Quyền lực mềm

Chưa bao giờ thế giới lại thay đổi chóng mặt như hiện tại. Trước nay, chúng ta ngỡ tưởng “toàn cầu hóa” sẽ là bất di, bất dịch, làm phẳng phiu mọi đường biên giới, mọi mối quan hệ kinh tế - xã hội, nhưng giờ đã hiển hiện một bức tường biên giới giống như bức tường ngăn cách nước Mỹ và Mexico mà Tổng thống Donald Trump muốn dựng lên.

Chưa bao giờ thế giới lại thay đổi chóng mặt như hiện tại. Trước nay, chúng ta ngỡ tưởng “toàn cầu hóa” sẽ là bất di, bất dịch, làm phẳng phiu mọi đường biên giới, mọi mối quan hệ kinh tế - xã hội, nhưng giờ đã hiển hiện một bức tường biên giới giống như bức tường ngăn cách nước Mỹ và Mexico mà Tổng thống Donald Trump muốn dựng lên.

Ngẫu nhiên, dịp này, trên màn ảnh khắp nơi từ Á, Âu đến Bắc Mỹ đồng loạt trình chiếu bộ phim The Great Wall (“Trường thành” hay “Vạn lý trường thành”), bản chiếu ở Việt Nam có tựa đề Tử chiến trường thành của đạo diễn Trương Nghệ Mưu - người được coi là quốc sư của điện ảnh Trung Hoa. Đối với những người thích liên tưởng, ý tưởng “tường hóa” biên cương của ông Donald Trump có gì đó từa tựa sách lược của các hoàng đế Trung Hoa xưa. Cũng một bức tường, cũng có sự chia cắt, nhưng thâm ý là một: dân tộc tính là trên hết! Mặc dù bộ phim của đạo diễn họ Trương bị chỉ trích gay gắt, bị coi là “thảm họa” nghệ thuật, song không thể phủ nhận sức hút của nó với mức đầu tư thuộc hàng đắt đỏ nhất trong lịch sử điện ảnh đại lục (150 triệu USD), với dàn diễn viên Hoa - Mỹ thượng thặng, trong đó có cả tài tử Matt Damon.

Và bộ phim đúng nghĩa là giải trí thuần túy khi khán giả được mãn nhãn với các cảnh quay hoành tráng, kỳ vĩ, phải choáng ngợp trước những nữ binh mặc váy 5 màu (xanh, tím, vàng, đỏ, đen) kích trống xoay 720 độ lao vun vút xuống tường thành đấu với quái thú… Nhưng có thật “Trương Nghệ Mưu đã chết” với sản phẩm này như nhiều nhà thạo phim ảnh đã viết?

Thôi thì mỗi người mỗi ý, song theo thiển ý của người viết, đạo diễn tài ba này đã thành công ở khía cạnh quảng bá cho văn hóa Trung Hoa và trên hết là “giá trị tuyên truyền” khi ngụ ý quân đội nước này bao giờ cũng hùng mạnh nhất, xưa nay cũng vậy.

Phải nhấn mạnh  điện ảnh là quyền lực mềm đáng sợ nhất, nếu biết rằng Legendary Pictures - một trong những ông kẹ của Hollywood - hãng sản xuất phim Tử chiến trường thành - sắp bị Dalian Wanda của Trung Quốc thôn tính với giá chào mua 2,5 tỷ USD. Và theo nhiều nguồn tin, sắp tới, khán giả sẽ được thưởng thức một bom tấn nữa với tựa đề Nước Mỹ bé nhỏ của Universal Pictures theo giao kèo ký với nhà sản xuất phim lớn nhất Trung Quốc là Perfect world pictures (tài trợ 500 triệu USD cho 50 phim Mỹ thực hiện trong 5 năm). Bộ phim có nội dung đại ý nước Mỹ có một tổng thống đã đưa đất nước tới bờ vực phá sản, với nạn thất nghiệp, trộm cắp, bắn giết tràn lan và… mọi người bằng mọi giá đua nhau chạy sang cư trú ở Trung Quốc. Hết phim. Như thế đâu có cần súng đạn, tên lửa đạn đạo, máy bay tàng hình… và người chiến thắng chính là người biết sử dụng quyền lực mềm đánh trực diện vào trái tim, khối óc người dân thường.

Mới đây nhất, bộ phim bom tấn của điện ảnh Hollywood Kong: Skull island khi công chiếu cho báo giới quốc tế (sẽ ra mắt tại Việt Nam trong các định dạng 2D, 3D vào ngày 10-3 tới) đã khiến tất cả ngỡ ngàng với các cảnh đẹp mê hồn được quay tại Ninh Bình, Quảng Bình, vịnh Hạ Long, như chính đạo diễn phim Jordan Vorg Robert phải thốt lên: “Những cảnh quan vô cùng tuyệt vời chỉ có thể có ở Việt Nam. Và tôi muốn cả thế giới biết đến Việt Nam đẹp như thế nào qua bộ phim này”. Cũng theo vị đạo diễn này, nếu như bộ phim Chúa nhẫn đã thúc đẩy du lịch của New Zealand thì sau bộ phim này “mọi người sẽ tới Việt Nam và yêu nơi này cũng như tôi vậy”. Và chỉ với một bộ phim thôi, chúng ta đã có quyền hy vọng làn sóng du lịch, đầu tư sẽ tràn tới, tạo sức sống cho nền kinh tế. Đó chính là sức mạnh của quyền lực mềm thông qua sản phẩm văn hóa. 

Trước đây, một Việt Nam khói lửa, oai hùng, đã được khắc họa khá thành công qua hàng loạt bộ phim truyện kinh điển như Rừng O Thắm, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm, Cánh đồng hoang… Nhưng giờ đây, cái tư duy nhỏ lẻ, manh mún “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” vẫn còn ngự trị khá sâu trong giới tinh hoa nghệ thuật. Có một chút Hollywood, một chút Hàn Quốc, một chút cổ trang Trung Quốc, ít võ vẽ, chọc cười, ít kinh dị và không thấy có gì của mình. Điều đáng nói là chúng ta nói quá nhiều về những cái nhất, lọt tốp này tốp kia (ở thì tương lai) song từ lời nói đến việc làm vẫn còn khoảng cách quá xa. Chúng ta nói nhiều đến công nghiệp điện ảnh song thực tế các khâu hậu kỳ, kỹ xảo, dựng phim vẫn cứ phải mang sang Thái Lan thực hiện (giá rẻ) vì… khả năng chưa cho phép thì nói gì đến “bom tấn” trong thực thi quyền lực mềm. Và muốn có, phải thay đổi từ tư duy văn hóa, đào tạo nhân lực, đến xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật… và cùng với “xã hội hóa” thì vai trò “bà đỡ” của nhà nước là hết sức quan trọng. Phải có chiến lược trọng điểm trong đầu tư một bộ phim mang tầm thời đại. Mong lắm thay!

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục