Tăng giá điện có chống được độc quyền?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng phương án điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 2-2015. Như vậy, ngay sau Tết Nguyên đán, phương án điều chỉnh giá điện sẽ được báo cáo lên Chính phủ. Đây là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm, bởi theo dự kiến của ngành điện, giá điện lần này có thể tăng xấp xỉ 10%. Nếu phương án này được chấp thuận chắc chắn sẽ có tác động lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Hồi đầu tháng 2, lý giải về việc tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, nếu giá điện được tăng theo thị trường thì Chính phủ sẽ không phải bù lỗ. Cùng với đó, giá điện sẽ có cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia thị trường, xóa bỏ sự độc quyền. Từ đó cả Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Theo ông Hải, tại cuộc làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây về tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các chuyên gia của WB đã báo động về tình trạng tài chính của EVN bởi giá điện quá thấp. Nếu kéo dài tình trạng này, EVN có thể sẽ phá sản. Các chuyên gia của WB khuyến nghị, giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng tới 40% trong vòng 3 năm tới, tính từ năm 2015 mới có thể “cứu” nổi ngành điện.

Giá điện theo thị trường là định hướng cần thiết, nhưng những phát ngôn của vị thứ trưởng Bộ Công thương lại khiến dư luận băn khoăn. Sẽ chẳng có người dân hay doanh nghiệp nào đồng ý là việc tăng giá điện lại mang lại lợi ích, nhất là ở thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh mới chỉ hơi “dễ thở” hơn nhờ tác động của giảm giá xăng dầu. Việc tăng giá điện sẽ chỉ có lợi cho EVN và các nhà đầu tư doanh nghiệp sản xuất điện hiện nay. Có thể về dài hạn, nếu chính sách giá điện hợp lý, thì thị trường điện sẽ cạnh tranh hơn. Nhưng đó thực ra là một lợi ích “mơ hồ”. Người ta chỉ thấy, trong những đợt tăng giá điện liên tiếp trước đây, cũng chưa có nhóm khách hàng nào của EVN đã được hưởng lợi cả. Không những phải liên tục trả thêm tiền điện do giá tăng, chất lượng cung ứng điện mấy năm qua chưa thấy có dấu hiệu gì được cải thiện. Năng suất lao động ngành điện được coi là quá thấp như thừa nhận của lãnh đạo EVN, tổn thất điện năng còn lớn...

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, nói rằng giá bán điện của EVN hiện thấp hơn giá thành là không chính xác. Hơn nữa, về mặt lý thuyết, nói tăng giá điện mang lại lợi ích cho người tiêu dùng là không có cơ sở. Hiện tại, hoạt động của ngành điện gồm có 3 khâu: phát điện, truyền tải và phân phối. Trong 3 khâu đó thì khâu truyền tải không thể cạnh tranh; chỉ còn khâu phát điện và phân phối điện. Đáng chú ý là EVN đang độc quyền trong phân phối điện. Mặc dù thị trường đã ở giai đoạn phát điện cạnh tranh, song vẫn còn trong giai đoạn độc quyền mua điện. Người mua điện từ các nhà máy và phân phối điện đến người tiêu dùng duy nhất trên thị trường là EVN. Đồng thời EVN hiện sở hữu và nắm giữ cổ phần chi phối tại hầu hết các nhà máy sản xuất điện, tổng công suất các nhà máy này chiếm khoảng 64% sản lượng điện. Như vậy, tăng giá điện ở thời điểm này rõ ràng chỉ mang lại lợi nhuận lớn hơn cho EVN, còn khả năng xóa bỏ độc quyền vẫn rất “mơ hồ”.

Một vấn đề đáng nói khác là EVN tính tổng nợ lũy tiến đến nay phải xử lý gần 17.000 tỷ đồng; trong đó có một phần lớn nợ từ WB. Ngân sách nhà nước đang rất khó khăn nên cũng không thể lấy tiền ra bù lỗ, chỉ có cách tăng giá nhằm thu lãi và bù nợ. Điều này đặt mối nghi ngại rằng: Liệu đánh giá của WB về EVN có khách quan không? Liệu giá điện có cần tăng tới 40% trong 3 năm tới? Tại một cuộc hội thảo vừa tổ chức ở Hà Nội, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá, EVN phá sản và sụp đổ ngành điện”. Theo chuyên gia này, việc Bộ Công thương bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho doanh nghiệp và cụ thể là EVN là có vấn đề. Bộ Công thương đồng ý tăng giá để bù đắp thua lỗ cho doanh nghiệp thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, chẳng khác gì “bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”.

Vấn đề đặt ra là để đưa được giá điện theo thị trường, xóa bỏ độc quyền thì cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn chuyên gia, tham vấn người tiêu dùng và các bên liên quan. Qua đó, kiểm soát giá điện bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng, sử dụng điện chứ không phải bảo vệ lợi ích của EVN. Về trung và dài hạn, cần tách EVN thành nhiều phần, tách riêng phần sản xuất và phân phối với chuyển tải điện. Thậm chí, như lời TS Nguyễn Đình Cung, nếu vẫn giữ bộ máy làm việc cồng kềnh, cách làm việc thiếu hiệu quả như hiện nay, thì “có thể EVN phá sản ngành điện mới phát triển được, chứ không phải kéo sụp đổ ngành điện”.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục