Không thể xem nhẹ an toàn tiêm chủng

Dư luận trong cả nước lại một lần nữa không khỏi lo lắng khi có thêm một trẻ nhỏ tử vong sau tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi Hib. Trường hợp tử vong mới nhất này vào ngày 15-1 đối với một bé trai hơn 2 tháng tuổi ở thành phố Đà Lạt. Trước đó một ngày, bé trai này đã được tiêm vaccine Quinvaxem tại trạm y tế của địa phương. Sau khi tiêm được vài giờ và trở về nhà, bé trai này quấy khóc nhiều, sốt cao với các biểu hiện của phản ứng do tiêm vaccine. Tiếp đó, bệnh nhi này được đưa tới cấp cứu tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng trong tình trạng tím tái toàn thân và tử vong sau đó.

Như vậy kể từ tháng 10-2013 cho tới nay, sau khi được phép sử dụng trở lại trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khoảng 3 tháng qua, tất cả địa phương trong cả nước lần lượt triển khai trở lại việc tiêm vaccine Quinvaxem cho trẻ nhỏ trong diện phải tiêm chủng trên địa bàn.

Tính đến thời điểm này, mặc dù Bộ Y tế chưa đưa ra thống kê đầy đủ số trẻ đã được tiêm trở lại loại vaccine “5 trong 1” Quinvaxem nhưng số trường hợp trẻ bị phản ứng, tai biến sau tiêm loại vaccine này không phải là số ít. Chỉ tính đến tháng 12-2013 đã có khoảng 500.000 trẻ tại các địa phương được tiêm vaccine Quinvaxem, trong đó có trên 100 trẻ bị dị ứng sau khi tiêm vaccine với biểu hiện sốt, quấy khóc, sưng tấy tại chỗ tiêm và cùng với đó là một số trường hợp tử vong vẫn chưa rõ nguyên nhân, hoặc do cơ địa của trẻ quá mẫn cảm với vaccine.

Rõ ràng, những phản ứng mà trẻ nhỏ phải đối mặt sau tiêm vaccine Quinvaxem hay bất kỳ loại vaccine nào khác là điều khó tránh khỏi, bởi lẽ theo các chuyên gia y tế thì không có bất cứ  loại vaccine nào là không gây ra phản ứng phụ sau tiêm. Tuy nhiên trước thực tế không ít trẻ nhỏ bị tai biến, thậm chí là mất mạng sau tiêm vaccine, đặc biệt sau một số vụ việc bức xúc liên quan tới công tác tiêm chủng xảy ra trong năm 2013 như tiêm nhầm vaccine, tiêm vaccine hết hạn hay ăn bớt vaccine... đã khiến cho xã hội, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ không khỏi bức xúc, cũng như hoang mang, lo lắng về công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Cho dù sau mỗi vụ việc tai biến liên quan tới tiêm chủng vaccine, Bộ Y tế, Chương trình tiêm chủng quốc gia, các cơ quan chức năng và địa phương đã khẩn trương vào cuộc tiến hành điều tra nguyên nhân, xử lý những cá nhân, đơn vị có liên quan nhưng điều này vẫn chưa thể làm cho các bậc cha mẹ yên tâm khi đưa trẻ đi tiêm chủng.

Không thể phủ nhận, đến nay tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu hàng đầu và “phương thuốc” hiệu quả, kinh tế nhất để phòng ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm cho con người. Theo đánh giá của WHO và Bộ Y tế, sau hơn 25 năm thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong công tác chăm sóc sức khỏe, giúp hàng triệu trẻ em thoát khỏi nguy cơ mắc không ít bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng. Trong đó nổi bật là chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, đang tiến tới loại trừ bệnh sởi và nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác cũng giảm mạnh, từng bước được đẩy lùi.

Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thực hiện tiêm chủng vaccine cũng đã xảy ra không ít trường hợp phản ứng, tai biến sau khi tiêm chủng khiến người dân hoang mang, lo ngại, thậm chí có gia đình còn chối bỏ Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ.

Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, Trưởng ban Điều hành dự án tiêm chủng mở rộng, từng khẳng định không có loại vaccine nào đảm bảo an toàn tuyệt đối 100%. Hơn nữa, phản ứng sau tiêm chủng vaccine của trẻ em Việt Nam từ 0,5 - 0,9 ca/1 triệu trẻ em, đây là con số thấp so với thế giới.

Do đó, để bảo đảm an toàn tiêm chủng vaccine cho trẻ nhỏ, hạn chế tối đa số ca tai biến và tử vong, đòi hỏi Bộ Y tế và các địa phương ngoài việc đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các điểm tiêm chủng chưa bảo đảm an toàn thì cần tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế về các quy định liên quan tới tiêm chủng an toàn, giám sát xử lý phản ứng sau tiêm.

Về phía cán bộ tiêm chủng cần tư vấn đầy đủ cho các bậc cha mẹ khi đưa trẻ đi tiêm vaccine, đặc biệt các trường hợp chống chỉ định và hướng dẫn theo dõi, xử trí các phản ứng sau tiêm chủng. Các gia đình cũng phải có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ trước và sau tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm, kịp thời đưa đến cơ sở y tế để xử lý.

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục