Cuộc đổi ngôi thú vị

Kể từ khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực đã cải cách mạnh mẽ khâu “tiền đăng”, thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư thông thoáng hơn nhiều. Nhưng thời gian qua, nạn giấy phép con và cơ chế “xin - cho” vẫn còn hoành hành nhà đầu tư, cản trở “quyền tự do kinh doanh” đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Trong thực tế, quyền này gần như bị vô hiệu hóa bởi “rào chắn”: Ngành nghề kinh doanh phải được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh.

Vì vậy, để được việc, người có quyền (nhà đầu tư) phải trở thành “bên đi xin”, phải tốn “phí bôi trơn”; bên có nghĩa vụ (công chức và cơ quan nhà nước có thẩm quyền) mặc nhiên trở thành “bên cho”. Để duy trì đặc quyền, đặc lợi, “bên cho” tìm cách trì hoãn nghĩa vụ, nhũng nhiễu “bên xin”. Thế nhưng nay đã khác.

Luật Đầu tư (sửa đổi) với 7 chương và 76 điều và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với 10 chương, 213 điều vừa được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tám thông qua. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Mọi thứ đều minh bạch, không xin cho gì cả”. Có người cho rằng, đây là một cuộc cách mạng thật sự, mở ra một trật tự mới hợp lý, định vị lại theo đúng ngôi thứ của các bên trong mối quan hệ “bên có quyền” và “bên có nghĩa vụ”.

Xét về lý, cái gì không thuộc của mình, cần mới phải xin, không ai đi xin cái mình có quyền đương nhiên. Điều 7, Luật Doanh nghiệp 2005 đã xác định rõ “Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm”. Điều 33, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Đó là quyền đương nhiên của công dân.

Song suốt thời gian dài, “quyền đương nhiên” đó bị cản trở bởi cơ chế “xin - cho”. Nay theo luật mới, gần 90% số ngành nghề cấm kinh doanh đã được cắt giảm, từ 51 xuống chỉ còn 6; hơn 70% số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, từ 386 giảm xuống chỉ còn 272. Đó là những con số cực kỳ ấn tượng.
 
Trước đây làm luật theo tư duy “ban phát”, nên chọn “kiểu cho”. Cái gì cho làm thì ghi trong luật. Nhà làm luật dẫu tài ba đến đâu vẫn không thể “may chiếc áo pháp lý” đủ rộng cho thực tiễn kinh doanh sinh động. Người kinh doanh xin phép bao nhiêu ngành nghề cũng không đủ, nhu cầu phát sinh mới, lại đi xin, chậm thì mất cơ hội kinh doanh. Nay “chọn bỏ”, cái gì cấm thì ghi vào luật, công khai, minh bạch. Luật không cấm thì doanh nghiệp được quyền làm.

Thật ra, tư duy làm luật “thừa nhận quyền đương nhiên”: Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa đã cho họ quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc - đã được nhân loại thể hiện hàng trăm năm trước.
 
Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan nhà nước, có quyền ban phát trước đây khi thực hiện nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh cho người dân, nay theo cơ chế mới phải là “bên xin”. Cuộc vận động “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ khách hàng công dân) cùng với việc xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong đầu tư, đăng ký kinh doanh sẽ làm cuộc đổi ngôi thú vị.

Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được ban hành, cần nhanh chóng được đi vào cuộc sống kinh doanh sôi động, định lại ngôi vị thật sự của nhà đầu tư!

TRẦN HỮU HIỆP

Tin cùng chuyên mục