Hát mãi rằng... Xa khơi

“Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là một trong những bài hát hay nhất của âm nhạc hiện đại Việt Nam những năm đấu tranh thống nhất đất nước. Và Tân Nhân (ảnh), ca sĩ thể hiện bài hát này thành công nhất, hay nhất từ khi tác phẩm ra đời. Báo SGGP xin trích giới thiệu bài viết của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh, một người gắn bó với vùng Khu 4 cũ, về người ca sĩ xinh đẹp và tài năng một thời, Tân Nhân.
Hát mãi rằng... Xa khơi

“Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là một trong những bài hát hay nhất của âm nhạc hiện đại Việt Nam những năm đấu tranh thống nhất đất nước. Và Tân Nhân (ảnh), ca sĩ thể hiện bài hát này thành công nhất, hay nhất từ khi tác phẩm ra đời. Báo SGGP xin trích giới thiệu bài viết của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh, một người gắn bó với vùng Khu 4 cũ, về người ca sĩ xinh đẹp và tài năng một thời, Tân Nhân.

Hát mãi rằng... Xa khơi ảnh 1

Bây giờ cũng đã có cô ca sĩ trẻ hát bài Xa khơi. Tôi hỏi Nguyễn Tài Tuệ: “Anh Thơ hát được không?”. Nguyễn Tài Tuệ trả lời ngay: “Cũng được”. Vâng, tôi nghe cũng được. Tất cả mọi chỗ nhả chữ, buông câu, luyến lên và láy xuống đều không thoát ra ngoài. Song cái chữ “cũng” mà Nguyễn Tài Tuệ nói và tôi nghĩ đều ẩn chứa một chút gì trắc ẩn “chưa ai vượt qua được Tân Nhân”.

Tháng 5-1950, ông Bửu Tiến được phép thành lập gấp một đoàn văn công cho mặt trận Bình Trị Thiên. Văn công Khu 4 lúc ấy đang mạnh. Việc tách ra một nửa quân số và tài năng cho Đại đoàn 304 mới thành lập là dễ dàng và chóng vánh.

Năm ấy, cuộc kháng chiến chống Pháp đang náo nức bước qua kỳ tổng phản công, học sinh các trường và nhất là Trường Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An sẵn sàng “xếp bút nghiên...”. đoàn văn công mặt trận Bình Trị Thiên chúng tôi rời Thanh Hóa, hành quân bộ qua Xứ Nghệ. Vừa đi vừa tập bài hát Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương.

Tân Nhân là con đẻ của Quảng Trị. Cha của chị là ông đốc Hy (docteur Hy) quê trên núi Cam Lộ. Mẹ của chị là con cưng của dòng tộc Hoàng Mai Xá dưới mép biển Gio Linh. Tháng 2-1947, Mặt trận Huế vỡ, Tây ngấp nghé tràn ra Quảng Trị. Ông đốc Hy cắn môi mà ra quyết định này “Cho con ra Nghệ An”. Bà vợ nài nỉ: “Hắn là con gái. Đi xa răng được”. “Có cả Bình Trị Thiên mình ngoài đó, sợ chi hè”. Và thế là Tân Nhân ra ga Quảng Trị.

Chuyến tàu cuối cùng ấy có một trưởng tàu là Nguyễn Khắc Thứ. Cậu và cháu ra vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh. Cậu gia nhập Vệ Quốc đoàn. Cháu học tiếp hai năm rồi thi vào Trường Huỳnh Thúc Kháng. Cậu sớm trở thành nhà văn, cháu lọt vào tầm ngắm của một ông bầu và trở thành diễn viên kịch nói. 

*** 

Đó là vào dịp Tết Nguyên đán. Ông Bửu Tiến trình báo với cấp trên về thành phần và triển vọng của Đoàn văn công. Tôi còn nhớ là cả cơ quan không chăm chú nghe mà chỉ chăm chú nhìn. Nhìn Tân Nhân và Tố Lan. Nhìn Cao Xuân Hạo. Như từ Truyện Kiều của Nguyễn Du bước ra. Như từ cao vời một vầng trăng xanh hạ giới.

Cơ quan được nghe tóm tắt vở diễn và mục phân vai. Bửu Tiến trong vai cụ Ưng Úy, Tân Nhân trong vai phu nhân cụ Hoàng. Lê Quang Tụng vai quan Tổng trấn Trung phần. Phạm Ngọc Cảnh vai Vĩnh Tôn, cháu cụ Hoàng... Chỉ khoe được bảng phân vai ấy thôi. Trang phục, phông màn, son phấn bị mất sạch trong trận giặc càn. Lấy gì mà diễn. Mọi người hoan hỉ vỗ tay an ủi một dịp may không thành, cổ vũ một buổi diễn lạ kỳ trong rừng sâu suối vắng. Chính tràng vỗ tay ấy kéo Tân Nhân ra khỏi bàn.

