Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL: Nhu cầu bức bách

Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL: Nhu cầu bức bách

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, tuy nhiên tình trạng “được mùa, rớt giá” cứ lặp đi lặp lại khiến đời sống người dân gặp khó bởi thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tình hình mới, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường tiêu thụ trên cơ sở liên kết chặt giữa nông dân với doanh nghiệp là vấn đề cấp bách đặt ra.

        Gấp rút tái cơ cấu

Hiện nay nhiều địa phương ở ĐBSCL đã và đang đồng loạt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên mạnh dạn báo cáo đề án với Chính phủ và các bộ ngành trung ương. UBND tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, nông nghiệp là thế mạnh, là kinh tế chủ lực nhưng thời gian qua giá lúa bấp bênh; còn cá tra thì rớt giá kéo dài làm người nuôi lỗ nặng, nay giá tăng nhưng dân không có cá để bán. Rồi việc sản xuất các sản phẩm rau màu, trái cây… cũng bộc lộ nhiều bất cập, mà ở đó phương pháp sản xuất dạng nhỏ lẻ, tự phát vẫn còn tồn tại.

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, để nông nghiệp bứt phá cần phải tái cơ cấu, thay đổi cách nghĩ, cách làm với mục tiêu là nâng cao giá trị gia tăng để phát triển bền vững. Cùng trăn trở trên, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: “Năm qua, giá trị sản xuất các mặt hàng nông lâm thủy sản của tỉnh đạt hơn 7.600 tỷ đồng, tăng 3.717 tỷ đồng so với thời điểm năm 2000. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng của ngành nông nghiệp chưa cao và thiếu bền vững; công nghiệp chế biến nông sản chưa gắn kết chặt chẽ với xây dựng vùng nguyên liệu nên việc tiêu thụ các sản phẩm cho nông dân thường xảy ra trục trặc, rủi ro cao. Có nhiều nguyên nhân như thiên tai, dịch bệnh, giá cả trên thị trường luôn biến động, công tác quy hoạch định hướng sản xuất và dự báo thị trường hạn chế; ngành chức năng thiếu đề xuất các chính sách có tính đột phá để hỗ trợ người dân trong sản xuất, tiêu thụ… Tất cả là những bức bách cần nhanh chóng thay đổi”.

Nông dân thu hoạch lúa tại An Giang. Ảnh: KIM NGÂN

Nông dân thu hoạch lúa tại An Giang. Ảnh: KIM NGÂN

Các nhà chuyên môn cho rằng, hơn 25 năm qua, nông nghiệp ĐBSCL đạt được những kết quả đáng ghi nhận; song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Đáng lo ngại là tốc độ tăng trưởng gần đây cứ giảm dần, sức cạnh tranh thấp, từ đó kéo theo hiệu quả thấp. Nhiều nơi cứ hô hào chuyển đổi nhưng đến nay quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán nên năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản thấp. Ngành nông nghiệp thời gian qua chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa vào khai thác tài nguyên đất, nước, sinh học... Vì thế, bộc lộ những yếu kém nội tại như đời sống vật chất của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, môi trường ô nhiễm… Đây là những thách thức không nhỏ cần nhanh chóng tái cơ cấu, nhằm đảm bảo đời sống người dân làm nông nghiệp.

        Doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết: “Để tái cơ cấu nông nghiệp thành công thì vai trò doanh nghiệp rất quan trọng, doanh nghiệp phải đóng vai trò “dẫn dắt” trong việc hợp tác với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Trong mô hình liên kết chỉ nên để 2 nhà là “doanh nghiệp và nông dân”, còn nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng… sẽ ẩn phía sau hỗ trợ”. Một tín hiệu tích cực là thời gian gần đây, Đồng Tháp thu hút khá nhiều doanh nghiệp đến đầu tư vào ngành nông nghiệp như xây nhà máy chế biến, nhà máy xay xát lúa gạo, xây dựng vùng nguyên liệu, kho chứa, lò sấy… Mới đây, hơn 30 doanh nghiệp từ Nhật Bản đã đến Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ… tìm hiểu thực tế để đầu tư vào nông nghiệp. Có thể nói, đây là thời cơ mới cho nông nghiệp ĐBSCL khi các doanh nghiệp đã chịu đầu tư kinh phí lớn vào nông nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), bộc bạch: “Làm sao gắn kết được doanh nghiệp với nông dân như máu thịt thì sản xuất nông nghiệp mới đem lại hiệu quả. Chính điều đó mà những năm qua AGPPS xây dựng hơn 12.000 mô hình trên đồng ruộng để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân; xây 5 nhà máy chế biến gạo ở ĐBSCL để tiêu thụ lúa cho nông dân; AGPPS còn phát hành hơn 1,8 triệu cổ phiếu cho 1.724 nông dân trở thành cổ đông của công ty, mở ra hướng đi mới trong xây dựng nông nghiệp bền vững”. Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, làm sao phát huy được kinh tế hợp tác, thu hút được nhiều doanh nghiệp gắn với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ thì việc tái cơ cấu nông nghiệp mới hiệu quả. Bởi đề án dù có hay đến mấy nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nông dân thua lỗ… thì không thể thành công.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề cấp thiết hiện nay và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm với thế mạnh thủy sản, lúa gạo, trái cây… Do đó việc tái cơ cấu phải khai thác tốt từng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp mà không liên kết thì khó thành công, trong khi mô hình liên kết đã triển khai khoảng 10 năm rồi nhưng việc nhân rộng còn khó. Vì thế các địa phương phải tìm điểm nghẽn chỗ nào để tháo gỡ kịp thời. Việc tái cơ cấu nông nghiệp lần này cần gắn với xây dựng nông thôn mới. Do đó, những chính sách cho nông nghiệp cần nghiên cứu theo nhu cầu thực tiễn, giải quyết được những vấn đề bức xúc đặt ra.

HUỲNH LỢI - NGUYỄN THANH

Tin cùng chuyên mục