Thị trường sau khi xăng tăng giá - Doanh nghiệp vận tải “gồng mình”

Sau khi giá xăng tăng 900 đồng/lít và giá dầu diesel tăng thêm 500 đồng/lít, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu đang phải nỗ lực để duy trì sức mua của khách hàng. Hiện tại, nhiều DN vận tải đang phải “gồng mình” chống chọi với cơn bão giá xăng, dầu.
Thị trường sau khi xăng tăng giá - Doanh nghiệp vận tải “gồng mình”

Sau khi giá xăng tăng 900 đồng/lít và giá dầu diesel tăng thêm 500 đồng/lít, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu đang phải nỗ lực để duy trì sức mua của khách hàng. Hiện tại, nhiều DN vận tải đang phải “gồng mình” chống chọi với cơn bão giá xăng, dầu.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, Giám đốc hãng Taxi Vinasun cho biết: Việc giá nhiên liệu tiếp tục tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh trong thời gian tới đối với DN vận tải nói chung. Tuy nhiên, đối với một số DN vừa mới điều chỉnh giá cước vào đầu tháng 3 vừa qua, sẽ không điều chỉnh giá cước trong đợt tăng giá xăng dầu lần này. Bởi lẽ, giá cước vận tải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: lãi suất ngân hàng, suất đầu tư xe, phí bảo hiểm xe, thuế trước bạ, giá nhiên liệu…

Do đó, việc giá nhiên liệu xăng, dầu tăng ở mức thấp sẽ không quyết định đến việc điều chỉnh giá cước taxi. “Hiện nay, việc giá xăng dầu tăng và DN không điều chỉnh tăng giá cước vận tải, mỗi ngày DN phải bỏ ra vài chục triệu đồng để hỗ trợ tiền xăng, dầu cho tài xế” - ông Hỷ nhấn mạnh.

Việc tăng giá xăng ảnh hưởng không nhỏ đến vận tải hành khách công cộng. Ảnh: KIM NGÂN

Việc tăng giá xăng ảnh hưởng không nhỏ đến vận tải hành khách công cộng. Ảnh: KIM NGÂN

Còn ông Hà Thanh Sơn, Công ty cổ phần Sơn Hà, phân tích: Theo quy định, giá cước vận tải chỉ điều chỉnh tăng khi giá xăng dầu tăng 5%, đợt này giá nhiên liệu tăng dưới 5% nên chưa đủ điều kiện để các DN vận tải tăng giá cước. Song nếu cộng gộp hai lần xăng, dầu tăng giá trong hơn một tháng qua thì đủ điều kiện để các DN vận tải điều chỉnh tăng giá cước để bù đắp chi phí nhiên liệu nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

Hiện tại, một số DN đang xây dựng phương án điều chỉnh giá cước mới có phụ thuộc vào yếu tố: từ ngày 1-6 sẽ thu phí Quỹ bảo trì đường bộ nên DN đang thăm dò mức phí để điều chỉnh giá cước vận tải hợp lý. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng, dầu lần này đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN vận tải và các đơn vị vận tải đang phải “gồng mình” chịu đựng với việc giá xăng, dầu tăng.

Sau 3 ngày giá nhiên liệu tăng, tại TPHCM giá nhiều mặt hàng cũng bắt đầu nhích lên, tuy nhiên vẫn chưa có sự tăng giá đáng kể. Giá hầu hết các mặt hàng tại các chợ đầu mối lớn và chợ lẻ đều chỉ nhích nhẹ.

Tại chợ Nông sản Thực phẩm Thủ Đức, theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý chợ, lượng hàng về trong 2 ngày gần đây ở mức 2.850 tấn, giảm hơn 800 tấn so với tuần trước. Tuy nhiên do sức tiêu thụ yếu nên so với tuần trước, giá hầu hết các mặt hàng rau củ quả và trái cây ở chợ trong phiên đầu tuần đều ổn định. Thậm chí còn vài mặt hàng phổ biến như bầu, bí, cà rốt, bắp cải, bông cải… giá còn giảm nhẹ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg.

Tương tự, tại chợ Bàn Cờ (quận 3), giá các mặt hàng thủy hải sản như cá lóc, mực, tôm sú, thịt heo… cũng ổn định. Nhiều tiểu thương ở đây cho biết, sau khi giá xăng tăng, chi phí vận chuyển từ chợ đầu mối về các chợ lẻ có tăng từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng/chuyến nhưng do tình hình chợ hiện nay quá ế ẩm nên để giữ khách buộc lòng họ phải tiếp tục giảm lời, giữ giá cũ chứ chưa dám tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa” như những lần trước.

Những ngày qua, theo ghi nhận của phóng viên, giá nhiều mặt hàng tại siêu thị cũng khá ổn định do hầu hết các hệ thống phân phối này đều đang có nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu. Tại siêu thị BigC, Co.opMart, Vinatex, Zen Plaza hiện có đến hàng ngàn sản phẩm được giảm giá “khủng” với mức giảm từ 5% đến 49% cho đến đầu tháng 5 nhằm thu hút khách. Đơn cử, tại hệ thống siêu thị Co.opMart hiện đang “chạy” đến đến 6 chương trình khuyến mãi với 1.500 mặt hàng thiết yếu được giảm giá đến 49%.

Tại siêu thị MaxiMark 3-2 (quận 10), giá các sản phẩm thịt heo của Vissan còn được bán thấp hơn giá chợ lẻ từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, đơn cử thịt heo đùi chỉ có 83.000 đồng/kg, thịt ba rọi 90.000 đồng/kg, sườn 80.000 đồng/kg, nạc dăm 94.000 đồng/kg.

Tương tự, tại trung tâm sỉ của hệ thống siêu thị CitiMart (quận 7), giá hầu hết các loại rau của quả và thủy hải sản cũng đều ổn định ở mức bình thường và chưa có sự thay đổi giá nào đáng kể, tuy nhiên theo đại diện phòng kinh doanh của đơn vị này thì hai ngày gần đây họ đã bắt đầu nhận được nhiều bảng báo tăng giá của một số doanh nghiệp thuộc các ngành hàng thực phẩm chế biến và công nghệ như nước mắm, dầu ăn và bột. Tuy nhiên, bảng giá mới từ đầu tháng 5 tới mới chính thức có hiệu lực.

Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho rằng với mức tăng giá xăng, dầu lần này không cao lắm nên mong các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ làm sao giảm chi phí, không vội vàng tăng giá để người dân bớt khó khăn. 

ĐÌNH LÝ – MAI THY

- Thông tin liên quan:

>> Giá xăng tăng lên 23.800 đồng/lít

Tin cùng chuyên mục