Bài toán khó

Dạy thêm học thêm đã từng được xem là một vấn nạn của nền giáo dục. Hình ảnh những em học sinh ngồi sau xe ăn vội ổ bánh mì để ba mẹ chở đến tụ điểm dạy thêm cho kịp học ca tối đã từng gây nhức nhối xã hội. Hầu hết mọi người mong muốn ngành giáo dục tìm ra giải pháp để ngăn chặn dạy thêm tràn lan cùng với việc giảm tải chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo để học sinh ra trường thực sự tiếp thu kiến thức có ích, trở thành công dân tốt chứ không chỉ là những bài học thuộc lòng. Chính vì vậy, chủ trương không cho phép dạy thêm từ năm học này của TPHCM phần nào giúp cho phụ huynh nhẹ gánh hơn. Tuy nhiên, tuần qua, nhiều ý kiến của giáo viên, một số trường đã đề nghị thành phố xem xét lại chủ trương này vì xét một góc độ nào đó việc dạy thêm vẫn rất cần thiết.

Cuộc khảo sát của HĐND TP trong tuần qua đã ghi nhận các ý kiến góp ý của giáo viên, hiệu trưởng, lãnh đạo phòng giáo dục một số quận trên địa bàn. Theo thông tin trên báo chí, khá nhiều ý kiến giáo viên cho rằng không nên xem dạy thêm là cái gì đó xấu xa để phải cấm. Các ý kiến đề xuất nên cho phép dạy thêm trong trường vừa đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ, vừa tạo điều kiện cho những học sinh học lực chưa cao được bồi dưỡng để theo kịp chương trình. Ngoài ra, cho phép dạy thêm trong trường cũng là cách hạn chế tối đa học sinh học thêm bên ngoài mà nhà trường không thể quản lý được. Quyết liệt hơn, có giáo viên còn so sánh bác sĩ được mở phòng mạch tư để khám thêm ngoài giờ, ca sĩ được chạy sô biểu diễn thì tại sao lại cấm giáo viên dạy thêm!

Trân trọng ý kiến góp ý của các trường để lãnh đạo thành phố có thêm thông tin giúp công tác điều hành sát thực tế, tuy nhiên nhiều ý kiến khác cũng cho thấy ngành giáo dục thành phố cần sáng tạo, quyết liệt hơn trong đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo mới là điều cần thiết và quan trọng hơn lúc này. Nhìn lại quá trình đổi mới giáo dục trong nhiều chục năm qua sẽ thấy việc dạy thêm chỉ nở rộ lên gần đây. Trước kia, nếu có, thì chỉ là các lớp phụ đạo dành cho học sinh chưa theo kịp chương trình do học lực yếu hoặc nghỉ nhiều. Các lớp này không chiếm nhiều thời gian và chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định cho từng học sinh. Càng về sau, dạy thêm đã trở nên đại trà, từ các lớp dạy thêm tại trường, nhiều giáo viên tổ chức luôn các lớp tại nhà, hoặc thuê địa điểm tổ chức dạy thêm. Từ “vấn nạn”, mặc dù chưa chính xác lắm về nghĩa, nhưng đã được đặt cạnh từ “dạy thêm” cho thấy sự bức xúc của xã hội về những biến tướng này.

Xã hội bức xúc bởi dạy thêm không còn là phụ đạo mà phần lớn là gà bài, dạy trước bài tập, hoặc có nơi thì dạy tiếp chương trình trên lớp còn dang dở. Thực tế đã có nhiều trường hợp học sinh nào không học thêm sẽ gặp “khó khăn”, “không theo kịp” chương trình, bị điểm thấp… nên rồi thì khó khăn cách mấy phụ huynh vẫn phải ráng cho con học thêm, dần dà trở thành điều quen thuộc. Trong khi đó, dư luận cũng rất băn khoăn vì sao ngành giáo dục đã đổi mới nhiều lần từ chương trình cho đến sách giáo khoa nhưng chất lượng đào tạo có vẻ như ngược lại. Học sinh của ta rất giỏi về lý thuyết, có thứ hạng cao ở nhiều cuộc thi quốc tế, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. Cái cần là khả năng ứng dụng vào cuộc sống, tiếp cận những kiến thức mới hơn thì gần như quá khó khăn.

Với góc nhìn đó, trong khi chờ có những chủ trương mới, thiết nghĩ không chỉ nhà trường mà cả xã hội hãy cùng thực hiện những gì mang lại lợi ích thiết thực nhất cho giáo dục. Cũng với chương trình đó, làm sao để thời gian lên lớp ít hơn nhưng học sinh vẫn tiếp thu được; cũng với sách giáo khoa đó, làm sao để học sinh chủ động hơn trong suy nghĩ chứ không chỉ học thuộc lòng hết các môn để phục vụ cho các kỳ thi mà thôi. Đó là điều rất thiếu hiện nay, cũng là bài toán khó nếu thiếu quyết tâm tìm lời giải. Thay vì bắt các em phải gò chữ đến mức chữ em nào cũng một kiểu như nhau thì hãy để cho các em thể hiện sự khác biệt của mình. Với các em đầu cấp một, chỉ mỗi chuyện gò chữ đã chiếm rất nhiều thời gian, từ đó dẫn đến việc không học kịp chương trình, nên phải dạy thêm. Thay vì vở sạch chữ đẹp, thuộc làu làu công thức thì xã hội mong sao với những kiến thức cơ bản nhưng học sinh về nhà biết lễ phép, kính trên nhường dưới, ra đường biết giúp đỡ người hoạn nạn, tham gia giao thông biết dừng đèn đỏ, thấy xe cứu thương cứu hỏa thì phải biết tắp vào lề cho xe ưu tiên qua chứ không phải dửng dưng ngáng đường như hiện nay.

Hơn ai hết, giáo viên phải là người sáng tạo nhất, nhà trường phải là môi trường tốt giúp các thế hệ học sinh trở thành công dân có ích. Khi đó, có lẽ không cần dạy thêm thì học sinh vẫn tiếp cận được những kiến thức toàn diện chứ không phải học theo kiểu đối phó và chạy theo thành tích nữa.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục