sử dụng nguồn lực chung. Cải cách thủ tục hành chính, tập trung hoạt động của nhà nước vào những hoạt động quản lý chính (chính sách, quy hoạch, tiêu chuẩn...). Xóa bỏ cơ chế xin - cho, chuyển sang đối tác khách hàng trong quản lý NN và giao thêm quyền tự chủ cho người dân cho phát triển nông thôn, đặc biệt trong nông thôn mới.

Xử lý dứt điểm, cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp nông lâm nghiệp nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng đất bằng cách làm rõ đối tượng quản lý và sử dụng có hiệu quả cao nhất.

Trước tình hình suy giảm của sản xuất NN và xáo trộn trong kết cấu nông thôn, đã đến lúc phải có quyết tâm chính trị cao để kiên quyết tái cơ cấu lại ngành NN, ưu tiên phát triển nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của nông dân.

Đây là những bước đột phá ban đầu để tiếp tục duy trì bằng được điểm sáng NN nông thôn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, muốn khai thác tiềm năng to lớn của NN nông thôn Việt Nam thực sự trở thành lợi thế đưa Việt Nam quay trở lại mức phát triển hiệu quả và vững bền để có thể cất cánh công nghiệp hóa thì phải tiến hành tái cơ cấu kiên quyết và triệt để toàn bộ nền kinh tế.

BẢO QUỐC (ghi)


Cả nước ta có 9.121 xã. Trong đó, đồng bằng sông Hồng có 1.955 xã thuộc 11 tỉnh; vùng Đông Nam bộ có 490 xã thuộc 6 tỉnh; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 2.489 xã thuộc 14 tỉnh; vùng Tây Nguyên có 598 xã thuộc 5 tỉnh; đồng bằng sông Cửu Long có 1.306 xã thuộc 13 tỉnh. Bình quân đất canh tác cả nước chỉ có 1,61ha/hộ; trong đó đồng bằng sông Hồng có 0,35ha; trung du và miền núi phía Bắc 2,13ha; Bắc Trung bộ 1,76ha; duyên hải miền Trung 2,13ha; Tây Nguyên 5,63ha; Đông Nam bộ 1,2ha; đồng bằng sông Cửu Long 1,03ha.

Tin cùng chuyên mục