Giải bài toán năng suất lao động

Thông tin về năng suất lao động của Việt Nam vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố. Theo ILO, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần; thấp hơn Nhật Bản 11 lần; thấp hơn Hàn Quốc 10 lần; chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn lao động khoảng 54,87 triệu người, và hàng năm có khoảng trên 1 triệu người tham gia vào thị trường lao động. Lẽ ra, đây sẽ là lợi thế của nước ta về năng suất lao động, nhưng trên thực tế việc “1 người Singapore làm việc bằng... 15 người Việt” theo cách tính của ILO là điều có thể hiểu được. Bởi lẽ, năng suất lao động của một quốc gia được ILO tính theo công thức: lấy tổng thu nhập quốc nội chia cho số lao động làm việc.

Với cách tính này, không có gì đáng ngạc nhiên khi năng suất lao động của Việt Nam lại quá thấp so với những nước phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi có GDP bình quân đầu người đều cao tới hơn chục lần so với Việt Nam.

Vậy chúng ta phải làm gì để cải thiện điều này? Có chuyên gia nói một cách đơn giản rằng để giảm chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực thì phải lấp đi khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người. Muốn vậy, phải tăng tốc độ tăng trưởng GDP. Nói như vậy không phải không có lý, nhưng để thực hiện lại là điều không đơn giản. Nhiều năm qua, tăng trưởng GDP vẫn là mục tiêu mà chúng ta đặt ra, nhưng do tác động của suy giảm kinh tế thế giới cũng như yếu kém nội tại mang tính cơ cấu, nên kinh tế Việt Nam đang xa dần với quỹ đạo “tăng trưởng cao” của giai đoạn trước năm 2008.

Để kinh tế phát triển bền vững, tạo đà cho tăng trưởng cao trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, thời gian qua Chính phủ đã tập trung triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế. Chấp nhận tăng trưởng ở mức vừa phải để sắp xếp, phân bổ nguồn lực cho phát triển là con đường chúng ta buộc phải đi trong giai đoạn này.

Trở lại câu chuyện năng suất lao động của Việt Nam thấp, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao; công nghiệp phần lớn làm gia công, ít công nghệ cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp còn thấp. Vì thế, muốn tăng năng suất lao động trước hết cần tập trung làm tốt chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi hoạt động sản xuất hướng vào những ngành có giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ thông qua chính sách ưu đãi cụ thể về thuế và tín dụng. Khi ngành nông nghiệp được hiện đại hóa, các ngành công nghiệp chủ đạo có hàm lượng công nghệ cao hơn, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thì chắc chắn năng suất lao động sẽ tăng lên.

Đó là những giải pháp mang tính vĩ mô, còn giải pháp trực tiếp là phải đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trong một báo cáo công bố hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nếu Việt Nam không muốn mãi là công xưởng thô sơ của thế giới thì lực lượng lao động cần được trang bị thêm nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nhận thức và kỹ năng hành vi. Theo báo cáo, mặc dù tỷ lệ lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn so với nhiều nước khác (kể cả các nước giàu có hơn Việt Nam) nhưng trong thực tế, nhiều công ty Việt Nam vẫn gặp trở ngại đáng kể do khó tìm được những lao động có kỹ năng phù hợp.

Theo WB, một lực lượng lao động có kỹ năng cao mới là chìa khóa thành công trong chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam. Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng cho biết: “Tổ chức quốc tế đánh giá 80% nhân viên văn phòng ở Việt Nam thiếu kỹ năng; tỷ lệ này ở lao động kỹ thuật, lao động phổ thông là 83% và 40%”. Rõ ràng, nếu những đánh giá này là đúng thì việc tìm ra giải pháp thay đổi chắc chắn sẽ góp phần cải thiện được vấn đề năng suất lao động.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục