La và… lợi

Lâu nay, phương thức liên kết xuất bản giữa một đơn vị, tổ chức và các NXB đã góp phần làm phong phú thêm thị trường xuất bản phẩm, là biểu hiện sinh động cho hoạt động xã hội hóa xuất bản. Thế nhưng, việc nở rộ các loại hình liên kết xuất bản cũng đang để lại nhiều vấn đề nhức nhối trong làng xuất bản nước nhà.

Điều 3 Quy chế lưu chiểu xuất bản phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 102/2006/QĐ-BVHTT ngày 29-12-2006 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tất cả các ấn phẩm sau khi in xong, các đơn vị xuất bản phải nộp lưu chiểu và 10 ngày sau, khi đã thẩm định lần cuối chất lượng, ấn phẩm mới được giám đốc NXB ký phát hành.

Quy định rõ ràng là thế nhưng quá trình thực thi thì thật trần ai. Thực tế là hầu hết các NXB chỉ làm mỗi việc cấp giấy phép xuất bản, còn lại thì phó mặc cho đơn vị liên kết tự tung tự tác nên mới có lắm chuyện cười ra nước mắt.

Chuyện thứ nhất: Trong hội thảo “Liên kết xuất bản” do Hội Xuất bản Việt Nam và Cục Xuất bản, Bộ TT-TT phối hợp tổ chức tại TPHCM mới đây, ông Nguyễn Cừ, Giám đốc NXB Văn học, đã gây sốc khi cho biết: Hàng năm, NXB Văn học có tới 60% ấn bản phẩm được thực hiện theo hình thức liên kết. Và NXB hoàn toàn bị động đối với đơn vị liên kết bởi họ mang nộp lưu chiểu cuốn nào thì NXB biết cuốn ấy, còn thì chịu (?!).

 “Có cuốn được xuất bản hai năm rồi mà chưa nộp lưu chiểu. Khi có vấn đề (bạn đọc, báo chí phản ánh) thì tôi mới sai phòng tổng hợp kiểm tra lại” - ông Nguyễn Cừ thổ lộ. Rõ ràng, trong chuyện này, lỗi thuộc về NXB đã qua quýt với đối tác, thiếu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình. Câu thần chú “Rất phức tạp và khó quản lý” để bào chữa cho chuyện làm ăn như kiểu này của ông giám đốc thật không thuyết phục.

Chuyện thứ hai: Đại diện các nhà làm sách tham gia liên kết xuất bản tham dự hội thảo rất đông nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không hề thấy ai có thái độ ăn năn về những hậu quả do lối làm ăn chụp giật của mình gây ra. Không một ai lên tiếng thể hiện thái độ cầu thị trước những sai sót, không một ai bàn xem làm thế nào để quá trình liên kết xuất bản diễn ra tốt đẹp, để cho ra đời ngày càng nhiều những xuất bản phẩm chất lượng tốt… Họ chỉ tập trung bàn biện pháp lách luật…

Trong Điều 26 của Luật Xuất bản đã quy định bìa một của cuốn sách chỉ được ghi tên tác giả, tên sách, tên và logo của NXB. Thế nhưng, trong suốt hội thảo, các nhà làm sách tư nhân cứ vò đầu bứt tai và kêu rằng không có tên và logo của đơn vị liên kết trên bìa một cuốn sách thì “chúng tôi khó làm ăn lắm”, rằng “đối tác sẽ không tin tưởng, sẽ tưởng chúng tôi là cò”…

Một giám đốc công ty TNHH còn thuyết phục các đại biểu rằng: “Luật ghi thế, chúng ta cứ hiểu là không cấm, thế thì cứ ghi tên và logo của đơn vị liên kết xuất bản lên bìa một đi”…

Chỉ biết mình mà không biết người. Nghĩa vụ thì không thực hiện mà chỉ chăm chăm tìm cách lách luật để phục vụ lợi ích cá nhân. Với ý thức như vậy, không biết đến bao giờ, ngành xuất bản của chúng ta mới thực sự phát triển theo đúng hướng và chuyên nghiệp?

Thảo Lư

Tin cùng chuyên mục