Sao cho phù hợp

Có sự tương phản rõ nét trong phát triển đô thị ở TPHCM: trong khi khu Nam và khu Đông được đầu tư hạ tầng khá bài bản, nhiều khu đô thị hiện đại mọc lên thì ở khu Tây và khu Bắc đường sá chật chội, nhà cửa lụp xụp. Nhiều khu vực có nền đất cao như quận 12, huyện Hóc Môn, từ xưa đến nay gần như chưa bao giờ bị ngập sau cơn mưa thì nay đã có thể bị ngập tới cả ngày.
Không khó để hiểu tại sao… theo Quy hoạch chung Xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, TPHCM xác định hai hướng phát triển đô thị chính là Nam và Đông. Hai hướng còn lại: Tây và Bắc là hướng phát triển phụ. Trên cơ sở này, gần 20 năm qua, TPHCM tập trung hầu hết các nguồn lực đầu tư cho khu Đông và Nam. Do vậy, khu Đông và khu Nam đã “thay da đổi thịt” mạnh mẽ như vậy.
Theo nhiều chuyên gia về phát triển đô thị, chọn hướng phát triển chính để tập trung đầu tư, tạo sự đột phá là cách làm thông minh, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực của TPHCM có hạn. Vấn đề, bên cạnh các chính sách ưu tiên cho các hướng phát triển chính, TPHCM phải có thêm các chính sách phù hợp cho các hướng phát triển phụ. Nhất là khi, do hoàn cảnh kinh tế, đặc điểm xã hội, rất nhiều người dân đã chọn “an cư lạc nghiệp” ở khu Tây và Bắc. 
Quy hoạch chung Xây dựng TPHCM, dự kiến đến năm 2025, dân số của khu Đông bao gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức là 1,8 triệu người. Thế nhưng trên thực tế, dân số khu Đông hiện chỉ khoảng 215.000 người. Trong khi ở khu vực phía Bắc và phía Tây dân số đã tăng hơn nhiều so với dự kiến của Quy hoạch chung Xây dựng TPHCM. Chỉ tính tại quận 12, hiện đã có hơn 510.000 dân trong khi Quy hoạch Xây dựng chung TPHCM dự báo đến năm 2020 chỉ có 450.000 dân. Huyện Hóc Môn hiện có hơn 422.000 dân trong khi Quy hoạch Xây dựng chung TPHCM dự báo đến năm 2020 huyện chỉ có 400.000 dân. 
Giải pháp nào cho các hướng phát triển đô thị phụ? Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đã từng phát biểu trên báo SGGP rằng, nên thực hiện quy hoạch cắt lớp cho các khu vực này. Quy hoạch cắt lớp là Nhà nước chỉ thực hiện quy hoạch ở mức tối thiểu như làm đường; làm hệ thống cống cấp, thoát nước; hệ thống phòng cháy, chữa cháy… để đảm bảo môi trường sống cơ bản cho người dân. Các chỉ tiêu quy hoạch khác như công viên, cây xanh và các tiện ích công cộng khác tạm gác lại. Ở nhiều nước, người ta gọi đây là khu vực tự phát nhưng có kiểm soát một phần.
Theo thời gian, khi kinh tế - xã hội đất nước đã phát triển, đời sống người dân nói chung và trong các khu vực này được nâng lên, Nhà nước và nhân dân sẽ cùng cải tạo dần các điều kiện sống trong khu vực như xây dựng thêm công viên cây xanh, thêm trường học, bệnh viện… và sắp xếp chỉnh trang hoặc xây mới các khu nhà ở này. Nếu cần, Nhà nước có thể đền bù và thu hồi thêm đất để xây dựng các tiện ích nêu trên. Trong tình huống như thế, Nhà nước cũng không phải tốn thêm nhiều tiền bởi những chỉ tiêu quy hoạch cơ bản nhất đã có. Cách thực hiện quy hoạch như vậy được gọi là xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch theo hướng “cắt lớp”. Đầu tiên là “lớp” cơ bản bao gồm các hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng nhất. Bức tranh đô thị sẽ từ từ hoàn thiện cả về không gian lẫn chất lượng các khu vực đô thị, nhất là các khu nhà ở cho người lao động nghèo.
Sau phát biểu của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, lãnh đạo nhiều địa phương ở khu vực Tây, Bắc và lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cũng cho rằng, đây là giải pháp hợp lý. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện nay, nhiều khu vực ở hướng Tây và Bắc vẫn rơi vào tình trạng phát triển đô thị như “vết dầu loang” với hàng loạt vấn nạn như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. 
Có lẽ đã đến lúc TPHCM cần đánh giá lại việc phát triển đô thị ở khu vực Tây và Bắc để có giải pháp quản lý phù hợp. Đừng một khu vực nào đó bị tụt lại trong quá trình phát triển đô thị mạnh mẽ của thành phố. 

Tin cùng chuyên mục