Mơ được sống bằng nghề!

Hơn một lần, lãnh đạo ngành giáo dục - đào tạo đăng đàn tuyên bố, để có chất lượng giáo dục nhất thiết nhà giáo phải có mức lương đủ sống, nói nôm na là sống được bằng nghề. Nhưng lời nói… gió bay và rõ ràng từ lý thuyết đến thực tiễn, từ nói đến làm, từ những triết lý trừu tượng đến hơi thở cuộc sống, còn có khoảng cách xa vời vợi. Để rồi, chung quy cái khó, cái khổ vẫn lẩn quất trong mỗi gia đình giáo viên, như người ta định nghĩa sư phạm là ăn như sư mà ở như phạm.

Và không hiểu sao các thầy cô vẫn có thể nở nụ cười tươi tắn mỗi giờ lên lớp? Chắc hẳn họ phải có nghị lực sống vô biên, một sức chịu đựng đáng khâm phục với lòng yêu nghề tha thiết mới bám trụ được với phận phấn trắng, bảng đen. Một nghịch cảnh thấy rõ trong sự phân hóa giàu nghèo: Trong khi các ông bầu bóng đá bỏ ra cả trăm tỷ đồng để nuôi đội bóng - giống như món đồ chơi xa xỉ của người có của nả - thì giáo viên mầm non phải sống cơ cực đếm từng tờ bạc lẻ nhàu nhĩ cho cuộc mưu sinh.

Họ không biết VFF là gì và chắc hẳn chưa bao giờ đến sân vận động mục kích giải bóng đá “hay nhất Đông Nam Á” nhưng họ vẫn có lòng tự trọng để sống với nghề, để truyền nhiệt lửa tri thức cho con em chúng ta. Vì đơn giản họ hiểu tương lai đất nước nằm trong tay họ, với trách nhiệm dạy bảo, dẫn dắt, bảo vệ những đứa trẻ còn mong manh, đang lần dò tìm con đường đi của mình. Nhưng cuộc sống vẫn là cuộc sống, vẫn có sự cám cảnh, sự so sánh sao mình vất vả vậy, làm việc quần quật từ sáng đến chiều tà như vậy mà chỉ dám mơ được một lần đóng thuế thu nhập! Và không tủi thân sao được khi các cô giáo mầm non ở Thanh Hóa chỉ thực lãnh mỗi tháng có 500.000 đồng, nghĩa là chưa đủ tiền một bữa nhậu cho quan chức bàn về “triết lý bóng đá” và “triết lý giáo dục”.

Câu hỏi đặt ra - đã nhiều năm cũng câu hỏi duy nhất này - bao giờ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non có thể sống được bằng nghề? Và tiếc thay, đến giờ, không ai có thể nói đích xác mốc thời gian thực hiện lời hứa. Chúng ta đã có đề án phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010 - 2015, đang được triển khai trong cả nước với một trong những nội dung quan trọng là chăm lo đời sống giáo viên mầm non. Tuy nhiên cho đến nay đây vẫn là bài toán khó với trung ương và các địa phương tuy ai cũng nhấn mạnh “chúng ta cần phải làm”. Bộ chủ quản là Bộ GD-ĐT thì lực bất tòng tâm, giải đáp là phải có lộ trình và như lời ông Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức bộ này “làm nhưng phải có lộ trình. Không thể ngày một ngày hai chúng ta có thể khắc phục tình trạng này. Trên 77.000 giáo viên mà chúng ta thực hiện một lúc thì sẽ rất khó khăn…”. Và ai cũng thấy… quả là khó khăn khi nguồn hỗ trợ cho giáo viên mầm non quá hạn hẹp. Đối với diện “biên chế” có đỡ hơn, nhưng với diện giáo viên hợp đồng thì chỉ có 3 nguồn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và tiền thu học phí cùng các khoản đóng góp tự nguyện của các phụ huynh. Song le, động chạm đến “khoản” nào là y như rằng “rối” khoản đó. Ngân sách phân bổ đã rõ là khó lấy, nhưng nội chuyện “xã hội hóa” qua đóng góp của người dân cũng đủ thứ điều tiếng. Đâu đâu người ta cũng lên án chuyện “lạm thu” và coi ban phụ huynh trường lớp như… ban thu tiền.

Nhưng nói đi thì phải nói lại - như Nguyễn Trãi từng viết trong Bình Ngô Đại Cáo - mà một bạn đọc đã trích dẫn “Đi thủy thì cho thuyền. Đi bộ thì cho ngựa… khi ấy người ta mới cùng nhau sống chết”, dư luận không thể nói quá đà về chuyện đóng góp của phụ huynh. Tất nhiên có sự lạm dụng, nhưng chỉ là chuyện đơn lẻ và góp một đồng tiền cho nhà trường cho thầy cô bớt khổ là chuyện cần làm. Có ai nào lỡ khoanh tay đứng nhìn những giọt lệ chảy dài trên khuôn mặt già trước tuổi của cô giáo mầm non? Sâu xa hơn, cái tâm của các nhà quản lý nhà nước cần được chấn chỉnh và nâng “tầm” vì có khá nhiều chuyện buồn mà đơn cử như chuyện tuyển dụng khi một bạn đọc kể rằng, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM về tỉnh và nộp hồ sơ lên sở thì người ta trầm ngâm hỏi có “3T” chưa (thân, thế, tiền), không thì xin vào trường dân lập chứ không vào được “chính quy”. Và rõ ràng chúng ta không thể để những “con sâu” như vậy làm rầu môi trường sư phạm vẫn còn biết bao thầy cô yêu nghề và bám lớp đến cùng.

Rộng hơn, tại sao chúng ta không thể sửa các văn bản pháp luật quy định rõ ngoài “bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả phí” thì bậc mầm non cũng phải vậy, là bắt buộc và miễn phí. Không như thế thì con nhà nghèo sẽ vẫn hoàn nghèo và thua ngay từ khi còn chưa biết mặt chữ. Và đấy là nỗi khổ tâm chung cần sự chung tay của toàn xã hội. Cần nhớ rằng mọi cải cách đều bắt đầu từ lớp dưới, từ chính bậc học mầm non, với lương thầy cô ở bậc học này cần điều chỉnh không thấp hơn bậc THPT và đại học. Có vậy mới có tương lai đất nước.

Bích An

Tin cùng chuyên mục