Vươn ra biển lớn

23 gương mặt ưu tú nhất của thể thao  Việt Nam đã được chọn lựa cho cuộc hành trình cam go nhưng chất chứa đầy vinh quang đến Olympic Rio de Janeiro 2016. Lần đầu tiên trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, thể thao Việt Nam mới giành được nhiều tấm vé chính thức đến thế và đường hoàng bước vào ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Cũng là lần đầu tiên, những kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hay lực sĩ Thạch Kim Tuấn… đưa giấc mơ vàng của chúng đến gần hơn với hiện thực.

23 gương mặt ưu tú nhất của thể thao  Việt Nam đã được chọn lựa cho cuộc hành trình cam go nhưng chất chứa đầy vinh quang đến Olympic Rio de Janeiro 2016. Lần đầu tiên trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, thể thao Việt Nam mới giành được nhiều tấm vé chính thức đến thế và đường hoàng bước vào ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Cũng là lần đầu tiên, những kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hay lực sĩ Thạch Kim Tuấn… đưa giấc mơ vàng của chúng đến gần hơn với hiện thực.

Tin tưởng đến cùng vào chiến thắng và sẵn sàng chấp nhận khi thất bại, từng vận động viên coi đây như cơ hội để thể hiện tài năng, đồng thời là dịp khẳng định tầm vóc của thể thao nước nhà. Bằng tâm thế đó, đoàn thể thao Việt Nam đã xuất quân đầy khát vọng, ít ngày nữa thôi sẽ bước vào cuộc chiến thực sự. Sau lưng họ, vẫn luôn là hàng triệu ánh mắt mong chờ tin chiến thắng.

Tạm thời, những chiến dịch nhỏ SEA Games và Asiad để lại sau lưng, để thay cho thế vận hội có thể giúp thể thao Việt Nam nâng tầm vị thế. Đấu trường Olympic, như chính giá trị vĩnh cửu của nó, là cơ sở để đánh giá tiềm năng và tốc độ phát triển của tất cả những nền thể thao trên thế giới. Rõ ràng, Olympic quan trọng hơn bất cứ cuộc tranh tài thể thao nào khác.

Kể từ khi hội nhập, cũng đã ngót nghét vài chục năm, thể thao Việt Nam luôn phấn đấu không ngừng nghỉ, coi Olympic là đỉnh cao lớn nhất cần chinh phục, sau khi đã tìm được danh tiếng ở SEA Games, Asiad hay nhiều sự kiện thể thao thế giới diễn ra thường niên. Tất nhiên, khi chưa từng một lần bước lên bục cao đón vòng nguyệt quế chiến thắng, khát vọng càng lớn dần theo thời gian.

Hướng tầm nhìn đến Olympic cũng có nghĩa những người làm thể thao đã chấp nhận dấn thân vào cuộc hành trình hà khắc và tốn nhiều tâm sức. Nhưng bù lại, không có thước đo nào chính xác hơn đỉnh cao Olympic - nơi những nhà thể thao xuất chúng nhất phô diễn tài năng - để chỉ ra rằng nền thể thao đó đang cực thịnh hay suy yếu.

Thể thao Việt Nam từng đến rất gần với tấm huy chương vàng trong những lần dự Olympic 2000 và 2008, hiểu được cảm giác tiếc nuối mênh mông ra sao, nên luôn xác định đó chính là động lực cho tương lai. Mỗi giai đoạn có thêm nhiều tài năng xuất hiện, nhưng nở rộ và đạt đến trình độ thế giới như ở thời điểm hiện tại thì chưa từng xảy ra. Thành thử, rất nhiều người đã đặt niềm tin vào “tiểu tiên cá” Ánh Viên, vào lão tướng “bách phát bách trúng” Hoàng Xuân Vinh hay “chàng Hercules” Thạch Kim Tuấn cho cú vượt vũ môn lịch sử, sau khi thế hệ những Nguyễn Thị Huyền Diệu, Nguyễn Văn Hùng (taekwondo); Bùi Thị Nhung, Nguyễn Duy Bằng, Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (điền kinh), Nguyễn Hữu Việt (bơi lội); Hoàng Anh Tuấn (cử tạ)… nhiều phen thất bại.

Một chiến thắng ở Olympic chắc chắn sẽ giúp những người làm thể thao Việt Nam tỉnh táo trở lại và thay đổi tư duy, bỏ kiểu làm đốt cháy giai đoạn tại “hội làng” SEA Games vốn tốn kém tiền của để hướng lên chuyên nghiệp, tập trung và có trọng điểm hơn trong cách thức đầu tư của mình. Hay nói thật chính xác thì thể thao Việt Nam đang cần một điểm tựa thật vững, giúp định hình lại chiến lược phát triển cho phù hợp với xu hướng hiện đại. Đấy cũng là cách giúp những nhà quản lý và làm nghề huấn luyện chuyên môn không còn mang tiếng là quá chú trọng bề nổi mà lãng quên chiều sâu và nội lực của cả một nền thể thao.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục