Khi dối trá được đại chúng hóa

Sự việc ca sĩ Anh Thúy lừa dối (tạm gọi như thế bởi bản chất có thể khác) trong chương trình truyền hình thực tế X-Factor có thể xem là cú lừa kinh điển trên sóng truyền hình Việt Nam cho tới thời điểm này. Cho đến trước giờ phát sóng tập tiếp theo vào tối nay, mọi việc xem như đã tạm khép lại với lời xin lỗi từ đơn vị sản xuất cũng như việc thí sinh Huyền Minh (tức ca sĩ Anh Thúy) bị loại khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản thế!

Cho đến thời điểm này, đại diện đơn vị sản xuất vẫn khẳng định bị thí sinh lừa. Thế nhưng, những ai hiểu một chút về hoạt động truyền hình ở Việt Nam hẳn sẽ rất khó để chấp nhận giải thích này bởi một người nếu lý lịch không minh bạch, rõ ràng để xuất hiện trên sóng truyền hình gần như là bất khả. Nếu giả chăng đơn vị sản xuất bị thí sinh qua mặt thì không thể không đặt một câu hỏi khác: Tại sao điều ấy dễ dàng xảy ra dù công việc kiểm tra, kiểm chứng nhân thân một người chắc chắn không hề khó, nhất là đối với một đơn vị có bề dày sản xuất chương trình truyền hình lâu năm như Cát Tiên Sa? Chưa kể, vì sao chương trình có thể tìm đến tận nhà Lê Tích Kỳ để khai thác ra câu chuyện cảm động về bà ngoại của thí sinh này mà với nhân thân cô gái “bán cà phê” Huyền Minh họ lại không kiểm chứng nổi?

Trong trường hợp này, quả thật nếu ban tổ chức bị lừa thì năng lực quản lý địa bàn của hệ thống tư pháp, công an các địa phương có liên quan có lẽ đáng phải xem lại. Cũng có ý kiến cho rằng, chuyện dàn dựng ở các chương trình truyền hình thực tế là hiển nhiên và khán giả nên chấp nhận với “thực tế” đó. Tuy nhiên rõ ràng dàn dựng để tăng yếu tố hấp dẫn khác hẳn việc bịa chuyện, lừa dối, đánh tráo thông tin.

Và giả chăng, nếu sự thật ca sĩ Anh Thúy chịu trách nhiệm chính trong sự việc này thì một câu hỏi khác, đau đáu hơn, cần phải được đặt ra. Đó là vì sao một cô gái trẻ lại chọn con đường dối trá trong quá trình tiến thân? Câu trả lời phải chăng là vì đã có những tiền lệ nhưng không bị trả giá nên người ta vô tư làm theo. Quả thật hoàn toàn có cơ sở để nói điều này. Chẳng phải bất chấp những lùm xùm liên quan đến việc dàn xếp kết quả, Giọng hát Việt mùa đầu tiên vẫn bình chân như vại chiếm sóng truyền hình mỗi tối cuối tuần và còn tưng bừng nối tiếp mùa thứ hai sao? Chẳng phải bất chấp dù có chênh lệch tỷ lệ phần trăm bình chọn của khán giả (dù nhỏ) người ta vẫn cùng lúc đưa cả hai cô gái cùng đăng quang ngôi vị quán quân Bước nhảy hoàn vũ mới đây đó sao? Chưa kể vô số những kết quả tỷ lệ bình chọn được “khoác áo” khán giả nhưng vênh một trời một vực với nhận định của người xem trong rất nhiều những chương trình truyền hình nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm trả lời rằng đó có phải là sự thật hay không... Và đương nhiên, một khi sự dối trá (ở đây còn được đại chúng hóa nhờ yếu tố truyền hình) không bị trả giá mà gần như được mặc định thừa nhận thì nó ngày một nảy nở, lan tràn với mức độ đáng báo động hơn là điều dễ hiểu.

Trở lại câu chuyện X-factor, có thể nó không gây ra những tác hại ngay tức khắc và nhìn thấy bằng mắt thường rõ ràng như một sản phẩm sữa kém chất lượng hay một liều vaccine không đúng chuẩn nhưng cần nhìn nhận ở những tác động xã hội tiềm ẩn mà nó mang đến. Luôn luôn và không thừa khi nhắc lại rằng đối tượng tương tác và chịu tác động nhiều nhất của các chương trình truyền hình thực tế như X-factor chính là giới trẻ - lứa tuổi đang định hình nhân cách sống. Một khi truyền thông lệch chuẩn sẽ góp phần rất lớn tạo nên sự lệch chuẩn trong nhận thức và hành vi ở giới trẻ. Và ở góc nhìn này, dư luận bức xúc trước thái độ bàng quan, vô cảm của đơn vị truyền hình quản lý sóng các chương trình trên là hoàn toàn có lý do. Cho tới nay, ngoài lời xin lỗi của đơn vị sản xuất thì đài truyền hình vẫn im bặt. Người ta đã chọn thái độ thờ ơ, phớt lờ như chẳng liên quan!

Một khi chúng ta thờ ơ, “mặc kệ nó” với sự dối trá thì đến một lúc nào đó, e rằng những điều chúng ta dạy cho thế hệ trẻ và những mầm non tương lai về lòng trung thực cũng sẽ trở thành những điều dối trá!

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục