Trên quyết liệt,dưới đủng đỉnh

Biến động tỷ giá những ngày qua đang dắt theo nhiều nỗi lo: doanh nghiệp (DN) lo chi phí càng tăng cao, sức cạnh tranh trên sân nhà càng kém! Người tiêu dùng lo giá cả “ăn theo” tỷ giá, sẽ rập rình tăng giá, trong khi lương không tăng, tiền tiết kiệm lại trượt giá…

Vậy nhưng có những ngành hàng thiết yếu lại vẫn “ăn ngon, ngủ yên” dù thị trường biến động. Trở lại câu chuyện từng gây không ít bức xúc thời gian qua, đó là giá xăng dầu thế giới liên tục giảm nhưng giá xăng trong nước giảm không đáng kể. Và một nghịch lý khác, giá nhiên liệu đã giảm liên tục nhưng giá cước vận tải vẫn… làm ngơ!

Xin dẫn ra vài con số: 8 tháng qua, giá xăng đã điều chỉnh 10 lần, trong đó có 4 lần tăng giá, tổng cộng giá xăng A92 tăng thêm 5.040 đồng/lít. Còn lại là 6 lần giảm giá nhưng mức giảm tổng cộng chỉ 4.388 đồng/lít. Giá xăng trên thị trường thế giới cũng lên xuống liên tục nhưng tính bình quân, giá xăng thế giới 8 tháng năm 2015 giảm từ 35% - 45%  so với giá cùng kỳ năm 2014. Và hiện nay, giá xăng tháng 8 chỉ vào ngưỡng 66 USD/thùng. Một DN nhập khẩu xăng dầu cho biết, giá xăng dầu thế giới vẫn trên đà giảm sâu, tỷ giá USD trong nước dù có tăng, giá xăng nhập về vẫn còn thấp và có thể giảm giá tiếp được nữa. Đó là lý do chiết khấu xăng dầu cho các đại lý đang ở mức rất cao, DN nhập khẩu xăng dầu vẫn có lãi. Còn giá xăng đến người tiêu dùng bao giờ giảm theo thì phải chờ cơ quan quản lý!

Tương tự, dù giá xăng dầu đã giảm 4 lần từ đầu tháng 7 đến nay, nhưng giá vận tải chưa nhúc nhích. Dịch vụ xe tải, xe khách được hưởng lợi nhiều nhất do phần lớn các hãng xe này sử dụng nhiên liệu dầu diesel. Từ đầu năm đến nay, giá dầu diesel đã giảm từ mức 16.630 đồng/lít (tháng 1-2015) còn 13.420 đồng/lít hiện nay, nhưng giá vận chuyển hàng hóa, giá vé xe khách chưa nhúc nhích. Ngay lãnh đạo các bến xe trong nước cũng thấy… bức xúc, nhưng không có quyền hạn buộc các DN vận tải phải giảm giá. Đã có hai vị điều hành hai bến xe lớn trong nước cho biết, đang “vận động” và yêu cầu các DN không tăng giá vé đợt lễ 2-9 này, vì… chẳng có lý do gì để tăng cả!

Thị trường hiện nay đang tiềm ẩn nhiều vấn đề, tỷ giá trong nước buộc phải điều chỉnh theo biến động thị trường thế giới, ngay lập tức, các mặt hàng thiết yếu phụ thuộc nhập khẩu như: thuốc chữa bệnh, sữa, thức ăn chăn nuôi, phân bón… đã chuẩn bị tăng giá. Trong bối cảnh  này, giá xăng dầu, giá vận tải nếu linh hoạt giảm theo đúng giá trị thực,  sẽ đóng vai trò rất lớn để kìm hãm giá cả leo thang theo tỷ giá. Rất mừng là Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản yêu cầu UBND, các sở tài chính, GTVT các tỉnh, thành, cần rà soát việc kê khai giá cước vận tải phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu, đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị không chấp hành. Bộ Tài chính cũng yêu cầu tăng cường kiểm soát giá cả các hàng hóa thiết yếu, tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá… Vậy nhưng, tình hình thị trường vẫn chưa có gì thay đổi. Vì sao có sự chậm trễ này?

Câu trả lời từ các sở địa phương là… “biết rồi” nhưng phải chờ phối hợp, chờ chỉ đạo từ cấp UBND các tỉnh, thành. Thị trường đang rất nóng, nhưng sự chuyển động từ các cấp quản lý lại rất chậm. 

Giám đốc một bến xe khách phân tích: Đầu năm nay, khi giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận tải không giảm, các cơ quan quản lý đã làm một cuộc thanh tra quyết liệt, kết quả là ngay lập tức giá cước taxi giảm về 9.000 đồng/km; từ tháng 5 khi giá xăng tăng, giá cước taxi đứng luôn ở mức 11.000 - 12.000 đồng/km, dù giá xăng đã giảm liên tục từ tháng 7 đến nay! Rõ ràng, vì lợi nhuận, các DN làm ngơ chuyện điều chỉnh giá, nhưng nếu cơ quan quản lý không ra tay thì chẳng ai dại gì hạ giá… Nhưng đã khá lâu rồi, cơ quan quản lý giá quên mất chuyện ra quân, nên nhiều loại giá cứ chây ỳ để hưởng lợi, và DN, người tiêu dùng bị móc túi vô lý. Cần lưu ý rằng, giá nhiên liệu, giá cước vận tải rất quan trọng để giúp DN giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh hàng hóa; giúp ổn định giá cả, chi phí sinh hoạt cho người dân. Thị trường cần sự điều hành giá liên tục và sâu sát từ chính các cơ quan quản lý, nhưng sự quyết liệt điều chỉnh giá như tinh thần văn bản Bộ Tài chính - đến bao giờ mới thực thi trên thực tế?

SONG ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục