Dòng sông của riêng ai?

Một cách tình cờ, trong khi quản trị tài nguyên nước nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững chính là một trong những chủ đề quan trọng nhất được bàn thảo tại Đại hội đồng liên nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) thì câu chuyện “lấp sông xây phố” ở Đồng Nai lại trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, mặc dù dự án có cái tên rất hay là “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”. Dự án này đã được Công ty Toàn Thịnh Phát khởi công từ tháng 9-2014 với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng.

Không hề ngẫu nhiên khi Đồng Nai chính là hệ thống sông đầu tiên tại Việt Nam có Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực (Ủy ban sông Đồng Nai), được Chính phủ quyết định thành lập từ ngày 1-12-2008. Sông Đồng Nai được coi là con sông nội địa dài nhất của nước ta (586 km) với diện tích lưu vực vào khoảng 38.000km² trên địa phận 12 tỉnh, thành, hệ thống sông Đồng Nai đã góp phần tạo nên vùng kinh tế phát triển nhất Việt Nam. Sông Đồng Nai đồng thời là con sông chịu nhiều áp lực nhất tại Việt Nam do sự khai thác của con người: sông đang “gánh” trên mình hồ Trị An với 9 con đập thủy điện lớn nhỏ khác, cộng với sự có mặt của các khu công nghiệp và khu chế xuất “rải” dày đặc tại các tỉnh hạ lưu. Có thể thấy, sông Đồng Nai là nguồn tài nguyên chung mà các địa phương liên quan có trách nhiệm cùng nhau tham gia khai thác và bảo vệ. Mọi động thái khai thác dòng sông, dù khoanh trọn trong địa giới hành chính của một tỉnh, đều có tác động đến nhiều địa phương khác, nhất là các tỉnh thành hạ du.

Vì thế, thật khó hiểu khi Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai không hề tham vấn ý kiến các thành viên của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, bất chấp các quy định đã có trong Luật Tài nguyên nước 2012. Theo Luật Tài nguyên nước, không chỉ các cơ quan, tổ chức mà ngay cả cộng đồng dân cư ở Đồng Nai và các tỉnh hạ du cũng có quyền được biết chuyện gì sẽ xảy ra với cuộc sống của họ khi dự án “lấn sông” được thực hiện, kể cả khi tác động môi trường của dự án được chứng minh là rất nhỏ, huống hồ hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận.

Giờ đây, Công ty Toàn Thịnh Phát đã “tự nguyện có đơn xin tạm dừng dự án”. Theo lẽ thường, có ai muốn bỏ ngàn tỷ đồng ra để rồi tự nguyện ngồi chờ số phận của những đồng tiền chắt chiu được giữa thời buổi kinh tế khó khăn này sẽ đi về đâu hay không? Dù không dám chắc, nhưng người ta không thể không đặt ra câu hỏi: có hay không việc doanh nghiệp phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, gánh thay trách nhiệm của chính quyền, hầu làm dịu dư luận? Nếu như ý tưởng kinh doanh (dựa trên cơ sở tối đa hóa lợi nhuận) của doanh nghiệp là không phù hợp, thì các cơ quan quản lý phải đóng vai trò “cái đầu lạnh” để phân tích, phản biện và điều chỉnh trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Không làm được điều đó, không những là chưa tròn trách nhiệm, mà còn phải chịu một phần trách nhiệm không nhỏ trong việc để xảy ra lãng phí xã hội một khi công trình buộc phải bỏ đi hoặc thay đổi thiết kế.

Sông Đồng Nai đã không chỉ một lần trở thành “dòng sông nóng” với những sự kiện như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A; rồi xa hơn một chút trước đó là vụ việc của Vedan… Từ năm 2003, đã xuất hiện những “tiếng kêu cứu” cho sông Đồng Nai. Hơn một thập kỷ qua, sông Đồng Nai, nguồn nước thiết yếu gần liền với cuộc sống của cộng đồng dân cư tới 20 triệu người trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vẫn đang trong tình trạng bị đe dọa. Và chắc chắn tình trạng này chưa thể chấm dứt, nếu cung cách tư duy cục bộ, chỉ nghĩ đến lợi ích của đơn vị, địa phương mình không thay đổi, chưa nói là bất chấp pháp luật.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục