Sao mà đong đầy tình mẹ, công cha

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha…”. Đó cũng là tấm lòng của các chị Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Lương Thị Mai, Vũ Thị Tuyên và Trần Thị Hoa, 4 trong số 51 người vừa được quận 8 TPHCM tuyên dương “Người con hiếu thảo năm 2009”.
Sao mà đong đầy tình mẹ, công cha

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha…”. Đó cũng là tấm lòng của các chị Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Lương Thị Mai, Vũ Thị Tuyên và Trần Thị Hoa, 4 trong số 51 người vừa được quận 8 TPHCM tuyên dương “Người con hiếu thảo năm 2009”.

1. Mỗi lần nghe ba má khuyên “bây giờ tới duyên, con phải tính đi”, chị Nguyễn Thị Huỳnh Mai (ở phường 9, quận 8) chỉ nhỏ nhẹ nói: “Chuyện của con, con xin tính sau. Trước mắt, để con lo cho ba má”! “Cứng” trước mặt ba má nhưng đêm xuống, chị lại giấu đi những giọt nước mắt tuôn trào từ thẳm sâu khát khao của người phụ nữ. Con gái có thì. Chị cũng từng là cô thiếu nữ mười tám, đôi mươi trắng trẻo, nhanh nhẹn, đảm đang. Vài lần đã có người đặt vấn đề lập gia đình, chị có thể trở thành người vợ, người mẹ nhưng… chị đều khước từ để chăm sóc cho ba má, lo cho anh em. Thời gian cứ trôi đi. Năm nay, chị đã bước sang tuổi 48.

Chị trải lòng: Liệu người đồng ý lấy mình có “chịu” cả gia đình mình không, họ có thông cảm với mình không? Nếu mình đi lấy chồng thì… “gánh nặng” này biết trao cho ai?

Lo lắng, băn khoăn của chị không phải không có “cơ sở” bởi cha mẹ chị đã bước sang tuổi 85, đều già yếu và thường xuyên đau ốm; 1 người anh trai (hơn 50 tuổi), 1 người em trai (hơn 40 tuổi) đều bị bệnh tâm thần. Với mức lương 1 - 1,2 triệu đồng từ công việc may đồ gia công, một tay chị vun vén, chăm sóc cả nhà.

Buổi sáng, chị dậy sớm đi chợ, nấu cơm sẵn cho cả nhà bữa sáng, trưa, rồi đi làm. 17 giờ đi làm về, chị bắt tay quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo. Chị nói, trong gia đình vừa có người già, người bị bệnh tâm thần thì điều khó nhất là làm sao để không khí gia đình luôn vui tươi.

Có hôm, buổi sáng, chị nấu xong nồi canh và nồi cá kho. Trước khi đi làm, chị dặn người em trai (bệnh nhẹ hơn anh trai) buổi trưa nhớ hâm lại nồi cá kho cho nóng, còn nồi canh buổi trưa vẫn còn ấm nên không cần hâm lại. Nghe vậy, người em trai vặn vẹo: “Tại sao chỉ hâm nồi cá mà không hâm nồi canh? Tại sao lại chỉ hâm một mà không phải hai nồi?”. Mỗi khi người anh hoặc em có “dấu hiệu” bất ổn như thế, chị mau chóng “hạ nhiệt” bằng cách giải thích rõ ràng, nhẹ nhàng để mọi người không tức giận dẫn đến đánh lộn. Vất vả, căng thẳng là thế nhưng bà con lối xóm chưa một lần nghe chị kêu than.

2. Chị Lương Thị Mai (52 tuổi, ở phường 9, quận 8) thường phải van xin, năn nỉ người em gái bị tâm thần không đánh mẹ già (hơn 70 tuổi) và khuyên mẹ già bớt giận để cuộc sống gia đình êm ấm. Khi em gái nguôi ngoai, chị lựa lời khuyên bảo người em - là mẹ của 3 đứa trẻ, về cách đối xử chu đáo với mẹ già để các cháu còn học tập làm gương.

Từ một người con gái trắng trẻo, xinh xắn, chị Mai đã bị căn bệnh phong (phát bệnh năm 1975) biến thành người tàn tật. Với chị, có bao nhiêu ngón tay ngón chân là bấy nhiêu ca phẫu thuật. Cứ 3-4 giờ sáng hoặc mỗi khi trời se lạnh là chân chị lại nhức thấu xương.

Rớt vào nghịch cảnh, phút yếu lòng, chị đã từng 4 lần cắt mạch máu tự tử. Nhưng được cấp cứu kịp thời, trải qua những giây phút thập tử nhất sinh, chị hiểu rằng không gì quý giá bằng sự sống. Nhất là gia cảnh của chị, nếu chị có mệnh hệ gì, ai cáng đáng mẹ già, em bệnh tật và các cháu thơ dại. Rồi chị tự nhủ: ráng sống và phải chịu. Miếng ăn còn san sẻ được chứ đau đớn thì san sẻ cho ai?

Với chân tay tật nguyền, chị Lương Thị Mai vẫn tần tảo kiếm sống nuôi mẹ già.
Với chân tay tật nguyền, chị Lương Thị Mai vẫn tần tảo kiếm sống nuôi mẹ già.

Đợt lạnh vừa rồi, chân nhấc không nổi, chị phải bò lết lên ghế chiếc máy vắt sổ, mong sớm làm xong lô hàng giao cho khách để còn lấy tiền cơm cháo cho cả nhà và tiền học hành cho 3 đứa nhỏ. Mỗi bộ đồ vắt sổ, chị kiếm được 1.500 đồng, hàng ngày người phụ nữ tàn tật kiêm lao động chính trong nhà ấy cũng thu dăm ba ngàn rau cháo cho cả nhà.

“Nhiều người biết tôi bị bệnh (dù đã chữa khỏi), không “làm ăn” với tôi nữa. Có khách tới nhà gửi đồ, nhón 2 ngón tay lại cầm tiền hoặc đẩy đồ về phía tôi mà không đưa trực tiếp. Họ sợ. Cả nhà sống được là nhờ xã hội cứu giúp (gia đình được cấp nhà tình thương và được trợ cấp 600.000 đồng/tháng). Giờ tôi chỉ mong có sức khỏe, làm việc kiếm thêm tiền để bữa ăn của má có chất dinh dưỡng và chăm cho mấy cháu học hành tới nơi tới chốn”- chị tâm sự.

3. Bà con lối xóm và mẹ chồng của chị Vũ Thị Tuyên (SN 1955, ở phường 15, quận 8) đều tấm tắc khen chị là người con dâu hiếu thảo, nhanh nhẹn. Sau 13 năm sống cùng chị, bỗng một hôm chồng chị đột tử khi anh mới 32 tuổi. Năm đứa con gái nheo nhóc, đứa thứ 6 còn đang nằm trong bụng mẹ (3 tháng). Chồng mất, được ba má chồng đùm bọc hàng ngày chị trồng rau và gia công bóc tỏi kiếm gạo nuôi cả nhà. Năm 2005, khi lũ trẻ đã lớn, tưởng vất vả vơi đi thì cũng là lúc ba chồng (82 tuổi) bị bại liệt, chỉ nằm một chỗ, trí nhớ bị lẫn, ăn uống khó khăn, không cầm chén nổi.

Suốt 4 năm liền, cho đến khi ba chồng qua đời vào tháng 3-2009, chị cùng người em rể là anh Trần Văn Xạ tắm rửa, giặt giũ cho cụ. Bây giờ, sau hơn 20 năm, các con đã lớn khôn, trong đó 2 cháu học trung học y tế và công nghệ thực phẩm, 1 cháu tốt nghiệp đại học. Khi hay tin mình được tuyên dương gương “Người con hiếu thảo”, chị xúc động tâm sự: Những gì tôi đã làm đều là bổn phận con cái làm sao mà đong đầy được tình mẹ, công cha. Theo chị, người già tâm lý rất phức tạp, lúc không vừa ý có thể la lối, mình nên “chiều” theo các cụ, xem các cụ cần gì và nếu có bị la mắng oan thì cũng đừng để bụng. Đó cũng chính là bí quyết khiến mẹ chồng chị (hơn 80 tuổi) chưa một lần ca thán về cách hành xử của chị Tuyên

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục