Văn nghệ sĩ đầu quân

Có lẽ, trên thế giới không phải quân đội nào cũng có một lực lượng viết văn, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đông đảo và khỏe khoắn như của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ấy là một lực lượng đặc biệt của quân đội; đồng thời cũng là lực lượng gạo cội trong đội ngũ nhà văn cách mạng Việt Nam, những người đã góp phần chính yếu tạo nên mảng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng - mảng sách đồ sộ nhất, sáng đẹp nhất; đồng thời tạo dựng nhân vật người lính - một trong những nhân vật trung tâm của văn học hiện đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

Nói tới “văn nghệ bộ đội”, nói tới đội ngũ các nhà văn áo lính, rộng hơn nói tới văn học cách mạng buổi đầu không thể không nhắc tới phong trào “văn nghệ sĩ đầu quân” những năm đầu cách mạng, kháng chiến (1946 - 1950). Ấy là một phong trào tự nguyện, tình nguyện của văn nghệ sĩ tiền chiến. Tình nguyện theo kháng chiến, tình nguyện “lên ngàn”, tình nguyện đầu quân và tình nguyện phụng sự cuộc chiến đấu bằng nghề nghiệp của mình. Từ phong trào này, quân đội vinh dự được đón những tên tuổi như Nguyễn Công Hoan, Tố Hữu, Thâm Tâm, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Đặng Thai Mai, Thanh Tịnh, Bảo Định Giang, Thanh Châu, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Trọng Lư, Huỳnh Văn Nghệ... lên chiến khu chiến đấu sinh hoạt trong lực lượng vũ trang.

Chính các nhà văn này, bằng tài năng và uy tín văn chương của mình, bằng tấm lòng với quân đội, với kháng chiến đã góp công đầu để cho những “hạt mầm” văn nghệ trong quân đội lớn lên - những nhà văn “đội mũ đeo sao” thực sự: Trần Đăng, Hoàng Văn Bổn, Từ Bích Hoàng, Hồ Phương, Vũ Cao, Chính Hữu, Hữu Mai, Hà Minh Tuân, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Xuân Miễn...

Từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ phong trào “văn nghệ sĩ đầu quân”, một lớp các nhà văn - chiến sĩ đã ra đời. Nhưng phải đến sau ngày hòa bình lập lại - 1954, cụ thể là đến Trại sáng tác văn học toàn quân mùa xuân năm 1955 (còn gọi là Trại sáng tác Thái Hà ấp hay Trại sáng tác về anh hùng) thì đội ngũ các nhà văn áo lính mới chính thức được tập hợp lại trong một tổ chức của quân đội là Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Có thể nói Trại sáng tác văn học về những người anh hùng năm 1955 là một trại viết rất thành công của quân đội.

... Và, nếu như Trại viết toàn quân lần thứ nhất - 1955 là cuộc hội quân lần thứ nhất của các nhà văn quân đội thì sau đó 20 năm, tháng 6-1976 đã diễn ra cuộc hội quân lần thứ hai. Trại lần thứ hai được tổ chức sau các trại sáng tác do Quân khu 5, Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam tổ chức nên đã tập hợp “không sót một ai” trong số các cây bút viết văn trong toàn quân. Họ là những tài năng trẻ, bao gồm đủ các sắc lính đến từ các chiến trường, mặt trận, các quân chủng, binh chủng, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; đặc biệt là những tác giả ở các chiến trường B, C, K. Số đông những nhà văn tham dự trại sau này được chọn vào học Trường viết văn Nguyễn Du, sau đó là Học viện Văn học thế giới mang tên M. Gorki.

Có thể nói, chính các nhà văn áo lính này đã căn bản làm nên “văn hiệu” của Trường viết văn Nguyễn Du sau này và cũng cũng chính họ đã tạo ra uy tín và niềm kiêu hãnh của lứa người viết mang tên “Khóa I Nguyễn Du” với những tên tuổi: Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đức Mậu, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Ngọc Mộc, Phạm Hoa, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Hoa, Đình Kính, Nguyễn Thụy Kha... Những nhà văn này đã làm nên một lứa lớp những nhà văn chống Mỹ đông đảo hoành tráng đầy nhiệt huyết và tài năng. Nhiều nhà văn trong số này đang nắm giữ những trọng trách của văn giới nước nhà.

Bước vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI, đất nước đổi mới trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức; quân đội cũng có những nhiệm vụ mới và văn chương viết về người lính về chiến tranh cũng không thể viết như cũ. Trong bối cảnh đó, cuộc Hội quân lần thứ ba của các nhà văn quân đội đã diễn ra.

Tuy chỉ là một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ viết văn do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức theo ủy quyền của Tổng cục Chính trị, nhưng cũng đã quy tụ được đông đảo các cây bút trẻ từ khắp miền của đất nước về dự, trong đó có những người về sau trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, giữ trọng trách trong các cơ quan quản lý văn hóa - văn nghệ, phụ trách những trang văn nghệ các báo; những tờ báo, tạp chí văn chương có uy tín của quân đội và các hội văn nghệ địa phương.

70 năm với 3 lần hội quân cùng với cả chục trại sáng tác, các cuộc thi truyện ngắn, thi thơ, các cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ, quân đội mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị đã phát hiện, tổ chức, bồi dưỡng được nhiều thế hệ nhà văn, lớp này tiếp lớp khác góp phần tạo nên một đội ngũ nhà văn - chiến sĩ (nhà văn áo lính) đông đảo, nhiều tài năng và giàu nhiệt huyết góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát huy nuôi dưỡng hình ảnh cao đẹp bộ đội Cụ Hồ cũng như sự nghiệp xây dựng một nền văn học mới do Đảng lãnh đạo.

NGÔ VĨNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục