Thương hiệu và niềm tin

Điện ảnh Việt từ đầu năm 2024 đến nay chứng kiến hai bức tranh đối lập: có những bộ phim thắng vang dội, doanh thu hàng trăm tỷ đồng trong khi nhiều tác phẩm lại thất bại đau đớn. Trong vô vàn ý kiến trái chiều, câu chuyện thương hiệu điện ảnh cần được mổ xẻ cặn kẽ.

Điện ảnh Việt từ đầu năm 2024 đến nay đang đi theo đồ thị hình sin một cách rõ rệt: lên đỉnh vào mùa phim tết, chạm đáy suốt những tháng sau đó trước khi tăng trưởng trở lại dịp lễ 30-4 và 1-5. Nhưng, nhìn vào cả thành công và thất bại đã qua, có một điều được phản chiếu từ thực tế thị trường tương đối rõ ràng, có thể gói gọn trong hai chữ “thương hiệu”.

Câu chuyện thương hiệu trước hết phải được xem xét từ góc độ cá nhân. Nhìn vào thành công vang dội của Lý Hải hay Trấn Thành sẽ rõ khía cạnh này. Nghĩa là, bộ phim dù chưa ra mắt nhưng chiến thắng đã cầm chắc trong tay. Điều này tưởng chừng nghịch lý, bởi hầu hết các nhà làm phim Việt không ai dám vỗ ngực tự tin phim mình sẽ thắng. Nhưng, hai cái tên nói trên luôn thắng và dẫn đầu thị trường với tổng doanh thu lên đến cả ngàn tỷ đồng. Nhà phê bình Lucas Luân Nguyễn khi nhận định về sức hút của phim Mai cũng đã đề cập đến yếu tố thương hiệu của Trấn Thành khi anh đã có 2 phim trước đó thành công, có doanh thu phòng vé cao dù vẫn còn những khen chê.

Dĩ nhiên, để đạt doanh thu kỷ lục mỗi bộ phim phải tạo ra đủ nội lực thông qua: kịch bản tốt, câu chuyện hay, diễn xuất thuyết phục của diễn viên… Tất cả những điều đó góp phần tạo nên hiệu ứng truyền miệng trên mạng xã hội khiến khán giả háo hức ra rạp, và phải ra rạp xem bằng được. Đến hiện tại, Lý Hải và Trấn Thành là hai thương hiệu thành công bậc nhất, cùng vượt mốc doanh thu ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, điện ảnh Việt cũng có một vài cái tên: Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Ngô Thanh Vân… hay một vài đạo diễn khác có phim đạt doanh thu phòng vé trăm tỷ đồng. Điều đáng mừng, phim của họ có thể chưa thành công lớn nhưng cũng không khiến khán giả phải lắc đầu ngao ngán về chất lượng. Tuy nhiên, để đạt kỳ vọng và duy trì sự bền vững, ổn định của thị trường, điện ảnh Việt cần nhiều hơn những thương hiệu như thế. Điều này đặt ra bài toán lâu nay: chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt đội ngũ biên kịch và đạo diễn.

Ở chiều ngược lại, khi tham chiếu câu chuyện thương hiệu vào những bộ phim thất bại về doanh thu cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Như trường hợp của Đóa hoa mong manh, dù đạo diễn Mai Thu Huyền đã rất nỗ lực và có cải thiện nhất định về tay nghề song nó vẫn không thể xóa nhòa định kiến sau thất bại của: Kiều, Giấc mơ Mỹ. 7 năm sau SOS: Sói trắng từng khiến khán giả thất vọng tràn trề, đạo diễn Lê Hoàng cũng không thể vực dậy trong mùa phim tết vừa qua với Trà.

Thương hiệu của các nhà làm phim chưa đủ mạnh, cộng với chất lượng phim không đủ thuyết phục khán giả cũng khiến những trường hợp như: B4S - Trước giờ “yêu”, Quý cô thừa kế 2, Sáng đèn hay trước đó là Trên bàn nhậu dưới bàn mưu, Chiếm đoạt, Giao lộ 8675, Bến phà xác sống, Chạm vào hạnh phúc… đều chịu cảnh “ngã ngựa” đau đớn. Bài học xương máu, các nhà làm phim cần xét lại bản thân và tác phẩm của mình trước khi “đổ lỗi” cho các lý do khách quan khác.

Thương hiệu của một nhà làm phim và cả nền điện ảnh phụ thuộc rất lớn vào niềm tin khán giả. Bản thân Lý Hải, Trấn Thành hay nhiều nhà làm phim phải mất hàng chục năm, thậm chí lâu hơn thế để khẳng định tên tuổi và chứng minh sự tiến bộ. Một tín hiệu lạc quan, điện ảnh Việt đang nhận được sự ủng hộ lớn của khán giả. Ai cũng hiểu, để duy trì niềm tin ấy cần những bộ phim thật sự chất lượng. Khi thương hiệu cá nhân các nhà làm phim đủ mạnh và đủ nhiều, điện ảnh Việt sẽ xác lập được chỗ đứng vững chắc không chỉ trong lòng khán giả, mà còn trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Tin cùng chuyên mục