Tân Nhân hát: “Rừng xanh... muôn khóm tre vắng... Núi lam xanh tỏa chân mây bóng chiều... Chiến khu... mấy túp lều che gió mưa thu... Nép tâm hồn niên thiếu say mơ đời biên khu...”. (“Chiến khu” – nhạc và lời Cao Xuân Hạo.

Lại vỗ tay. Và lần này tiếng vỗ tay có nội dung hơn, có cái đích rõ ràng hơn là Tân Nhân. Tân Nhân gần như hát mộc. Cây đàn ghi ta cứ nhỏ nhẹ lăn theo. Phần đệm tuyệt vời hơn là thác suối đổ về sông Ô Lâu. Nghe không rõ âm thanh mà gợi lắm. 

*** 

Chúng tôi lần lượt được cho ra vùng tự do. Không có giấy tờ nên không rõ vì lý do gì. Phân khu chỉ giữ lại một vài cốt cán. Cốt cán về chính trị. Là đảng viên thì phải ở lại chiến trường.

Tốp Tân Nhân, Tố Lan, Cao Xuân Hạo ra sau.

Chúng tôi đã từng được coi là tử sĩ. Tin tức về trận càn Phong Lai càng ra xa càng nhuộm thêm màu thân thiết. Ban đại diện của Phân khu cải chính từng tin đồn. Cha mẹ tôi đã đặt lên bàn thờ một bát hương và vái vọng. Trường Huỳnh Thúc Kháng làm lễ tưởng niệm trò Tân Nhân. Trường Thiếu sinh quân truy điệu học sinh của trường hy sinh ngoài mặt trận.

Trong không khí tang thương và xúc động ấy, một người vốn là anh con cậu xuôi đò sông Lam rồi ngược lên sông La cập bờ Linh Cảm. Vừa lúc Tân Nhân theo đường giao liên ra. Và cuộc gặp gỡ anh em này bỗng hóa thành tình sử. Con đò mà anh em nức nở ngày gặp lại bỗng hóa cái giường tình éo le. Hơn nửa thế kỷ nay tôi không hỏi Tân Nhân một câu song vì thương chị mà rồi tôi cũng thông tỏ ngọn ngành. Anh Bửu Tiến kể: “Mi còn con nít biết làm chi cho buồn. Chỉ thương Tân Nhân cực khổ nuôi con”.  

*** 

Tân Nhân về Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Ngày ấy, đẹp như Tân Nhân thì tìm đâu chẳng được một việc làm, song éo le thân phận như Tân Nhân mà còn có nơi nhận thì đó là nơi tôi có thể chắp tay vái tạ một đời. Tân Nhân cầm bản nhạc chép tay của Nguyễn Tài Tuệ có tên là Xa khơi. Từng dòng ký âm và lời ca chập chùng như sóng đuổi.

Đứng bất cứ nơi đâu mà cất lời ca lên “Nắng tỏa chiều nay...” thì biển giăng câu và hiện rõ bờ cát lóa. Chỗ ấy về đến bậc thềm có ông bà đốc Hy ngóng chị. Hát ở phòng bá âm nào thì trước mắt Tân Nhân cũng sáng rõ một con đường Sài Gòn chạy thẳng vào Đài Phát thanh nơi có một người luôn vặn trộm sóng âm thanh để tìm nghe. Bao nhiêu ngang trái và oái oăm, bao nhiêu thổn thức ấy bị đè chìm để Tân Nhân thổi hồn vào từng âm tiết của lời ca. Xa khơi là bài hát về biển hay đến bậc kỳ diệu.

Sau ngày giải phóng Hà Nội năm 1954, tôi có gặp chị Tân Nhân. Đúng hơn là nhìn thấy mà không nói năng, thăm hỏi được một lời. Trong đội hình văn nghệ sĩ diễu hành qua quảng trường Ba Đình chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh về lại thủ đô, chị Tân Nhân đứng cách tôi mười chín người trong một khối vuông vức: “Vậy là Tân Nhân đã đứng trong hàng ngũ Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương”. Tôi mừng lắm. Thôi thì tam ca, tứ ca, hay đồng ca gì cũng được. Để có đồng lương nuôi sống hai mạng người. Cháu Trương Nguyên Việt còn là học trò phổ thông. Bỗng bài hát Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ lên sóng phát thanh và người nghe cả nước sững sờ. Đó là thời của những ca khúc trữ tình bậc nhất. Bài ca hy vọng, Xa khơi...

Tháng 9-2005

PHẠM NGỌC CẢNH

Tin cùng chuyên mục