Trọng trách người làm phim

Đời sống đương đại đòi hỏi những chuẩn mực ngày càng cao về vật chất cũng như tinh thần. Khả năng đáp ứng các mặt thiết yếu của con người cho thấy một phần trình độ và chất lượng phúc lợi của xã hội. Là một điểm nhấn kỳ thú trong lĩnh vực hoạt động tinh thần, nghệ thuật nghe - nhìn đang và sẽ án giữ vị trí đặc biệt trọng yếu trong đời sống con người. Hoạt động nghe nhìn thế giới luôn đặc biệt sôi động trên các loại màn ảnh lớn, nhỏ toàn cầu. Đến nay đã có hơn 20 bộ phim vượt qua mức doanh thu 1 tỷ USD. Đó là những tác phẩm được chế tác công phu ở trình độ cao, khai thác sâu sắc các giá trị tổng hợp của nghệ thuật biểu đạt ngôn ngữ điện ảnh hiện đại. Thực tế cho thấy tác phẩm nghe nhìn đang và sẽ thống lĩnh sâu rộng trên các pháo đài truyền thông chuyên dụng như rạp chiếu phim, đài truyền hình cùng các loại phương tiện thông minh cầm tay. Như vậy, trên cơ sở sức mạnh có được do gắn kết chặt chẽ với truyền thông cùng công nghệ điện tử hiện đại, nghệ thuật nghe - nhìn đang trở thành phương tiện có ảnh hưởng toàn cầu, chẳng những trong lĩnh vực văn hóa mà cả trong giao lưu - kinh doanh xuyên quốc gia.

Ở nước ta, gần đây đã hình thành rõ nét hướng phát triển của hoạt động điện ảnh dân tộc trong điều kiện mới của thế giới hội nhập. Các hãng phim nhà nước đã hoàn thành quá trình tái cấu trúc, tham gia trực tiếp vào hoạt động thị trường. Hệ thống sản xuất phim ngoài nhà nước tiếp tục tự củng cố, hoàn thiện phương thức hoạt động phù hợp với thực tế thị trường. Sản lượng phim điện ảnh năm qua đã đạt mức trên 30 phim, trong đó có những tác phẩm có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với phim bom tấn nước ngoài, giành doanh thu cao. Tính từ năm 2013 đến nay, một số phim Việt đã vượt qua mức thu 40 tỷ, có phim đạt mức thu trên 80 tỷ đồng. Sản lượng phim truyện truyền hình cũng đạt mức hàng ngàn tập mỗi năm; trong đó, một số tác phẩm đã để lại dấu ấn đậm nét trong tâm trí đông đảo người xem. Thị trường điện ảnh Việt Nam dù chưa đi hết chặng đường củng cố và hoàn thiện, cũng đang bộc lộ tiềm năng to lớn, khi trong thời gian ngắn vừa qua đã đạt mức tỷ suất tăng trưởng phòng vé cao nhất thế giới, đạt 611%.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn vướng mắc của hoạt động điện ảnh nước nhà vẫn chưa được khắc phục thấu đáo và hiệu quả: sản lượng phim hàng năm còn quá thấp so với nhu cầu xã hội, buộc phải dành phần lớn khung giờ cho phim nước ngoài. Cạnh đó, mục tiêu phát hành thương mại phim Việt Nam ra nước ngoài vẫn chưa mấy tiến triển. Ngoài lĩnh vực sáng tác - chế tác phim đã có nhiều cải tiến đáng ghi nhận - nhất là ở lĩnh vực kỹ thuật thể hiện ngôn ngữ thông qua nghệ thuật tạo hình; vẫn chưa định hình rõ ràng mục tiêu cũng như phương pháp sáng tác. Đáng chú ý là đối với đề tài - phương hướng và phạm vi mô thuật hình tượng của tác phẩm, chưa được định hướng xác đáng. Không ít nhà sản xuất cố tâm khai thác những câu chuyện nhạy cảm xa lạ cuộc sống hàng ngày. Trên các loại màn hình thường vắng bóng những hình tượng nhân vật trung tâm có sức lôi cuốn và thuyết phục nghệ thuật cũng như nhân sinh. Để tăng thu, nhiều nhà làm phim hướng lệch về thể loại hài nông cạn và hành động bạo lực. Hai dòng phim nghệ thuật và thương mại luôn chảy ngược chiều nhau, theo hai hướng khác biệt cực đoan, làm phân hóa sức mạnh tổng thể của nền điện ảnh.

Bên cạnh đó, số lượng phim truyện truyền hình gần đây cũng tăng đáng kể, tuy chưa song hành cùng chất lượng, bởi có không ít phim chế tác trong tình trạng vội vàng và chểnh mảng, làm ra những tác phẩm non yếu nhiều mặt. Khó khăn mà hoạt động sáng tác - chế tác phim điện ảnh và truyền hình ở nước ta vẫn tập trung chủ yếu vào các khâu mấu chốt là đội ngũ, vốn, phương tiện tác nghiệp và thị trường tiêu thụ.

Đại hội lần thứ VIII Hội Điện ảnh Việt Nam sắp diễn ra ở Hà Nội, tập hợp đông đảo các nhà làm phim điện ảnh và truyền hình cả nước, là dịp tốt để tập thể các nhà chuyên môn bàn thảo, thống nhất biện pháp hành động nhằm đẩy mạnh hoạt động sáng tác - chế tác phim lên bước mới. Trước hết, cần tập trung mọi điều kiện tối ưu, tạo phát triển đột phá, mở đường bằng việc chế tác một số tác phẩm xuất sắc toàn diện, đạt khả năng xuất khẩu thương mại. Cạnh đó, cần nhanh chóng hài hòa hóa phim đơn thuần nghệ thuật với phim đơn thuần thương mại, làm cho trong loại phim này có yếu tố đặc trưng của loại phim kia, vừa đáp ứng nhu cầu xã hội vừa thỏa mãn đòi hỏi của thị trường. Mặt khác, cùng với phim truyện, cần quan tâm đúng mức đến công cuộc phát triển phim tài liệu và hoạt hình, tạo nên bản hợp xướng đa điệu hài hòa của một nền điện ảnh. Hợp tác, liên kết làm phim quốc tế trong giai đoạn này mang ý nghĩa thực tiễn quan trọng, cần được coi là giải pháp thiết thực nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực chế tác phim trong nước, cũng như mở rộng con đường xâm nhập thị trường rộng lớn của điện ảnh quốc tế. Song song đó, cần tập trung hiện thực hóa một cách hiệu quả nhất “Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được ban hành. Đây là trọng tâm hoạt động toàn ngành trong thời gian dài trước mắt; trong đó, bên cạnh việc xây dựng đồng bộ hạ tầng hoạt động điện ảnh cả nước, là sự nghiệp đào tạo đội ngũ làm phim điện ảnh và truyền hình có đủ trình độ, khả năng đáp ứng nhu cầu cấp bách chủ động hội nhập quốc tế.

Trước tình hình mới của đất nước, với vai trò ngày càng lớn của nghệ thuật nghe - nhìn; trọng trách người làm phim Việt Nam càng nặng nề và càng cao cả, đòi hỏi sự dấn thân quyết liệt, tâm huyết và sáng tạo của tất cả hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam.

TRẦN LUÂN KIM

Tin cùng chuyên mục