Kỳ vọng đổi mới giáo dục

Nhiều năm qua, thực trạng giáo dục đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực đang có nhiều vấn đề, thậm chí được cho là nghiêm trọng. Điều này cũng được chỉ rõ trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI “giáo dục và đào tạo có tiến bộ trên một số mặt, nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, gây bức xúc cho xã hội… Quản lý nhà nước về giáo dục còn lúng túng… Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển”.

Vì vậy, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đang được coi là việc làm hết sức cấp thiết hiện nay. Vấn đề này trong thời gian qua cũng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà giáo dục, nhà quản lý, chuyên gia, những người có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Tất cả đều chỉ mong mỏi góp một phần tiếng nói của mình để công cuộc cải tổ nền giáo dục sắp tới đi đến được bến bờ thành công. Bởi lẽ, với dân số đông thứ 13 trên thế giới, nếu có bước đi đúng đắn, Việt Nam có quyền mơ ước đến năm 2020 sẽ có một dịch chuyển quan trọng, như một mục tiêu chiến lược, biến dân số đông từ gánh nặng kinh tế xã hội thành ưu thế cạnh tranh, để đưa đất nước lên vị trí xứng đáng.

Trong quá trình đóng góp ý kiến cho đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, các nhà giáo dục đã đi sâu đánh giá cụ thể thực trạng giáo dục nước nhà. Theo họ, những yếu kém, bất cập và lạc hậu đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong nền giáo dục quốc dân tồn tại từ nhiều năm qua và ngày càng trầm trọng. GS Chu Hảo chỉ ra rằng, hậu quả của nó không phải chỉ là không đáp ứng được nguồn nhân lực cho công cuộc CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, không tạo tiền đề phát triển khoa học công nghệ mà quan trọng hơn là góp phần làm suy yếu thêm nền tảng văn hóa - đạo đức xã hội. Không hẹn mà gặp, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nhất thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, thậm chí phải tiến hành một “cuộc cách mạng” đối với nền giáo dục Việt Nam, cải cách triệt để vì nó đang bị “khủng hoảng”.

Nhiều người đã đặt câu hỏi, tại sao nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình mới đây đã kêu gọi “chúng ta cần một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và tiên tiến”, là phải chăng vì nền giáo dục của chúng ta đang là giả dối và lạc hậu? Vì sao GS Hoàng Tụy, người suốt đời gắn bó và trăn trở với giáo dục lại khẳng định: “Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu mà là lạc đường”… Tại sao các chuyên gia đầu ngành giáo dục, các nhà khoa học, những ai có tâm huyết với nền giáo dục đều đong đầy những trăn trở, bức xúc, những hoài nghi, mông lung về tương lai của nền giáo dục Việt Nam? Tại sao cho đến tận bây giờ mà chúng ta vẫn loay hoay với câu hỏi, “dạy chữ” hay “dạy người” trước? Đó là những câu hỏi mà lần đổi mới giáo dục này phải nhận diện và khắc phục được.

Hội nghị TƯ lần thứ 6 khai mạc trong tháng 10 này sẽ bàn về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Hàng loạt hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho đề án đã được tổ chức nhằm tập hợp được trí tuệ, tâm huyết cho công cuộc đổi mới nền giáo dục đất nước. Gần đây nhất, ngày 29-9, Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội đã dành cả ngày làm việc để tập hợp ý kiến các trí thức tiêu biểu của thủ đô với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020.

Các trí thức lớn của thủ đô đã ra bản kiến nghị với Hội nghị TƯ lần thứ 6 về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà họ tha thiết kiến nghị Hội nghị TƯ lần thứ 6 đánh giá đúng thực chất nền giáo dục hiện nay, và mọi nghị quyết của Đảng liên quan đến sự nghiệp GD-ĐT cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự tham gia đóng góp của các tầng lớp xã hội để bám sát thực tiễn và tính khả thi cao. Tất cả những vấn đề cốt lõi của giáo dục như chấn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân, chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, đầu tư, chi tiêu ngân sách Nhà nước và đóng góp của dân cho giáo dục, cơ chế tuyển chọn và sử dụng trí thức... đều được đặt ra đòi hỏi phải có sự đổi mới căn bản và toàn diện.

TS Lê Trường Tùng khi bàn về công cuộc đổi mới giáo dục lần này đã nhắc lại lời nói của một thi sĩ thời Tống để thể hiện nỗi trăn trở của mình: “Trên đời có 3 điều đáng tiếc nhất: những bức danh họa bị mất giá trị vì bị những kẻ phàm phu tục tử tán thưởng; những cánh trà ngon bị hao phí quá nhiều bởi những bàn tay bất tài dày vò; và những thanh niên ưu tú bị hư hỏng vì một hệ thống giáo dục sai lầm”. Lực lượng trẻ đã ưu tú trong bảo vệ Tổ quốc, thì cũng phải là lực lượng ưu tú, người lính xung kích tinh nhuệ trong phát triển đất nước và hội nhập quốc tế thông qua một nền giáo dục đổi mới, chất lượng, nhân bản. Có lẽ, đó là điều mà toàn dân đang mong đợi, kỳ vọng vào lần đổi mới giáo dục này.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục