Vấn đề hôm nay

Giải thưởng tư nhân

Giải thưởng tư nhân

Bước vào nghề viết chuyên nghiệp, không một cây bút nào dám nghĩ đến chuyện chuyên đi săn giải thưởng. Thế nhưng, phải công nhận rằng chuyện có nhiều giải thưởng và giá trị của các giải thưởng là một trong những thước đo của làng chữ nghĩa.

1. Từ lâu, ngôi nhà ở số 5, tổ 2, cụm Giáp Nhất, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân – TP Hà Nội) đã trở thành một khu di tích lịch sử văn hóa về nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tại đây, ông Nghiêm Xuân Sơn - con rể của ông vua phóng sự đất Bắc vẫn cần mẫn mỗi ngày bồi đắp cho gia tài cụ Phụng.

Khi phối hợp với Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây in cuốn Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (NXB Văn học - 2006), ông Sơn đã thống kê đầy đủ thư mục tác phẩm của nhà văn họ Vũ gồm: 40 truyện ngắn, 9 tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch và 1 công trình dịch thuật.

Ngoài chuyện tổ chức bản thảo, biên soạn, theo dõi tác quyền của các cuốn sách: Giông tố, Số đỏ, Cạm bẫy người, Lục xì, Cơm thầy cơm cô v.v…, liên tục được các NXB tái bản, bàn thảo với dịch giả Peter Zinoman về việc dịch và xuất bản cuốn sách tại Mỹ, ông Sơn đang ấp ủ thực hiện một cuốn sách độc đáo về nhân vật Xuân tóc đỏ.

Lâu nay, chuyện gặp thời và biết nhờ thời của thằng ma-cà-bông Xuân tóc đỏ trong tiểu thuyết Số đỏ đã gợi cảm hứng cho rất nhiều nhà biên kịch sân khấu, điện ảnh, họa sĩ biếm v.v…

Ông Sơn đã thu thập được rất nhiều hình ảnh những nghệ sĩ, diễn viên hóa thân thành thằng Xuân tóc đỏ ở nhiều góc cạnh; những bức biếm họa trên báo; hay hình ảnh Xuân tóc đỏ được thay hình đổi dạng trên bìa sách sau mỗi lần tái bản…

Bên cạnh đó, những nhân vật nổi tiếng khác trong tác phẩm như: Nghị Hách, bà Phó Đoan, cô Tuyết, ông Văn Minh v.v… cũng có những bước chuyển rất ngoạn mục từ trang sách ra đời thực. Làm cuốn sách này, ông Sơn tin tưởng mình sẽ góp phần làm phong phú văn nghiệp của Vũ Trọng Phụng.

Việc làm của ông Nghiêm Xuân Sơn là một trong nhiều hoạt động chuẩn bị cho Quỹ văn học Vũ Trọng Phụng ra mắt vào tháng 9-2008 vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất của nhà văn Vũ Trọng Phụng (13-10-1939 – 13-10-2009).

Dự kiến, quỹ sẽ trao học bổng cho học sinh giỏi văn ở các trường phổ thông, sinh viên giỏi khoa Văn, Báo chí của các trường Đại học; Tổ chức các cuộc thi và trao giải thưởng cho những cây bút phóng sự của làng báo chí Việt Nam.

2. Bước chân vào làng sách từ tháng 11-2006, Công ty Sách Bách Việt của ông giám đốc thế hệ 8X - Lê Thanh Huy - chiếm cảm tình của độc giả với tủ sách văn học trẻ.

Không ít tác giả trẻ đã được Bách Việt khuyến khích xuất bản, trả nhuận bút ngang bằng với các tác giả nổi tiếng để động viên sáng tác. Họ còn chủ động tìm đến với các tác giả trẻ: liên kết với các trường đào tạo viết văn, các báo có đăng truyện của các tác giả trẻ và thông qua mối liên hệ của chính các tác giả đã xuất bản ở Bách Việt v.v... để tìm kiếm cây bút mới.

“Thậm chí, chúng tôi đã đặt hàng các tác giả trẻ sáng tác…” - Giám đốc Công ty Sách Bách Việt cho biết.

Với các cây bút còn non, Bách Việt mời các nhà văn, nhà phê bình nhiều kinh nghiệm đọc góp ý, chỉnh sửa cấu trúc tác phẩm, kỹ thuật viết v.v… Hoạt động được hơn một năm nhưng những cuốn truyện văn học trẻ, giải trí: Phải lấy người như anh (Trần Thu Trang), Khi nào anh thuộc về em (Cấn Vân Khánh), Xin lỗi em chỉ là con đĩ (Trang Hạ dịch)… đã tạo nên những cơn sốt trong làng sách, nhất là với bạn đọc trẻ, là thành quả từ những bước đi táo bạo của những người trẻ, phần lớn thuộc thế hệ 8X ở Bách Việt.

Hiện nay, để tiến thêm một bước trong hành trình khuyến khích và đỡ đầu sáng tác, công ty này vừa công bố Giải thưởng thơ Bách Việt với sự tham gia thẩm định của các nhà thơ có tên tuổi.

Với giải nhất trị giá 30 triệu đồng và cách làm việc chuyên nghiệp, Bách Việt chứng tỏ quyết tâm xây dựng nên một thương hiệu giải thưởng tư nhân.

3. Làng giải thưởng nước nhà còn ghi dấu ấn với hoạt động của nhiều giải thưởng tư nhân khác: Giải thưởng văn học của Trung tâm văn hóa doanh nhân, Giải văn học Nguyễn Đình Thi, thậm chí cuộc thi thơ thường niên của một làng quê bình dị - làng Chùa (huyện ỨÙng Hòa – tỉnh Hà Tây) - cũng cho chúng ta thấy nhiều thú vị trong cách tổ chức cũng như việc phát hiện và tôn vinh người tài.

Các giải thưởng tư nhân nở rộ với cách làm việc chuyên nghiệp và trị giá giải thưởng cao, đã thực sự thổi một luồng gió mát lành vào đời sống văn học nghệ thuật và báo chí nước nhà. 

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục