Chống hàng gian, hàng giả

Nhanh chóng khắc phục kẽ hở luật pháp

Ngày 21-3, Ban chỉ đạo 127/TW đã tổ chức hội nghị trực tuyến về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại toàn quốc tại 3 đầu cầu: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Nhanh chóng khắc phục kẽ hở luật pháp

(SGGP).- Ngày 21-3, Ban chỉ đạo 127/TW đã tổ chức hội nghị trực tuyến về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại toàn quốc tại 3 đầu cầu: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Cán bộ hải quan TPHCM kiểm tra một lô hàng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Ảnh: Thi Hồng

Cán bộ hải quan TPHCM kiểm tra một lô hàng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Ảnh: Thi Hồng

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng ban Ban chỉ đạo 127/TW, năm 2011 tình hình kinh tế chính trị trên thế giới có nhiều biến động, ở trong nước kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, giá cả lạm phát, mặt bằng lãi suất cao. Cùng với đó, thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường đã gây tổn thất và tác động không nhỏ tới sản xuất và việc cung cầu điều hòa hàng hóa, làm gia tăng các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại như hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác với các thủ đoạn mới ngày càng tinh vi. Do vậy nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường ngày càng gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các lực lượng chức năng đã đấu tranh với một số vấn đề nổi cộm phát sinh như gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng,... góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu cho ngân sách, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Số liệu đưa ra tại hội nghị cho biết, năm 2011 đã phát hiện gần 70.000 vụ buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng cấm hàng nhập lậu, gian lận thương mại và vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm với trị giá hàng trăm tỷ đồng; xử lý hơn 6.100 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và vi phạm quyền sử hữu trí tuệ. Đáng lo ngại là đã xuất hiện việc móc nối giữa cá nhân và tổ chức nước ngoài nhằm giả mạo xuất xứ của các thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước. Chẳng hạn, theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, nhiều sản phẩm Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi chế tác, gia công thành các sản phẩm của Việt Nam, thậm chí là hàng khu vực EU đánh lừa người tiêu dùng.

Năm 2012, kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, tình hình tội phạm kinh tế trong năm được dự báo là sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với sự gia tăng của các loại tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường, tội phạm rửa tiền, tội phạm có yếu tố nước ngoài,...

Trước thực trạng đó, phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Ban chỉ đạo 127/TW đôn đốc để nhanh chóng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục các kẽ hở có thể khiến những đối tượng xấu lợi dụng; tập trung đánh mạnh vào các ổ nhóm, đường dây buôn lậu lớn xuyên quốc gia và có những giải pháp hữu hiệu đối với đặc thù của từng ngành hàng, từng địa phương và từng đối tượng buôn lậu cụ thể.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm có giải pháp xử lý đối với những vi phạm trong hoạt động tạm nhập, tái xuất, gia công sản xuất hàng xuất khẩu. Những mặt hàng tạm nhập tái xuất nào cần cấm thì các đơn vị rà soát, lập danh sách để trình Chính phủ xem xét. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương cần làm tốt chức năng đầu mối thông tin về thị trường, dự báo sự biến động về cung - cầu hàng hóa giúp các lực lượng có thể phối hợp thông suốt từ trung ương đến địa phương.

H.My – T.Ngọc

Tin cùng chuyên mục