Cuộc đua xuống đáy

Một trang báo mạng tung lên thông tin có một kiều nữ ở Hải Dương chuyên hiếp dâm tài xế taxi mà đỉnh điểm là 2 ngày hiếp 30 lần! Thông tin quá sốc đó lập tức thu hút dư luận nên lan truyền với tốc độ khủng khiếp.

Một trang báo mạng tung lên thông tin có một kiều nữ ở Hải Dương chuyên hiếp dâm tài xế taxi mà đỉnh điểm là 2 ngày hiếp 30 lần! Thông tin quá sốc đó lập tức thu hút dư luận nên lan truyền với tốc độ khủng khiếp.

Một trang, hai trang rồi tràn ngập các trang thông tin điện tử, báo mạng nhảy vào khai thác, những đường link được chia sẻ trên các trang mạng xã hội với tốc độ chóng mặt khiến người liên quan đang ở tận trời Tây cũng choáng váng. Một vụ bảo mẫu hành hạ trẻ được tung lên mạng lập tức các trang mạng hùa vào khai thác tất tần tật từ gia cảnh đến những mối quan hệ, cuộc sống thường nhật của họ. Hình ảnh họ bị phát tán vô tội vạ khắp nơi. Cũng cần nhắc cả chuyện các cô nàng tung lên mạng những hình ảnh và cả video clip dung tục, phản cảm, thế là tên tuổi các cô nàng được phủ sóng mạng Internet suốt một thời gian dài cho đến khi cơ quan chức năng vào cuộc “dẹp loạn”.

Còn có thể liệt kê ra hằng hà sa số sự vụ cụ thể lẫn những biểu hiện thái quá như thế của truyền thông mạng hiện nay. Chuyện mô tả chi tiết hành vi tội ác, hành vi dâm dục, sa đọa… gần như xuất hiện nhan nhản khắp các trang web. Những thông tin giật gân câu khách rẻ tiền, kích thích tò mò bản năng như thế xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều và ngày một tăng.

Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, các trang tin đua nhau câu người truy cập (câu view) bằng tất cả những tin bài “tình, tiền, tội”, “cướp, giết, hiếp”, lộ hàng, rồi chân dài, đại gia... mà họ “nhặt” được trong bộn bề cuộc sống. Và trong cuộc cạnh tranh sống còn với hàng ngàn trang tin khác (phải nổi bật để câu view, từ đó thu được nhiều tiền quảng cáo), những thông tin lẽ ra chỉ nên đưa chừng mực thì họ cố tình khai thác theo chiều hướng trần trụi, dung tục hết mức có thể, bất kể đạo đức nghề nghiệp. Nói không ngoa, hiện nay cuộc cạnh tranh của rất nhiều trang tin điện tử, truyền thông mạng không phải là cuộc cạnh tranh của nghiệp vụ thông thường mà đơn giản chỉ là cuộc cạnh tranh của “sốc, độc, lạ”, của tít giật gân, gây sốc của người truy cập để câu view mà thôi.

Mặc dù có quy định các trang tin điện tử tổng hợp chỉ được quyền trích dẫn (có ghi nguồn) lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí hay các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng và Nhà nước và phải được sự đồng ý của các cơ quan này. Nhưng thực tế mô hình hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp sở hữu trang tin điện tử tổng hợp hiện nay không khác mấy mô hình tòa soạn của các đơn vị báo chí, cũng có trưởng ban, thư ký tòa soạn, biên tập viên và đội ngũ nhân viên tác nghiệp tại các sự kiện như những phóng viên. Nói chung, họ chủ động tác nghiệp, xuất bản tin bài như bao tờ báo khác.

Quy định là thế, thực trạng là thế nhưng vấn đề xử lý gần như bỏ ngỏ, thỉnh thoảng cũng có vài ba trường hợp kiểm tra, xử phạt, nhưng cuối cùng vẫn chỉ như ném đá ao bèo. Mọi người đều thấy, đều cảm được những tác động khủng khiếp từ thông tin vô tội vạ ở các trang tin trên gây ra với xã hội. Chưa kể, với tốc độ nhanh nhạy và yếu tố kiểm chứng thông tin lỏng lẻo như hiện nay, thông tin từ các trang tin điện tử thậm chí đôi khi còn lấn át cả thông tin trên những tờ báo chính thống, tạo ra một cán cân nghiêng lệch rất đáng quan ngại. Càng lo ngại hơn, trong cuộc cạnh tranh này, một số tờ báo mạng một thời chín chắn, nghiêm túc trong đăng tải thông tin thì bây giờ cũng chạy theo “tình, tiền, cướp, giết” vì áp lực giành độc giả để giành thị phần quảng cáo. Đó là một cuộc đua xuống đáy đáng lo ngại như cảnh báo của một nhà báo lão thành.

Nếu xem truyền thông mạng như một đứa trẻ đang lớn thì với những gì đang diễn ra cho thấy đứa trẻ ấy lớn quá nhanh trong khi “chiếc áo” quản lý đã trở nên quá chật chội, không còn phù hợp. Vì vậy, nhận diện đúng, chính xác về “cơ thể” truyền thông mạng là điều cần làm ngay để cắt may một chiếc áo vừa vặn và phù hợp hơn, để không hạn chế sự phát triển của chúng nhưng cũng không để chúng gây ra những tổn thương hay những tác động xấu đến xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản phải thường xuyên kiểm tra, xử lý thật nghiêm các tờ báo mạng, các trang thông tin điện tử, các ấn phẩm phụ, chuyên đề… xa rời tôn chỉ mục đích, hạ thấp chất lượng thông tin, chạy theo lợi ích kinh tế một cách phi văn hóa, vô trách nhiệm, gây nhiễu loạn xã hội.

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục