Đổi hung khí lấy đường, sữa

Thời gian gần đây, các hành vi phạm tội tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng ngày càng nhiều. Chỉ cần xảy ra mâu thuẫn, xô xát là bọn “xã hội đen” không ngần ngại rút súng thanh toán nhau, thậm chí manh động xả súng vào những người thực thi pháp luật. Mới đây, tại Bình Thuận, những tên “xã hội đen” trang bị 4 súng ngắn, nhiều đạn và bình xịt hơi cay đã hung hăng đấu súng chống trả khi bị cảnh sát vây bắt.

Với hoạt động buôn lậu vũ khí qua biên giới Campuchia và Trung Quốc, các tội phạm không khó để mua được vũ khí quân dụng. Có kẻ còn sản xuất súng tự chế, mìn tự chế để cung ứng cho bọn tội phạm. Dư luận thực sự lo ngại và đòi hỏi cần phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý thật nghiêm minh hành vi phạm tội tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.

Điều 230 Bộ luật Hình sự đã quy định rõ về hành vi phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Theo đó, người nào phạm tội này có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là 1 năm và cao nhất là tù chung thân; và còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 - 5 năm.

Điều 233 Bộ luật Hình sự cũng quy định người có hành vi mang các loại vũ khí như dao, kiếm, mã tấu, thậm chí là súng trên các phương tiện vận tải có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với hình phạt tù từ 3 tháng đến cao nhất là 5 năm, hoặc trách nhiệm hành chính tùy thuộc vào loại vũ khí, số lượng vũ khí, tính chất của hành vi.

Thế nhưng thực tế có nhiều người coi thường pháp luật, vẫn mua bán, tàng trữ vũ khí. Hoạt động mua bán vũ khí thô sơ và cả vũ khí quân dụng không chỉ lén lút trong thế giới ngầm, mà còn diễn ra ngay trên mạng internet. Thí dụ súng săn là hàng cấm mua bán, nhưng trên mạng vẫn tràn ngập thông tin rao bán. Phổ biến rao bán trên thị trường hiện nay là súng săn loại 6, 9, 12kg với tầm bắn từ 30 - 100m.

Trong nhiều vụ án mạng, vũ khí gây án là súng hoa cải tự chế. Về sau này, bọn tội phạm không dừng ở việc trang bị vũ khí thô sơ mà “nâng cấp” trang bị vũ khí quân dụng. Các tội phạm bị bắt đã khai rằng không khó tìm mua được súng ngắn qua đường dây trung chuyển ở Tây Ninh và Lạng Sơn, với giá chỉ 2 - 3 triệu đồng. Trong khi đó, công tác quản lý vũ khí vẫn chưa thật chặt chẽ. Đã từng xảy ra những vụ trộm súng ở cơ quan công an và cơ quan quân sự địa phương để gây án. Thậm chí có cả một số cán bộ được giao giữ súng ngắn để thi hành nhiệm vụ, đến khi nghỉ hưu đã cố tình không giao lại cho tổ chức, với lý do để làm phương tiện phòng thân.

Tại TPHCM và một số tỉnh - thành đã từng xảy ra những vụ bọn côn đồ kéo cả băng 40 - 50 tên hung hăng vác mã tấu đi xử nhau như trong phim xã hội đen Hồng Công. Và nay đã xảy ra nhiều vụ dùng súng chống người thi hành công vụ. Qua đó cho thấy đã có một số lượng lớn vũ khí thô sơ và vũ khí quân dụng được mua bán và tàng trữ trái phép. Vấn đề đặt ra là phải khẩn trương điều tra triệt phá các đường dây mua bán và sản xuất vũ khí trái phép để chặt nguồn cung hung khí cho tội phạm. Đồng thời phải có biện pháp thu giữ vũ khí đang được tàng trữ trái phép. Việc này không đơn giản chút nào.

Còn nhớ cách nay chừng 20 năm, chính quyền phường Cầu Ông Lãnh (quận 1, TPHCM - lúc đó là một phường rất phức tạp về tình hình tội phạm) đã khởi xướng phong trào “Đổi mã tấu lấy quà tết”, vận động các đối tượng quậy phá trên địa bàn giao nộp hung khí và kết quả đã thu được một số lượng hung khí rất lớn. Từ đó, nhiều phường ở TPHCM cũng đã vận động đổi hung khí lấy quà. Phường 3 quận 11 đã quan tâm duy trì có hiệu quả việc vận động này.

Đáng chú ý, cách nay gần 5 tháng, phường 25 quận Bình Thạnh đã tổ chức ngày vận động “Đổi súng và mã tấu lấy sữa”, chỉ trong một buổi sáng, công an phường đã tiếp nhận 7 súng hơi cay, 4 súng hơi, 2 súng calip, 43 viên đạn các loại, 3 roi điện, 28 dao lê, mã tấu... Người tự giác mang giao nộp mỗi vũ khí được nhận một phần quà là sữa và đường. Trong hơn 30 người đến nộp vũ khí có cả một số bộ đội và công an nghỉ hưu lâu nay vẫn lén tàng trữ, nay nhận thức đó là hành vi phạm pháp, có thể gây hậu quả khó lường nên cũng mang đến giao nộp.

Qua việc vận động giao nộp hung khí đã và đang được một số địa phương thực hiện có hiệu quả, cho thấy để đấu tranh với các hành vi tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí, ngoài việc tấn công mạnh mẽ và kiên quyết chống tội phạm nên đặc biệt quan tâm việc tuyên truyền pháp luật và vận động giao nộp hung khí tại các địa bàn dân cư, đặc biệt là tại các phường có tình hình tội phạm phức tạp.

Chuyện lấy đường, sữa để vận động giao nộp súng, mã tấu không phải là chuyện nhân nhượng, thỏa hiệp với tội phạm tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí, mà đó chính là biện pháp khoan hòa, cảm hóa “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục