Khoảng trống thuế

Thị trường bán lẻ Việt Nam trở nên sôi động thời gian gần đây. Nhiều tên tuổi lớn trên thế giới tìm đến Việt Nam mua bán, sáp nhập, mở chuỗi hệ thống bán lẻ khắp cả nước. Trong khi đó, một số “ông trùm” lão luyện lại dứt áo ra đi. Thấy gì qua các sự kiện này? Không thể phủ nhận thị trường bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn với dân số trên 90 triệu người, trong khi mảng phân phối hiện đại chỉ chiếm chưa đến 25% tổng thị trường bán lẻ. Đấy chính là “mảnh đất” rộng lớn, đầy tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Thế nhưng, sự thật đằng sau nó là gì, thì còn rất nhiều điều phải bàn. Một quốc gia còn tồn tại thói quen sử dụng tiền mặt là chủ yếu, lại không bị “siết” về hóa đơn chứng từ khi bán hàng, đã vậy, doanh nghiệp còn được tự kê khai tính thuế. Điều gì sẽ xảy ra? Câu chuyện Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam liên tục báo thua lỗ nhưng vừa bán lại toàn bộ hệ thống siêu thị Metro cho BJC của Thái Lan với giá 879 triệu USD (trong khi vốn đầu tư chỉ hơn 300 triệu USD), buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: Vì sao một doanh nghiệp thua lỗ như Metro lại “được giá” như vậy?

Theo thống kê của cơ quan thuế, 13 năm qua kể từ khi Metro có mặt tại Việt Nam, doanh nghiệp này liên tục báo cáo lỗ. Tính đến hết năm 2013, Metro vẫn chưa lần nào phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, đã vậy còn để lại số lỗ âm vốn! Cụ thể, vốn chủ sở hữu của Metro là 1.903 tỷ đồng, trong khi số lỗ lũy kế lên đến 1.957 tỷ đồng, âm vốn 54 tỷ đồng. Metro có tổng tài sản là 6.476 tỷ đồng nhưng tổng nợ lên đến 6.530 tỷ đồng, tức nợ cao hơn tài sản!

Sở dĩ, doanh nghiệp bán lẻ dễ dàng báo cáo lỗ là vì cơ chế tiền mặt, lại không áp dụng đúng quy định về hóa đơn chứng từ. Dù luật quy định doanh nghiệp bán hàng có tổng giá trị từ 200.000 đồng trở lên buộc phải xuất hóa đơn bán hàng giao cho khách. Thế nhưng, chẳng doanh nghiệp nào thực hiện, chẳng cơ quan thuế nào kiểm tra, xử lý. Doanh nghiệp bán hàng không xuất hóa đơn. Sai thì đã rõ. Nhưng quan trọng nhất là sau 13 năm liên tục mở rộng và phát triển như Metro lại không nộp đồng thuế nào mà chẳng có một ai trong cơ quan quản lý nhà nước gánh chịu trách nhiệm (?!). Khi nói đến trách nhiệm thì sẽ nghe đổ thừa các lý do, nào là kiểm tra không xuể, nào là lượng hóa đơn chứng từ lớn quá…

Trong khi đó, một bài toán đơn giản là “nắm kẻ có tóc”, đó là buộc tất cả các doanh nghiệp bán lẻ có quy mô lớn phải trang bị hệ thống máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế. Cơ quan thuế có thể nắm được doanh số bán ra mỗi ngày qua mạng. Cuối ngày doanh nghiệp chỉ cần báo con số tổng, mà không cần phải lập bảng kê chi tiết như hiện nay, vừa giảm được chi phí cho doanh nghiệp, vừa giúp cơ quan thuế không phải “ngập” trong hồ sơ giấy.

Chúng ta tham gia “sân chơi” WTO, buộc phải mở cửa thị trường là lẽ đương nhiên. Thậm chí, Nhà nước còn ưu tiên những khu đất vàng ở các cửa ngõ cho các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp được sử dụng hệ thống giao thông, điện, nước (trong khi giá điện, nước, Nhà nước vẫn phải bù lỗ!)… Điều đó cho thấy chúng ta kỳ vọng rất nhiều vào sự phát triển của các doanh nghiệp, mong muốn họ đem lại nhiều lợi ích cho đất nước. Song, chúng ta lại chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả để cuộc chơi sòng phẳng hơn.

Không một người dân Việt Nam nào chấp nhận một doanh nghiệp đầu tư vào, tận dụng mọi nguồn lợi từ trong nước mà lại không nộp đồng thuế nào cho đất nước, chỉ vì công tác quản lý kém. Nếu không bắt đầu từ việc quản lý được cái hóa đơn, để biết được con số trong báo cáo thuế có đúng không, thì chắc chắn sẽ còn nhiều doanh nghiệp cứ ngày càng lớn mạnh mà lại báo cáo lỗ, không phải nộp đồng nào cho đất nước. Đó là chưa kể, nền kinh tế có cơ chế tiền mặt chiếm ưu thế là thị trường nhắm tới của các nhà tài phiệt muốn rửa tiền!

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục