Thú chơi sách mới

Thú chơi sách mới

Nhắc đến thú chơi sách, chúng ta thường liên tưởng đến các nhà sưu tầm bỏ bao tiền của, cất công sưu tầm và nâng niu những cuốn sách cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Thế nhưng hiện nay, những người yêu sách lại đang có thêm một sở thích: chơi sách mới.

Cổ và hay

Thị trường sách cổ vốn khá nhỏ hẹp nên với phần đông người yêu sách, được chiêm ngưỡng những cuốn sách cổ và quý đã là cơ may hiếm có chứ nói gì đến việc được đọc và sở hữu chúng.

Biết bao pho tri thức quanh năm suốt tháng nằm nghiêm cẩn trong tủ kính trưng bày nơi những thư phòng sang trọng của giới sưu tập sách thì thật quá uổng, quá bất công cho độc giả đại chúng.

Tại sao không tái bản những cuốn sách quý ấy? Bắt được cái mạch ấy, các nhà xuất bản (NXB) hồ hởi tham gia phong trào làm mới sách cổ.

Thú chơi sách mới ảnh 1

Những cuốn sách nằm trong tủ sách “Xưa và Nay” của NXB Văn hóa Sài Gòn. Ảnh: BẰNG VÂN

NXB Lao Động ra mắt bạn đọc tủ sách “Khơi lại nguồn xưa”. Các đầu sách “Khơi lại dòng xưa” (Nguyễn Dư), “Cổ sử Việt Nam - Một cách tiếp cận” (Trương Thái Du), “Dấu tích Thăng Long” (Sở Cuồng Lê Dư - Hồ Viên dịch và chú giải)… khi được thương hiệu Sách Hà Nội (245 Nguyễn Thị Minh Khai, Q1, TPHCM) phát hành, đã bán khá chạy.

Điều đáng mừng là không chỉ những độc giả đứng tuổi mà rất nhiều bạn trẻ cũng háo hức tìm mua những đầu sách sử mà không kinh viện, không khô khan này.

“Tôi vừa tìm được những kiến giải thuyết phục về các vấn đề chính sử như: công lao của chúa tiên Nguyễn Hoàng trong việc mở mang bờ cõi, vừa có được những thông tin nhẹ nhàng và dí dỏm về những nhân vật dân gian như thằng Bờm, chú Cuội…Thú vị là bộ sách được viết bằng một văn phong khúc chiết, đơn giản nên rất dễ đọc.” - Trang Thanh, một độc giả trẻ, tâm sự.

Không để phụ danh xưng “Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây”, ông trùm Đoàn Tử Huyến cũng bước vào cuộc chơi bằng một đội quân tinh nhuệ, trải khắp chiến trường.

Ông bắt tay với các NXB thực hiện hàng loạt bộ sách: “Quảng tập Viêm văn” (An Nam văn tập) của tác giả Edmond Nordemann (NXB Hội Nhà văn); bộ sách “Giai thoại Phan Bội Châu”, “Phan Bội Châu - nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn”, “Phong trào Đông Du và Phan Bội Châu”… của Chương Thâu (NXB Nghệ An); bộ sách về Đào Duy Anh: “Lịch sử cổ đại Việt Nam”, “Việt Nam qua các đời” và “Luận giải Văn học và Triết học” của Phạm Quỳnh (NXB Văn hóa - Thông tin).

Kết hợp với NXB Thuận Hóa, “Đông Tây” trình làng “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” (Lê Quang Định), “Việt sử lược” (tác giả khuyết danh đời Trần, thế kỷ thứ XIV - Trần Quốc Vượng dịch)…

Không đứng ngoài cuộc, NXB Văn hóa Sài Gòn tung ra loạt sách về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời và tác phẩm của các học giả, chí sĩ sống ở thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như: “Phan Văn Trị”, “Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa - con người và tác phẩm”...

Tổng biên tập Trúc Phương rất tâm đắc với bộ “Triều Nguyễn” (Dương Trung Quốc chủ biên). Ông hồ hởi thông báo một tin vui: “Chúng tôi đã chi 500 triệu đồng mua bản quyền 10.000 trang tâm thư của triết gia Trần Đức Thảo. Mọi công việc đã hoàn tất và bộ sách triết học đồ sộ này sẽ sớm ra mắt độc giả cả nước”.

Đẹp mà lạ

Bất kỳ thời đại nào, bất luận thế hệ độc giả ra sao thì những cuốn sách đẹp và lạ cũng đều được giới chơi sách yêu thích. Sách không chỉ cần hay để đọc mà cũng còn cần đẹp và độc để chơi.

Tâm niệm vậy nên họa sĩ Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty Văn hóa Đông A, luôn cố công bày ra cái gì đó mà chơi mỗi khi bắt tay làm sách.

Bắt đầu từ hợp tuyển “Văn mới 5 năm đầu thế kỷ”, Thắng gây ấn tượng với độc giả bằng sự lạ. Ngoài bìa đặc trưng của Đông A với ảnh chân dung của các tác giả, cuốn sách còn thực sự ấn tượng về trình bày.

Ngoài ra, hợp tuyển có 100 bản đặc biệt, in trên giấy Conqueror (màu ngà, tuổi thọ ít nhất là trên 100 năm) của Pháp, bìa cứng và điều thú vị là có chữ ký sống của 39/41 tác giả.

100 bản đặc biệt ấy được bán hết veo trong khi biết bao người yêu sách còn luyến tiếc. Mới đây, cuốn sách độc đáo này đã được Hội Xuất bản - In - Phát hành Việt Nam trao tặng “Giải thưởng Sách đẹp 2006”.

Sau sự kiện ấy, Đông A tiếp tục giới thiệu “Tủ sách 100” với mẫu số chung là: bìa cứng, bóng, trình bày đẹp, có chữ ký sống của tác giả, ruột in giấy Conqueror như: “Sắp đặt và diễn” (Hồ Anh Thái), “Hạt bụi người bay ngược” (Châu Diên)… được giới sưu tập sách săn lùng.

Nói không ngoa, Trần Đại Thắng đã mở một hướng đi mới cho giới sưu tập sách Việt Nam. 

THẢO LƯ

Tin cùng chuyên mục