Hợp thức hóa việc dạy thêm, học thêm?

Đã hơn một tuần kể từ ngày dự thảo Quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ GD-ĐT ban hành chính thức được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi người dân. Song, trái với mong đợi của nhiều người, dự thảo lần này chẳng những không gây được nhiều chú ý trong dư luận mà còn khiến không ít người hoài nghi về tính “có cho vui” và hiệu quả thực thi của nó.

Không hoài nghi sao được khi trước đó chưa lâu, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó nêu rõ: “UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn, cấp giấy phép hoặc ủy quyền cho sở GD-ĐT cấp giấy phép dạy thêm” nhưng hơn 5 năm qua, hoạt động này vẫn như con ngựa bất kham, càng lèo lái càng bất trị. Quản “đầu trên” không nổi, lần này những người có trách nhiệm lại quay sang buộc “đầu dưới” với quy định “Học sinh muốn học thêm phải tự tay làm đơn và cha mẹ (hoặc người giám hộ) phải ký tên và cam kết thực hiện những nội dung theo quy định”.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hàng ngàn tờ đơn, mẫu cam kết được soạn sẵn, sao in hàng loạt, phụ huynh, học sinh chỉ cần mua về, ký tên nộp cho đơn vị quản lý là xong. “Như vậy khác nào mua thêm thủ tục hành chính, lãng phí tiền bạc vô ích cho phụ huynh mà việc con có đi học thêm hay không căn bản vẫn không có gì thay đổi”, một phụ huynh có con đang học lớp 12 Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận) bày tỏ. Người lạc quan nhất thì cho rằng quy định ban ra chủ yếu mang tính “có cho vui”, trấn an dư luận là chính. Bi quan hơn một chút thì nhận định nếu làm không khéo, quy định sẽ trở thành vỏ bọc hoàn hảo cho việc hợp thức hóa hoạt động dạy thêm, học thêm đang tràn lan hiện nay.

Đó là chưa kể hàng loạt quy định khó hiểu trong bản nội dung của dự thảo như: “Không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ những trường hợp nhận quản lý học sinh ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình và phụ đạo học sinh yếu kém”. Dư luận băn khoăn đặt câu hỏi đâu là ranh giới giữa việc dạy thêm (đa phần ngoài giờ) với việc nhận quản lý học sinh (đơn thuần về mặt thể chất) theo yêu cầu của phụ huynh? Học sinh trình độ thế nào mới được gọi là yếu kém để được cấp phép đi học thêm?

Về phía giáo viên, dự thảo cũng quy định: “Giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, giáo viên các cơ sở giáo dục, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng không được tổ chức hoặc tham gia các lớp dạy thêm ngoài nhà trường”. Như vậy theo quy định mới, chỉ có những giáo viên… trẻ mới ra trường, giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập mới được cấp phép dạy thêm! Vô lý hơn, dự thảo còn quy định “Mức thu và sử dụng tiền học thêm do UBND tỉnh, thành phố quy định”.

Một giáo viên đã về hưu hiện đang công tác tại một trung tâm bổ túc văn hóa trên đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1) hài hước so sánh, trường lớp đào tạo chính quy chịu ràng buộc quy định thu học phí đã đành, nay đến cả hệ bổ túc cũng có khung giá đào tạo, khác nào công khai bình đẳng với xã hội một hình thức đào tạo mới: học thêm?

Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ đối với 20 thầy cô đang công tác tại các trung tâm bổ túc văn hóa lâu đời của thành phố. Kết quả cho thấy hầu hết đều không quan tâm lắm đến bản dự thảo quy định vừa được Bộ GD-ĐT ban hành. Cá biệt có hai ý kiến cho rằng quy định trên chỉ mang ý nghĩa về mặt quản lý hành chính, không ảnh hưởng gì đến hoạt động dạy thêm, học thêm đang nhộn nhịp hiện nay. Như vậy nếu được chính thức ban hành, liệu chăng sẽ có thêm một quy định mới bị vô hiệu ngay từ khi mới chào đời?  

THANH THU

Tin cùng chuyên mục