Shisha điện tử vẫn gây hại sức khỏe

Shisha điện tử vẫn gây hại sức khỏe

Báo SGGP ngày 6-10-2015 có đăng bài Shisha điện tử vào học đường, phản ánh việc đang có không ít học sinh, sinh viên sử dụng loại thuốc hút gây nghiện dưới dạng một thiết bị hình cây bút, gọi là shisha điện tử hay shisha pen. Nhiều phụ huynh đã rất quan tâm và lo lắng gọi đến đường dây nóng Báo SGGP hỏi: Shisha điện tử có gây hại sức khỏe không? Phóng viên Báo SGGP đã gặp bác sĩ Trương Văn Vĩnh, Phó phòng Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) để có câu trả lời cho bạn đọc.

Shisha điện tử vẫn gây hại sức khỏe ảnh 1

Shisha pen có thiết kế giống cây bút khiến phụ huynh và thầy cô giáo khó phát hiện

* PV: Theo bác sĩ thì shisha điện tử có gây hại cho sức khỏe không?

- Bác sĩ TRƯƠNG VĂN VĨNH: Về luận chứng y học, chưa có nhiều bằng chứng để nói về tác hại của shisha điện tử, nhưng không có nghĩa là chúng vô hại. Có những thông tin phải lưu ý, như đã có báo cáo về việc một trẻ em ở Israel chết vì uống phải chất lỏng shisha điện tử; nhiều nước châu Âu và nhiều nước khác vẫn có quy định cấm trẻ em và cấm học sinh, sinh viên sử dụng shisha điện tử. Theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), có những báo cáo tự nguyện của cộng đồng về các biến cố do hút shisha điện tử. Như vậy không phải shisha điện tử vô hại cho sức khỏe. Theo tôi, không nên dùng shisha điện tử, vì còn nhiều tác hại chưa từng biết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

* Thưa bác sĩ, chất nào trong shisha điện tử có thể gây hại cho sức khỏe?

- Hãy xem công bố thông tin quảng cáo của một nhà cung cấp shisha: “Dung dịch dùng cho shisha điện tử bao gồm 2 thành phần chính là propylene và glycerin thực vật đã được xác định là vô hại. Thực tế, propylene và glycol có thể được tìm thấy ở nhiều sản phẩm gia dụng mà chúng ta thường sử dụng hàng ngày. Shisha điện tử không chứa những thành phần độc tố gây hại cho sức khỏe con người”. Thực ra, đã có nhiều kết quả nghiên cứu chứng minh propylene và glycol có gây kích ứng đường hô hấp, phế nang, hậu quả là gây đau họng, khô họng, ho… về lâu dài có thể gây ảnh hưởng chưa lường được đến tái cấu trúc niêm mạc hô hấp. Ngoài ra, để xét tác hại của shisha còn phải xét chất liệu, thành phần của dụng cụ, ảnh hưởng ion điện, hóa phẩm của pin điện, tính an toàn…

* Nhiều trang web quảng cáo rằng shisha điện tử không có chất nicotin. Liệu có đúng vậy không?

- Ngay cả tại những nước có luật chống thuốc lá hẳn hoi, khi quảng cáo shisha điện tử người ta vẫn phải thừa nhận có một lượng nhỏ nicotin thấp hơn hàm lượng trong thuốc lá truyền thống hàng chục lần, nhưng ít vẫn là có. Trong khi nhãn thông tin thành phần shisha điện tử thì lại ghi là không có nicotin. Đây là điều đáng để suy nghĩ.

* Theo ông có nên cấm sử dụng shisha điện tử không?

- Theo quan điểm cá nhân của tôi, vẫn cần nhiều bằng chứng khoa học mới có thể cho rằng shisha điện tử là vô hại và không gây nghiện. Nhưng trước khi có kết luận này, đừng làm tăng thêm số người nghiện thuốc lá trong cộng đồng hoặc làm tăng thêm gánh nặng kinh tế do thói quen không có lợi cho sức khỏe. Cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc lưu hành các sản phẩm này, nếu chỉ gọi là một liệu pháp trong nhiều liệu pháp giúp người nghiện thuốc lá cai thuốc lá. Đặc biệt là những thành phẩm giả, nhái độc hại (tinh dầu, điếu thuốc giả). Lý tưởng nhất là có chính sách cấm lưu hành.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Kim Hoàn (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) cho biết: Không nên thử shisha, dù chỉ một lần. Nếu sử dụng shisha thường xuyên lâu dài, sẽ dễ tiến tới sử dụng những chất kích thích cao hơn. Ngoài ra, shisha rất nguy hiểm bởi vì những tinh dầu có thể là những chất khác “đội lốt”, mà người sử dụng cố tình che giấu. Shisha không nên sử dụng lâu dài sẽ có thể gây rối loạn thần kinh. Ngoài ra, shisha điện tử truyền nhau hút chung rất dễ mắc đến những bệnh truyền nhiễm, viêm gan B, C, hô hấp…

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục